Vì sao hoa Đà Lạt không thể 'nở' trên đất người?
Được mệnh danh là xứ sở hoa, được kỳ vọng sau năm 2020 có 20% sản lượng hoa xuất khẩu (XK) ra thế giới nhưng đến nay hoa Đà Đạt vẫn âm thầm khoe sắc trong nước khi mục tiêu XK vẫn chưa đạt ½ mục tiêu kỳ vọng …
Cơ cấu sản lượng cao, doanh thu xuất khẩu quá thấp
Trao đổi với PLVN, ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện nay, diện tích trồng hoa tại Lâm Đồng là 8.890 ha, với sản lượng đạt hơn 3.358 triệu cành, trong đó XK đạt 325 triệu cành (9,7%) XK sang các thị trường Nhật Bản, Australia, Đan Mạch, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Singapore,… giá trị xấp xỉ 45 triệu USD, còn lại 90,3% tiêu thụ ở thị trường trong nước.
Thống kê trong 8 tháng đầu năm 2019 cho thấy, sản phẩm hoa các loại XK đi 12 nước, trong đó chủ yếu là Nhật Bản (>60,0%), Đan Mạch (7%), Thái Lan (5%), Hàn Quốc (5%)... ngoài ra ở các thị trường như: Oman, Indonesia, Trung Quốc, Australia, Đài Loan (Trung Quốc)… với lượng nhỏ. Tỷ lệ hoa XK: 52% là hoa cúc, 30% cây con invitro, 10% hoa cẩm chướng, 8% là các loại hoa cắt cành khác: lily, lan vũ nữ, lan hồ điệp, hồng môn, hướng dương...
Cũng theo ông Hưng, tiềm năng XK hoa lớn nhất hiện nay về chủng loại hoa cắt cành, có thể kể đến như hoa cúc với diện tích trên 3.200 ha (sản lượng ước đạt 1,7 tỷ cành), hoa cẩm chướng với diện tích trên 500ha (sản lượng ước đạt 105 triệu cành), lan hồ điệp với diện tích 180ha (sản lượng ước 17 triệu cành), lan vũ nữ với diện tích 50ha (sản lượng ước 5 triệu cành), ngoài ra còn một số loại cây con invitro cũng có tiềm năng trong XK.
Sản lượng cao, song giá trị XK không tương xứng với tiềm năng. Bên cạnh đó, các công ty có khả năng thúc đẩy XK hoa Đà Lạt tốt tập trung vào các DN có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó, công ty Đà Lạt Hasfarm XK chiếm trên 60% tổng sản lượng lượng hoa của toàn tỉnh.
Ngoài ra, Lâm Đồng còn có 5 DN được Bộ NN&PTNT công nhận là DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao/266 ha (Công ty TNHH Dalat Hasfarm; Công ty TNHH Langbiang Farm; Công ty TNHH Hoa Mặt Trời, Công ty CP công nghệ sinh học Rừng hoa Đà Lạt và Công ty TNHH TM & DV Trường Hoàng)
Giống bản quyền và mối liên kết thị trường
Cũng theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, hạn chế lớn nhất của hoa Đà Lạt hiện nay là diện tích sản xuất hoa còn manh mún; hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo để hiện đại hóa khâu sản xuất.
Để XK hoa cần áp dụng công nghệ bảo quản nhưng chưa được các cơ sở sản xuất, người tiêu dùng quan tâm. Các chế phẩm bảo quản hoa chưa được nghiên cứu chuyên sâu, công nghệ bảo quản chưa được chuyển giao để ứng dụng rộng rãi. Vì vậy giá trị sản phẩm hoa cắt cành chưa đảm bảo tiêu chuẩn XK.
Bên cạnh đó, việc liên kết sản xuất mặc dù trong thời gian qua bước đầu đã cho kết quả khả quan (hiện nay trên toàn tỉnh có 7 chuỗi: 7 công ty liên kết với 299 nông dân để liên kết sản xuất với diện tích 842,5 ha. Các chuỗi này có tiềm năng về diện tích, về cơ sở hạ tầng, có kho lạnh bảo quản đảm bảo chất lượng, có diện tích để sản xuất, đáp ứng nhu cầu XK). Tuy nhiên, giá trị XK đạt được chưa tương xứng với tiềm năng.
Ông Trần Văn Bảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty Dalat Hasfarm cho rằng, hoạt động XK hoa của Đà Lạt bị “tắc” ở khâu giống. Nông dân muốn mua giống có bản quyền thì rất ít thông tin. Những công ty sản xuất giống uy tín hàng đầu thế giới thì lo ngại bị sao chép giống nên không quan tâm đến thị trường Việt Nam. Đặc biệt, hiện nay còn xảy ra tình trạng xâm phạm bản quyền giống, khiến các DN gặp khó.
“Năm 2010, đơn vị tôi bắt đầu sản xuất cúc calimero. Đây là giống mới hoàn toàn đơn vị được độc quyền kinh doanh. Năm 2011, 1,3 triệu cành cúc được xuất sang Nhật Bản. Đến năm 2014 chúng tôi bán thử 1,4 triệu cành ở Việt Nam, chỉ 2 năm sau, khi thủ tục bảo hộ tại thị trường Việt Nam chưa tiến hành xong thì loại cúc này được bán tràn lan... Bộ phận pháp lý của chúng tôi rất vất vả để ngăn chặn” - ông Bảo nói.
Tỉnh Lâm Đồng từng kỳ vọng sau năm 2020, tỷ lệ hoa XK có thể đạt trên 20%, trong khi con số hiện tại mới chỉ được phân nửa. Trong khi đó, theo Sở NN&PTNT Lâm Đồng, vùng hoa Đà Lạt phải nhập hơn 50 triệu USD giống hoa/năm. Trong hai năm 2018 - 2019, Lâm Đồng nhập gần 500.000 cây giống có bản quyền của 22 chủng loại rau hoa từ các nước như Hà Lan, Israel, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc.
Theo các chuyên gia, để rộng đường XK cho hoa Đà Lạt, ngay lúc này cần phải tính tới việc làm chủ về công nghệ sản xuất giống, khép kín khâu trồng trọt từ giống đến thành phẩm. Người trồng hoa phải tuân thủ cuộc chơi, đặc biệt là bản quyền về giống hoa. Không thể lấy giống “copy” hoặc nhập tiểu ngạch để trồng hoa XK…