Vì sao hoạt động đổi mới sáng tạo tại Việt Nam chưa khởi sắc?

Năm 2023, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam được xếp hạng 46/132 quốc gia, tăng 5 bậc so với năm 2022 và lọt top 7 quốc gia có thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cần có cơ chế đồng bộ hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và nền kinh tế...

Tại sự kiện công bố danh sách “Top 50 doanh nghiệp Sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả Việt Nam năm 2024 (VIE50), Top 10 doanh nghiệp Sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả Việt Nam trong các ngành kinh tế trọng điểm năm 2024 (VIE10) và Top 100 sản phẩm Đổi mới sáng tạo hiệu quả của năm 2024” do Báo Đầu tư phối hợp cùng Công ty Cổ phần Nghiên cứu Kinh doanh Việt Nam (Viet Research) tổ chức mới đây, đã vinh danh nhiều doanh nghiệp tiêu biểu về đổi mới, sáng tạo và kinh doanh hiệu quả trong năm 2024.

ĐỔI MỚI SÁNG TẠO LÀ CHÌA KHÓA TRONG KỈ NGUYÊN SỐ

Theo ông Trương Minh Tiến, Giám đốc Điều hành Viet Research, đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam. Điều này không chỉ giúp cải thiện năng lực cạnh tranh qua việc phát triển sản phẩm, dịch vụ mới và tối ưu hóa quy trình kinh doanh, mà còn hỗ trợ thích ứng nhanh chóng với biến động thị trường và nhu cầu khách hàng.

Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường vị trí thương hiệu, đảm bảo hiệu quả hoạt động và bền vững trong môi trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh gay gắt.

Những năm qua, Việt Nam có nhiều tiến bộ vượt bậc trong phát triển công nghệ, áp dụng số hóa để cải tiến và ra mắt những sản phẩm mới. Trong đó, những lĩnh vực rất mới và khó như sản xuất chip, công nghệ dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, sản xuất xe điện… đều có sự góp mặt của các doanh nghiệp trong chuỗi toàn cầu.

Bên cạnh đó, xu hướng phát triển mới như phát triển xanh, phát triển bền vững, tiến tới các chuẩn mực ESG đều được doanh nghiệp tại Việt Nam hướng tới.

Năm 2024 là năm thứ hai liên tiếp, danh sách Top 50 Doanh nghiệp Sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả Việt Nam 2024 (VIE50) và Top 10 Doanh nghiệp Sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả Việt Nam 2024 trong các ngành thiết yếu và Top 100 sản phẩm Đổi mới sáng tạo hiệu quả của năm được công bố và vinh danh dựa trên kết quả nghiên cứu của Viet Research.

Các chuyên gia cho rằng, đây là sự ghi nhận đối với chặng đường cố gắng của các doanh nghiệp khi ứng dụng những đổi mới, sáng tạo và cách tân mô hình hoạt động, thiết kế sản phẩm dịch vụ, tư duy quản trị, cách thức tổ chức và triển khai công việc, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Từ đó, tạo lập vị thế trên thị trường và đóng góp vào hành trình phát triển đất nước.

Theo kết quả khảo sát các doanh nghiệp trong sách VIE50 và VIE10, có 86% doanh nghiệp công nhận đổi mới sáng tạo là chìa khóa quan trọng đối với tăng trưởng; trong đó có trên 70% các doanh nghiệp cho biết dự kiến tăng ngân sách cho đổi mới sáng tạo ít nhất 2 năm tới.

ĐẨY MẠNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ

Theo ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, mặc dù đã có những chủ trương, chính sách về tạo lập thể chế, khuôn khổ, song việc triển khai từ chính sách vào thực tế vẫn còn những hạn chế nhất định.

Cụ thể hơn, vẫn chưa có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các nghị định liên quan chưa thực sự đi vào cuộc sống. Thực tế chỉ ra các doanh nghiệp thường tự chi tiền đầu tư cho hoạt động đổi mới, sáng tạo thay vì chờ những chủ trương từ chính sách hỗ trợ. Ở khía cạnh của các doanh nghiệp Nhà nước, hiện vẫn đang thiếu những hành lang pháp lý để thúc đẩy đầu tư cho đổi mới, sáng tạo. Các quỹ về khoa học công nghệ theo Thông tư 05/2022/TT-BKHCN của cả doanh nghiệp tư nhân lẫn nhà nước cũng rơi vào tình trạng vướng mắc, khó khăn.

Mặt khác, sự đầu tư cho đổi mới sáng tạo của năm 2024 chỉ là 0,4% GDP, thấp hơn so với mức trung bình của những năm trước (khoảng 0,59% GDP). Mức đầu tư này thấp hơn rất nhiều so với trung bình của ASEAN.

Mức chi ngân sách chung cho hoạt động nghiên cứu đổi mới sáng tạo trung bình đạt khoảng 1.52% thấp hơn mục tiêu 2%. Hơn nữa, phần lớn mức chi này lại dành cho chi cho lương cán bộ nhân viên chứ không phải đầu tư cho hoạt động nghiên cứu đổi mới sáng tạo.

Ông Nguyễn Đức Hiển nói thêm hiện nay vẫn còn thiếu những cơ chế, chính sách để thúc đẩy thành lập các trung tâm sáng tạo của vùng hay các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Cần phải đốc thúc các Bộ, ngành thì mới tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo theo tinh thần của Nghị quyết số 52-NQ/TW.

Nghị quyết số 52-NQ/TW nhấn mạnh cần tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp được khai thác, sử dụng các cơ sở dữ liệu Quốc gia lớn. Tuy nhiên, thực tế việc khai thác dữ liệu vẫn còn những hạn chế nhất định.(Ông Nguyễn Đức Hiền, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương).

Một vấn đề quan trọng nữa được các chuyên gia tại hội thảo nêu là việc triển khai các mô hình thí điểm có kiểm soát (sandbox). Đến nay đã được 5 năm kể từ khi Nghị quyết số 52-NQ/TW được đưa ra nhưng vẫn chưa ban hành được nghị định thí điểm về công nghệ tài chính (Fintech). Như vậy, cần có sự đốc thúc để tạo điều kiện nhanh chóng triển khai các cơ chế có kiểm soát (sandbox) trong các các lĩnh vực khi mà khuôn khổ pháp lý chưa có.

Đan Tiên

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/vi-sao-hoat-dong-doi-moi-sang-tao-tai-viet-nam-chua-khoi-sac.htm