Vì sao hoạt động NCKH của Viện Khoa học giáo dục hạn chế, nguồn thu thấp?
Theo Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của viện vẫn còn hạn chế nên chưa đem lại nguồn thu đáng kể.
Viện Khoa học giáo dục trực thuộc Trường Đại học Quy Nhơn được thành lập ngày 1/9/2016 theo Quyết định số 1451/QĐ-ĐHQN của hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn nhằm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học giáo dục và bồi dưỡng sư phạm.
Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu trong trường, phục vụ cho sự nghiệp đổi mới và phát triển giáo dục của khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên nói riêng và của cả nước nói chung.
Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và bồi dưỡng sư phạm
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phi Hùng, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục cho hay, chức năng chính của viện là nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng trong lĩnh vực sư phạm và giáo dục, bao gồm:
Thực hiện hoặc phối hợp thực hiện các đề tài, dự án thuộc lĩnh vực sư phạm, khoa học giáo dục, lý luận và phương pháp dạy học bộ môn ở các loại hình nghiên cứu cơ bản, ứng dụng, triển khai. Từ đó, góp phần phát triển giáo dục, đào tạo của Trường Đại học Quy Nhơn, của địa phương và khu vực;
Tổ chức bồi dưỡng thường xuyên cho viên chức giảng dạy, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên ngành giáo dục. Bồi dưỡng và đào tạo ngắn hạn về nghiệp vụ sư phạm, giáo dục nghề nghiệp;
Phối hợp với các đơn vị trong trường thực hiện nhiệm vụ phát triển chương trình đào tạo, bồi dưỡng về sư phạm, giáo dục;
Xác lập, tư vấn cho lãnh đạo trường và các khoa, bộ môn liên quan các vấn đề về định hướng nghiên cứu khoa học giáo dục, chiến lược phát triển giáo dục đào tạo. Tư vấn sư phạm, giáo dục, cung ứng dịch vụ và chuyển giao khoa học công nghệ giáo dục;
Tổ chức hội nghị, hội thảo, diễn đàn thảo luận về nghiên cứu sư phạm và khoa học giáo dục. Ngoài ra, viện còn hợp tác cả trong và ngoài nước trong lĩnh vực sư phạm và giáo dục.
Hiện tại, Viện Khoa học giáo dục đang thực hiện 7 chương trình bồi dưỡng, tập huấn, bao gồm:
Chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn Tin học và Công nghệ ở tiểu học; Chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên ở trung học cơ sở; Chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lí ở trung học cơ sở;
Chương trình bồi dưỡng năng lực tư vấn cho giáo viên phổ thông làm công tác tư vấn cho học sinh; Chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông cả về cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyên ngành và phát triển năng lực nghề nghiệp theo yêu cầu vị trí việc làm;
Chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên; Các chương trình bồi dưỡng, tập huấn giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục theo đặt hàng yêu cầu của địa phương.
Cũng theo thầy Hùng, việc thành lập viện có ý nghĩa rất lớn trong việc điều chỉnh cơ cấu tổ chức giữa các đơn vị thuộc trường cũng như phát triển về quy mô, chất lượng hoạt động.
“Trường Đại học Quy Nhơn tiền thân là Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn hiện nay là cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực. Trong chiến lược phát triển trường luôn xác định đào tạo sư phạm là cốt lõi. Vì vậy, cùng với sự tái cấu trúc tập trung quản lý đào tạo nhóm ngành giáo viên về Khoa Sư phạm, việc thành lập Viện Khoa học giáo dục thuộc trường tạo nên một cơ cấu phù hợp, cần thiết để trường thực hiện đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu trong lĩnh vực sư phạm, giáo dục.
Đồng thời việc thành lập viện giúp cho quy mô đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu trong lĩnh vực sư phạm, giáo dục được mở rộng với chất lượng bảo đảm và không ngừng cải thiện”, thầy Hùng thông tin.
Hoạt động nghiên cứu khoa học, kinh phí hạn chế
Chia sẻ về nguồn thu của hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của viện, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phi Hùng cho biết: Hoạt động này của viện vẫn còn hạn chế, vì vậy chưa đem lại nguồn thu đáng kể.
“Nguyên nhân là do nhân sự về nghiên cứu khoa học giáo dục còn rất mỏng. Việc phối hợp nghiên cứu giữa các đơn vị, cá nhân trong và ngoài trường chưa tốt và kinh phí nghiên cứu còn hạn chế”, thầy Hùng cho biết thêm.
Hiện tại, nghiên cứu khoa học giáo dục của viện mới chỉ dừng lại ở mức thực hiện các đề tài khoa học công nghệ cấp cơ sở, chưa có kết quả chuyển giao công nghệ giáo dục.
Thầy Hùng cũng hy vọng trong tương lai gần, với sự bổ sung nhân sự, mở rộng hợp tác và đầu tư thì hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực sư phạm, giáo dục của viện sẽ được cải thiện.
Về đội ngũ cán bộ, giảng viên cơ hữu của viện (để tổ chức, quản lý các chương trình bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học giáo dục) có 7 người. Trong đó có 3 phó giáo sư, 2 chuyên viên chính, 1 chuyên viên.
Ngoài ra, viện cũng phối hợp thực hiện giảng dạy các chương trình bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học giáo dục, huy động nhân lực giảng viên từ tất cả các đơn vị trong trường.
Tuy nhiên, chức năng đào tạo này vẫn do phòng đào tạo của Trường Đại học Quy Nhơn quản lý.
Theo Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục trong quá trình hoạt động viện có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp vô vàn khó khăn.
Về thuận lợi, viện được lãnh đạo trường quan tâm. Các viên chức hiện tại của viện có năng lực, lòng tâm huyết và nhiệt tình. Mạng lưới cựu sinh viên sư phạm trong khu vực lớn mạnh (khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có đến 40% giáo viên tốt nghiệp từ Trường Đại học Quy Nhơn).
Ngoài ra, viện là đơn vị thuộc trường nên theo cơ chế tài chính phụ thuộc trường.
Về khó khăn, nhân sự của viện còn thiếu vị trí việc làm nghiên cứu viên về khoa học giáo dục. Sự phối hợp với các cá nhân/đơn vị giữa viện và trường vẫn chưa đồng bộ, hiệu quả do quan niệm công tác bồi dưỡng không chính yếu bằng đào tạo.
Bên cạnh đó, sự phối hợp trong thiết lập, triển khai các đề tài, dự án về giáo dục chưa thực sự chặt chẽ.