Vì sao học sinh lớp 4 ở Tiền Giang không biết đọc chữ nào?
Dù đã 12 tuổi, đang học lớp 4 nhưng không hề biết đọc và viết chữ thì rất chậm chạp.
Đó là trường hợp rất hy hữu đang diễn ra tại lớp 4 “Hai” trường Tiểu học Tam Bình, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Một căn bệnh thành tích trong học đường cần được chấn chỉnh tại Tiền Giang.
Em Phạm Minh Tân ở ấp Bình Chánh Đông, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang năm nay 12 tuổi, đúng ra em phải học lớp 6 nhưng em vẫn còn học lớp 4. Dù đang học lớp 4 nhưng Phạm Minh Tân vẫn chỉ biết viết chữ chậm chạp và không hề biết đọc chữ nào.
Đến nay, dù đã khai giảng năm học mới được hơn 1 tháng nhưng trong các quyển vở của em chỉ viết được vài trang. Khi phóng viên đưa quyển sách giáo khoa nhờ em đọc thì em chỉ lắc đầu vì không hề biết đọc. Điều đáng nói khi xem lại quyển học bạ lưu tại trường thì các giáo viên chủ nhiệm từ các lớp trước đều phê rằng, “ đọc trơn, viết thạo”, thậm chí điểm kiểm tra môn Tiếng Việt cuối năm đều đạt điểm 6 (!).
Ông Phạm Minh Tạo là cha của em Phạm Minh Tân rất ngỡ ngàng vì con mình không biết đọc mà vẫn ngồi lớp 4. “Nói chung tôi cũng bức xúc, cũng hơi buồn vì nhà trường dạy không biết sao. Tôi đi làm hoài không quan tâm tới việc học của cháu, chỉ nhờ bà ngoại cháu và nhà trường thôi", ông Tạo bức xúc nói
Được biết, gia đình em Phạm Minh Tân thuộc diện khó khăn, mẹ em không biết chữ, còn cha em mới học hết lớp 2. Hàng ngày, cha mẹ em phải đi làm thuê kiếm sống. Sức khỏe của Tân bình thường.
Ngoài môn Tiếng Việt không biết đọc thì các môn học khác ở dạng trung bình. Do em không biết đọc mà vẫn lên lớp nên cha mẹ em đã phó mặc thầy cô. Em không biết đọc nên về nhà cũng không cần học bài vì vào lớp không phải trả bài như các học sinh bình thường khác.
Vì căn bệnh “ thành tích” nên 6 năm học qua từ lớp 1 đến lớp 3 vừa qua, em chỉ ở lại 2 năm học (lớp 1 và lớp 2) và các năm sau vẫn được giáo viên chủ nhiệm “công nhận” đủ điều kiện lên lớp.
Về việc này, thầy Nguyễn Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Bình cho rằng mới hay tin vụ này. Từ trước đến nay, Ban giám hiệu trường chỉ căn cứ vào lời phê của giáo viên chủ nhiệm lớp nên không hay biết.
“Việc này, tôi sẽ xem lại từ lớp 1, lớp 2, lớp 3, em học như thế nào và ai dạy, xem những giáo viên đó trình bày như thế nào. Nếu mà lên lớp sai quy định thì sẽ bị xử lý. Tùy theo mức độ lên lớp sai quy định, sai quy chế, ai dạy những em này thì người đó phải chịu trách nhiệm. Về phía BGH thì nếu cho em trở lại lớp 1 thì rất khó, mà lên lớp cũng rất khó cho nên phải tạo điều kiện cho em bằng cách nào đó biết đọc biết viết”, ông Tuấn nói.
Đây không phải là trường hợp duy nhất, qua tìm hiểu của phóng viên Đài TNVN, tại trường Tiểu học Tam Bình hiện nay vẫn còn một số em dù học lớp 3, lớp 4 nhưng khả năng đọc viết rất yếu.
Học sinh lớp 3, lớp 4 mà không biết đọc và viết chữ là không thể chấp nhận được như ở trường Tiểu học Tam Bình. Đã đến lúc phương pháp giảng dạy và “ căn bệnh” thành tích của Nhà trường này phải được xóa bỏ.
Tam Bình là địa phương có mức phát triển mạnh về kinh tế- xã hội và là xã văn hóa, xã Nông thôn mới tiêu biểu của tỉnh Tiền Giang. Riêng trường Tiểu học Tam Bình là trường đạt danh hiệu tiên tiến nhiều năm liền, có 15 giáo viên giỏi cấp huyện, 3 giáo viên giỏi cấp tỉnh thì càng không thể tồn tại học sinh ngồi “nhầm lớp”, vì bệnh thành tích như hiện nay./.