Vì sao học sinh lớp 7 mang thai nhưng không ai biết?
Bác sĩ Phan Chí Thành, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết, việc học sinh lớp 7 mang thai nhưng bạn bè, nhà trường không biết là bình thường.
Nữ sinh T.T.M.C (sinh năm 2010, trú tại xã An Bá, Sơn Động, Bắc Giang) sinh con vào khoảng 4h30 sáng 11/2. Theo chia sẻ của gia đình, trong lúc đang ở nhà, nữ sinh C. đau bụng dữ dội. Sau khi vào phòng tắm, em đã sinh bé trai nặng khoảng 2,7kg.
Học sinh lớp 7 mang thai nhưng bạn bè, nhà trường không biết là bình thường
Trước đây, trẻ 12-14 tuổi mới bắt đầu bước vào giai đoạn dậy thì nhưng hiện tại, trẻ có thể dậy thì khi 8-9 tuổi. Dậy thì sớm và giáo dục giới tính muộn là nguyên nhân dẫn tới trẻ mang thai ngoài ý muốn.
Thạc sĩ, bác sĩ Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết, vụ việc học sinh lớp 7 mang thai nhưng bạn bè, nhà trường không biết là bình thường. Mọi người thường không nghĩ trẻ trong độ tuổi đó có thai. Nữ sinh C. mang thai vào mùa đông, mặc nhiều lớp quần áo nên dễ che bụng bầu. Đây cũng là giai đoạn cơ thể đang phát triển nên việc trẻ tăng cân không gây chú ý.
Thực tế, xu hướng trẻ vị thành niên có quan hệ tình dục sớm ngày càng tăng lên. Bác sĩ Thành khuyên, cha mẹ nên chuẩn bị sẵn cho các tình huống có thể xảy ra với con mình để ứng phó kịp thời. Khi tới gặp bác sĩ, nhiều trẻ cho rằng việc quan hệ tình dục ở độ tuổi của mình rất bình thường. Một số trường hợp là nữ sinh lớp 9, lớp 10 không áp dụng các biện pháp thai.
Bác sĩ Thành khuyến cáo, mang thai ở tuổi vị thành niên khiến trẻ phải đối mặt với nguy cơ sảy thai, biến chứng sản khoa nhiều hơn người trưởng thành. Đa số trẻ mang thai ở tuổi này đều giấu gia đình, không được chăm sóc y tế và quan tâm đúng cách khiến nguy cơ gặp tai biến sản khoa tăng, thậm chí có thể tử vong.
Do bé gái đang tuổi vị thành niên, khung sàn chậu chưa hoàn thiện nên khi sinh nở, các em dễ đối diện với nguy hiểm. Phần lớn những trường hợp này phải can thiệp bằng các thủ thuật và phẫu thuật.
Đứa trẻ có mẹ “tuổi teen” cũng bị ảnh hưởng. Thai nhi không được theo dõi, đặc biệt trong 3 tháng đầu, nên không được sàng lọc các dị tật, bệnh lý di truyền. Cơ thể người mẹ chưa phát triển đầy đủ dẫn đến thiếu máu, thiếu chất khiến thai kém phát triển, dễ bị chết lưu hoặc trẻ sinh ra thiếu cân, suy dinh dưỡng, mắc nhiều bệnh tật...
Ngoài ra, theo bác sĩ Thành, người mẹ không dùng các biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục nên việc lây nhiễm một số căn bệnh nguy hiểm như viêm gan B, HIV, giang mai, lậu... hoàn toàn có thể xảy ra và ảnh hưởng sang con.
Căng thẳng, trầm cảm vì làm mẹ ở "tuổi ô mai"
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung, Giảng viên Bộ môn Sản, trường Đại học Y Dược TP.HCM, chia sẻ, anh từng tiếp nhận nhiều trẻ đang học cấp 2 được ba mẹ đưa đến khám thai. Cha mẹ thường không biết con mang thai trong những tháng đầu. Theo quy định, thai nhi trên 22 tuần không được phép phá nên bác sĩ đều tư vấn cho gia đình nên giữ lại trẻ.
Tuy nhiên, việc theo dõi thai kỳ cho bà mẹ "tuổi ô mai" cũng không dễ dàng. Nhiều trẻ bị căng thẳng, trầm cảm. Các em không được chuẩn bị về sức khỏe và tâm lý làm mẹ. Trẻ không hình dung được việc khám thai quan trọng như thế nào và những dị tật khi mang thai nguy hiểm ra sao.
Bác sĩ Trung tư vấn ba giải pháp cho trẻ vị thành niên mang thai gồm: sinh con rồi trao lại cho tổ chức xã hội chăm sóc, giữ lại nuôi và bỏ thai. Đa số gia đình chọn cách thứ ba. Bác sĩ phải tư vấn rất kỹ về các nguy cơ biến chứng khi phá thai. Tại Việt Nam, trên 90% trẻ mang thai ở tuổi vị thành niên phải bỏ thai trong khi đó ở Mỹ, tỷ lệ này rất ít.
Bác sĩ cũng cho rằng, chúng ta cần quan tâm giáo dục về giới tính và sức khỏe sinh sản cho trẻ sớm hơn so với quan niệm trước đây.