Vì sao học sinh Trung Quốc giỏi Toán hơn các nước khác?
Học sinh Trung Quốc thường giành được nhiều huy chương vàng trong các kỳ thi Toán quốc tế. Một số giáo viên ở châu Á nói rằng trình độ Toán học của học sinh Trung Quốc cao hơn các nước khác.
Trong bộ phim The Big Short (năm 2015) nói về cuộc khủng hoảng tiền tệ, diễn viên Ryan Gosling thủ vai giám đốc điều hành Deutsche Bank đã có cuộc họp với các khách hàng tiềm năng. Để củng cố cho luận điểm của mình, Ryan đã giới thiệu một cộng sự và nói rằng anh ta là “chuyên gia toán học của tôi”. Điểm mấu chốt ở đây là: anh ta là người châu Á.
Thói quen ăn sâu vào tầm thức của nhiều người rằng người châu Á, đặc biệt là người Trung Quốc, giỏi toán lan rộng đến mức ứng viên Tổng thống của Đảng Dân chủ Andrew Yang đã lấy nó làm đặc điểm trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của mình. Khi phát biểu trước đám đông người ủng hộ, ông Yang thường giới thiệu về mình: “Đối lập với Donald Trump là một chàng trai châu Á yêu toán học”.
Học sinh và giáo viên ở châu Á cũng có cảm nhận này. Em Chu Cheuk-hei, một học sinh 15 tuổi ở Hồng Kông, người đã từng tham dự các cuộc thi Toán quốc tế, nhận xét: “Em nghĩ điều đó là đúng trong các cuộc thi Toán học. Học sinh Trung Quốc hoặc châu Á thường học tốt hơn các học sinh khác”.
Alex Dutton, một gia sư Toán và Vật lý ở Hồng Kông nhận xét: “Không phải tất cả học sinh Trung Quốc đều giỏi Toán, nhưng nhìn chung các học sinh Trung Quốc của tôi có trình độ Toán học cao hơn học sinh nước khác”.
Ông Frederick Leung, một giáo sư Toán học tại Đại học Hồng Kông, đã nghiên cứu chủ đề này trong hai thập kỷ rưỡi qua. Cứ 4 năm một lần, ông tổ chức một đợt kiểm tra trình độ Toán cho học sinh từ 10-14 tuổi tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong bảng xếp hạng của ông, học sinh nằm trong top 5 là Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan. Trung Quốc đại lục không tham gia nghiên cứu.
Ông Leung tin rằng một trong những lý do tại sao học sinh từ những nơi đó luôn vượt trội hơn những nơi khác là bởi ảnh hưởng của văn hóa Nho giáo, coi trọng sự chăm chỉ và tích cực trong học tập.
ông Frederick Leung nói rằng văn hóa Nho giáo ảnh hưởng đến thái độ học tập của học sinh Trung Quốc
Ông Leung chia sẻ: “Trong nền văn hóa Nho giáo lâu đời này có sự coi trọng rất lớn về giáo dục. Ở Anh, khi tôi phỏng vấn các bậc phụ huynh và hỏi họ: Ồ, con của bạn học không tốt lắm về môn Toán. Bạn nghĩ tại sao lại như vậy?, họ nói: Ồ, nó không giỏi toán à. Bản thân tôi cũng không giỏi toán. Nhưng nó rất giỏi bóng rổ, âm nhạc hay nghệ thuật. Ở Bắc Kinh, nếu đặt câu hỏi tương tự với các bậc cha mẹ thì họ chia sẻ rằng: ồ, vì con tôi nó lười biếng. Đó là một sự tương phản lớn với các bậc cha mẹ phương Tây. Người phương Tây cho rằng con họ giỏi hay không giỏi Toán học là do khả năng bẩm sinh”.
Một trụ cột trong hệ thống xác định tài năng của Trung Quốc là các kỳ thi quốc gia, ngày nay vẫn được sử dụng để tuyển sinh Đại học và tìm nhân sự cho các cơ quan của chính phủ. Tất nhiên, một trong các môn học quan trọng là Toán.
Các kỳ thi quốc gia bắt nguồn từ thế kỷ thứ bảy trong triều đại nhà Tùy, khi triều đình yêu cầu mọi người phải vượt qua các kỳ thi về văn bản, luật pháp và chính trị Nho giáo cổ điển.
Đó là một cách để tiến lên các nấc thang xã hội và giành được một công việc uy tín của trong cơ quan chính phủ. Các kỳ thi thúc đẩy ý tưởng rằng học tập chăm chỉ có thể cải thiện thành tích và cuộc sống.
“Vì vậy, qua nhiều thế hệ, chúng tôi có sự tin tưởng rất sâu sắc vào việc kiểm tra,” ông Leung nói.
Ngày nay, nỗi ám ảnh về các bài kiểm tra đã thúc đẩy sự phát triển của giáo dục tư nhân bao gồm các trường dạy thêm và “lò” luyện thi.
Ở Trung Quốc, hơn 90% phụ huynh trả tiền cho “lò” luyện thi, biến nó trở thành ngành công nghiệp trị giá 383 tỉ đô la Mỹ vào năm 2019.
Ngay cả ngôn ngữ (tiếng mẹ đẻ) cũng có ảnh hưởng đến việc học Toán. Một số nghiên cứu cho thấy hệ thống chữ số trong tiếng Trung khá đơn giản. “Ít nhất là số học rất dễ học”, ông Leung nói.
Ảnh hưởng của văn hóa Nho giáo đã giúp học sinh Trung Quốc nói riêng và học sinh châu Á nói chung học Toán tốt hơn (ảnh: SCMP)
Các nhà nghiên cứu về giáo dục mầm non đã phát hiện ra rằng cách một ngôn ngữ mô tả các con số có thể ảnh hưởng đến tốc độ tính toán của trẻ.
Lấy ví dụ số 11. Các ngôn ngữ như tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha có một từ duy nhất cho nó (tương ứng với eleven, onze, và once). Nhưng tiếng Trung Quốc số 11 sẽ là số “10” và “1”. Các chữ số là đơn âm giúp chúng dễ ghi nhớ hơn.
Số 11 trong tiếng Trung là ghép từ hai từ "mười" và "một" (ảnh: SCMP)
Hệ thống số tương tự được sử dụng trong tiếng Ả Rập, tiếng Hàn và tiếng Nhật. Một trong những lợi ích của hệ thống này, theo ông Leung, là các phép toán có thể được dạy bằng các thuật ghi nhớ, chẳng hạn như bài hát.
Các thuật ghi nhớ này giúp đưa bảng cửu chương vào bộ nhớ dễ dàng hơn, tạo cơ sở cho toán học cấp cao hơn.