Vì sao hơn 224 nghìn tỷ trong các vụ án kinh tế, tham nhũng chưa thể thu hồi?

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, trong 10 tháng năm 2021, mặc dù đã rất nỗ lực, cố gắng nhưng kết quả THADS vẫn chưa được như mong muốn, tỷ lệ thi hành xong về tiền có giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2020 (giảm 0,75%).

Nguyên nhân chủ yếu là do đại dịch COVID-19 bùng phát, diễn biến phức tạp trong toàn quốc. Kể từ tháng 6/2021, do dịch bùng phát phức tạp nên nhiều địa phương phải thực hiện cách ly, phong tỏa, đặc biệt là các địa phương có lượng việc, tiền lớn là TP. Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai và các tỉnh phía nam...

Tổng số phải thi hành của 23 tỉnh/thành phố đang phong tỏa do dịch là 490.942 việc (chiếm 61,67% so với toàn quốc), tương ứng với hơn 224.985 tỷ đồng (chiếm 79,29% so với toàn quốc). Trong bối cảnh đó, hoạt động THADS bị gián đoạn, có nhiều vụ việc thi hành án tài sản có giá trị lớn đang trong quá trình xử lý hoặc chuẩn bị giao tài sản thì phải tạm dừng.

Vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh

Dù chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ về việc (0,49% tổng số phải thi hành) nhưng số tiền phải thi hành trong các vụ việc thi hành án về kinh tế, tham nhũng là rất lớn (24,5% về tiền so với tổng số phải thi hành), chủ yếu tập trung vào một số vụ việc tại TPHCM và Đà Nẵng.

Tuy nhiên, trong nhiều vụ việc, tài sản thi hành án có giá trị rất thấp (có vụ việc đương sự phải thi hành hơn 15.000 tỷ đồng, nhưng giá trị tài sản để thi hành án thực tế không quá 500 tỷ đồng....) hoặc đang có tranh chấp (các giá trị tài sản tranh chấp ước đạt hơn 7.000 tỷ đồng, các đương sự đang khởi kiện để phân chia tài sản chung) hoặc chưa thực hiện được việc xử lý tài sản do dịch COVID-19 (nếu xử lý xong các tài sản tại TPHCM và Đà Nẵng thì có thể thu được hàng nghìn tỷ đồng)... Trong số những vụ việc trên, chỉ cần tồn, chưa thi hành xong vài vụ thì tỷ lệ thi hành về tiền sẽ thấp, kéo tỷ lệ chung xuống rất nhiều.

Bên cạnh đó là do vướng mắc về thể chế. Với cơ chế ủy thác thi hành án, hiện nay trong nhiều vụ việc, mặc dù tài sản đã được bản án tuyên kê biên, có thể xử lý ngay nhưng do nằm ở nhiều địa phương khác nhau nên theo quy định, các cơ quan THADS phải xử lý xong tài sản ở nơi đang tổ chức thi hành rồi mới có thể ủy thác đến nơi có tài sản khác. Điều này đã làm thời gian thi hành án kéo dài.

Đồng thời, việc chưa có cơ chế xử lý đối với các tài sản là quyền sử dụng đất nông nghiệp đã hết thời hạn sử dụng hoặc người phải thi hành án chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... cũng là nguyên nhân dẫn đến việc thi hành án chưa hiệu quả.

Trâm Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/vi-sao-hon-224-nghin-ty-trong-cac-vu-an-kinh-te-tham-nhung-chua-the-thu-hoi-post158486.html