Ngày 11/2 vừa qua, Bộ Quốc phòng Indonesia đã ký một hợp đồng trị giá 13,9 tỷ USD để mua 36 máy bay chiến đấu hạng nặng F-15 Eagle từ Mỹ. Điều này khiến Indonesia trở thành khách hàng thứ bảy của máy bay chiến đấu F-15 sau Israel, Nhật Bản, Ả Rập Xê-út, Hàn Quốc, Singapore và Qatar.
F-15 là máy bay chiến đấu hạng nặng có lượng xuất khẩu tương đối ít chủ yếu do chi phí vận hành cao và yêu cầu bảo dưỡng. Indonesia kể từ những năm 1990 đã vận hành song song các máy bay chiến đấu hạng nặng và hạng nhẹ.
Hiện quốc gia Đông Nam Á này đang triển khai một phi đội máy bay chiến đấu hạng nặng Su-27 và Su-30 của Nga cùng với các máy bay F-16 hạng nhẹ hơn của Mỹ.
Ban đầu Indonesia dự kiến thay thế các máy bay chiến đấu Su-27 và Su-30 bằng máy bay chiến đấu Su-35S thế hệ 4 ++ hiện đại hơn. Tuy nhiên, Mỹ đã đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Indonesia khi nước này mua vũ khí hiệu suất cao của Nga, điều này đã khiến Jakarta phải thay đổi kế hoạch và mua F-15 thay thế.
F-15 của Indonesia được cho là sẽ dựa trên phiên bản F-15EX hiện đang được đặt hàng cho Không quân Mỹ. Su-35 và F-15EX đều dựa trên các thiết kế máy bay chiến đấu thời Chiến tranh Lạnh, lần lượt là Su-27 Flanker và F-15C Eagle, cả hai đều là những máy bay chiến đấu chủ lực của Liên Xô và Mỹ trong thời kỳ đó.
Mặc dù Su-27 Flanker được coi là máy bay chiến đấu có khả năng hơn trong Chiến tranh Lạnh, nhưng sự sụp đổ của Liên Xô và sự thu hẹp đáng kể của lĩnh vực công nghệ Nga đã giúp ngành hàng không quân sự của Mỹ thu hẹp phần lớn khoảng cách với Nga.
Do đó, F-15EX được coi là có cơ hội tốt hơn để chống lại Su-35 so với F-15 từ những năm 1980 khi đối đầu với Su-27. Các biến thể F-15 mới nhất được hưởng lợi từ hệ thống điện tử hàng không, liên kết dữ liệu và cảm biến được đánh giá có nhiều mặt hơn Su-35.
Ngược lại, máy bay chiến đấu của Nga có động cơ mạnh hơn đáng kể, khả năng tạo vectơ lực đẩy ba chiều để cải thiện tốc độ và phạm vi tác chiến mở rộng đến 400 km nhờ trang bị tên lửa R-37M, trong khi F-15 chỉ có phạm vi tác chiến là 160-180 km.
Su-35 sử dụng ba radar, với hai radar AESA băng tần L được gắn trong cánh, trong khi F-15 chỉ sử dụng một radar AESA duy nhất ở mũi máy bay. Điều này cung cấp cho máy bay chiến đấu Nga khả năng tác chiến điện tử độc đáo và có khả năng hoạt động vượt trội trước các mục tiêu tàng hình.
Một ưu điểm quan trọng của chương trình Su-35 là dòng máy bay Flanker vẫn là thành phần cốt lõi của Không quân Nga kể từ khi Liên Xô sụp đổ và vẫn tiếp tục được đặt hàng, trong khi đó Mỹ đã ngừng mua F-15 trong gần 20 năm kể từ năm 2001 và chỉ sản xuất để xuất khẩu.
Hiện nay các biến thể F-15 mới nhất có thể đối đầu tốt với Su-35, máy bay chiến đấu của Nga được cho là sẽ có lợi thế hơn trong các lĩnh vực hoạt động quan trọng, đặc biệt là đối với các nhiệm vụ không đối không và chống hạm.
Đối với Không quân Indonesia, việc lựa chọn giữa Su-35 và F-15 cũng không có sự khác biệt nhiều, F-15 có lợi thế nhờ khả năng tương tác cao với F-16 đang có trong biên chế của nước này. Trong khi Su-35 sẽ có thể sử dụng phần lớn cơ sở hạ tầng bảo dưỡng, vũ khí trang bị từ Su-27 và Su-30, cũng như việc đào tạo chuyển đổi sẽ thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, sự chênh lệch giá giữa hai máy bay chiến đấu là rất lớn, F-15 được chào bán với giá 386 triệu USD mỗi chiếc, trong khi Su-35 nếu được mua với số lượng tương tự, dự kiến sẽ có giá khoảng 78 triệu USD tùy thuộc vào các gói hỗ trợ đi kèm. Điều này khiến chi phí của F-15 bằng 495% so với Su-35, hoặc gần gấp 5 lần.
Tuy nhiên, còn chưa tính đến chi phí duy trì hoạt động, vì cả hai máy bay đều có chi phí vận hành tương tự và việc duy trì một đội máy bay chiến đấu lớn như vậy sẽ không bền vững.
Việc so sánh như vậy cho thấy Nga có lợi thế cung cấp máy bay chiến đấu hạng nặng để xuất khẩu hiệu quả hơn bao nhiêu, nhưng Mỹ có sức mạnh với những lời đe dọa trừng phạt kinh tế để gây sức ép lên Indonesia và khiến quốc gia này từ bỏ Su-35 để chuyển sang một loại máy bay chiến đấu tương đương với giá cao gấp 5 lần.
Chưa hết, Mỹ cũng đặt ra những hạn chế nghiêm ngặt về cách sử dụng máy bay chiến đấu của họ, bao gồm cả việc căn cứ nào của Indonesia có thể chứa máy bay, trong khi Nga cho phép máy bay chiến đấu của họ được sử dụng hầu như không có hạn chế. Nguồn ảnh: Pinterest.
Thái Hòa