Vì sao Iran dùng eo biển Hormuz như một vũ khí chống lại Mỹ?

Trong cuộc khẩu chiến với Mỹ gần đây, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cảnh báo với Mỹ rằng, nước này có thể đóng cửa eo biển chiến lược Hormuz nếu Washington tiếp tục khiêu khích Tehran. Vì sao ông Rouhani lại sử dụng eo biển Hormuz như một vũ khí đối với Mỹ? Tờ Le Figaro của Pháp đã có bài phân tích cho thấy rõ điều này. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Vị trí địa chiến lược quan trọng

Eo biển Hormuz là con đường biển chiến lược quan trọng và hẹp. Eo biển này ở cuối vịnh Persic, nằm trên bờ biển phía bắc là Iran và trên bờ biển phía nam là Oman và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Eo biển có chiều dài 63km, tạo thành tuyến đường biển duy nhất nối vịnh Persic với vịnh Oman ra Ấn Độ Dương. Đây cũng là một trong những tuyến đường biển chiến lược trên thế giới, do Iran và Oman kiểm soát.

Theo Cơ quan Năng lượng Mỹ (AEI), eo biển này còn có vai trò quan trọng hơn cả eo biển Malacca ở Đông Nam Á-giữa Malaysia và Indonesia. Theo thống kê của AEI, năm 2016, 18,5 triệu thùng dầu đã được chuyển qua eo biển này mỗi ngày, chiếm gần 30% số dầu trên thế giới được vận chuyển bằng đường biển. Loại “vàng đen” này chủ yếu được khai thác và chế xuất bởi các nhà sản xuất vùng Vịnh, được chuyển đến 80% các nước châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore). Cần lưu ý rằng, eo biển này cũng quan trọng đối với việc vận chuyển khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) do Qatar sản xuất.

 Eo biển Hormuz có vị trí địa chiến lược quan trọng ở vùng Vịnh.

Eo biển Hormuz có vị trí địa chiến lược quan trọng ở vùng Vịnh.

Mặc dù Iran luôn khẳng định eo biển Hormuz mở cửa cho tất cả mọi người, song ngày 22-7 vừa qua, Tổng thống Hassan Rouhani lại đưa ra cảnh báo: "Chúng tôi là người bảo đảm an ninh của eo biển, vì vậy chớ nên đùa với hổ nếu không các ngài sẽ hối tiếc". Để thiết lập tình trạng phong tỏa eo biển Hormuz, người Iran có thể sử dụng mìn thủy lôi, tàu ngầm và tàu khu trục, theo các chuyên gia. “Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran không có một lực lượng hải quân hùng mạnh, nhưng có các phương tiện chiến đấu tối tân như tàu cao tốc, tên lửa đất đối biển và mìn thủy lôi”, tờ Le Figarocho hay.

Năm 2011, Iran từng đe dọa phong tỏa eo biển Hormuz khi các nước phương Tây cấm vận Tehran liên quan tới chương trình hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, lời đe dọa đó chưa bao giờ được thực hiện. Quốc gia này chỉ thực hiện các cuộc diễn tập hải quân. Trong khi đó, Mỹ có hạm đội thứ 5 ở vùng Vịnh, cụ thể tại Bahrain. Không có sự cố hay xung đột đáng kể nào xảy ra và cho đến nay, việc lưu thông tàu vẫn được bảo đảm. “Tuy nhiên, eo biển này là nơi xảy ra xung đột trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq (1980-1988). Một “cuộc chiến tàu chở dầu” giữa hai nước đã nổ ra từ năm 1984 đến 1987, trong đó hơn 600 tàu đã bị tấn công, trúng tên lửa chống tàu”, Hugues Eudeline-cựu sĩ quan hải quân Mỹ, cho biết trong một nghiên cứu được công bố năm 2010.

Nếu Hormuz bị phong tỏa, thị trường dầu thế giới sẽ ra sao?

Theo nhiều chuyên gia, kịch bản này nếu xảy ra sẽ đẩy giá dầu lên mức cao đỉnh điểm, thậm chí lên tới 200USD/thùng. Bị ảnh hưởng nhiều nhất là các nước xuất khẩu như UAE, Kuwait và Iraq-những nước có cảng biển nằm trong vịnh Persic, hay Saudi Arabia-nước xuất khẩu dầu lớn bằng đường biển. Ngoài ra, các nước nhập khẩu, các nước châu Á cũng như châu Âu và Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng.

Vậy, nếu Hormuz bị phong tỏa thì dầu sẽ được chuyển đi như thế nào? Theo Le Figaro, chỉ có Saudi Arabia và UAE có ống dẫn dầu ra khỏi vịnh Persic. Saudi Arabia có đường ống East-West, có khả năng vận chuyển 5 triệu thùng dầu mỗi ngày và cho phép đưa dầu từ Saudi Arabia qua Biển Đỏ. Nhưng vấn đề là lượng dầu này thấp hơn nhiều so với mức xuất khẩu hơn 7 triệu thùng dầu/ngày của Saudi Arabia. “Năm 2016, Saudi Aramco-nhà khai thác dầu của Saudi Arabia, dự tính sẽ tăng sản lượng dầu vận chuyển qua tuyến ống dẫn dầu này. Theo kế hoạch, công trình sẽ hoàn thành vào cuối năm nay nhưng cho tới thời điểm này, công trình vẫn chưa có triển khai gì”, theo AEI.

Trong khi đó, UAE sở hữu đường ống dẫn dầu dài 360km, có khả năng chuyển dầu từ các giếng khoan Habshan (phía tây nam thủ đô Abu Dhabi) tới cảng Foujairah (phía đông của UAE trên vịnh Oman), mà không cần chuyển qua eo biển Hormuz. Sản lượng của nó là 1,5 triệu thùng/ngày. Nhưng theo AEI, phần lớn các nhà xuất khẩu vùng Vịnh vẫn lựa chọn Hormuz là con đường để đưa dầu ra thế giới.

Mỹ sẽ can thiệp?

“Rõ ràng là người Mỹ sẽ có phản ứng trong trường hợp Hormuz bị phong tỏa. Washington không thể mạo hiểm khi nhìn thấy thị trường dầu tăng phi mã”, Thierry Coville, nhà nghiên cứu người Mỹ đồng thời là chuyên gia về Iran, nhận định. Những phát biểu mới nhất của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như cũng đã xác nhận điều này. “Mỹ và các đối tác sẽ bảo vệ an ninh và ổn định trong khu vực. Chúng tôi sẵn sàng bảo đảm quyền tự do đi lại và tự do thương mại bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”-Tư lệnh Hải quân Mỹ Bill Urban cho phóng viên Reuters biết hồi đầu tháng 7 này.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cũng tin rằng, eo biển Hormuz sẽ không bị phong tỏa. “Tất cả những lời đe dọa chỉ là lý thuyết bởi một cuộc chiến tranh khu vực không đem lại lợi ích cho bất cứ quốc gia nào. Tôi tin rằng, Iran đe dọa bởi họ phản đối các lệnh cấm vận của Mỹ, đồng thời muốn gây sức ép để đàm phán”, một chuyên gia giấu tên cho Le Figaro biết.

Về phần mình, chuyên gia Thierry Coville cho rằng, Iran sử dụng eo biển Hormuz như một vũ khí để đe dọa Mỹ bởi “Tehran coi việc Washington cấm vận nước này là một hành động chiến tranh. Vũ khí này được sử dụng dưới thời Tổng thống Hassan Rouhani và đó chỉ là để tạo áp lực”.

BÌNH NGUYÊN (dịch)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/vi-sao-iran-dung-eo-bien-hormuz-nhu-mot-vu-khi-chong-lai-my-545222