Vì sao Iran từ chối đàm phán lại với Mỹ?
Dù có điều kiện tiên quyết hay không, Iran nhất quyết không đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân đã ký với Mỹ và các cường quốc khác năm 2015. Với Tehran, nếu đàm phán với chính quyền Mỹ hiện nay thì chính quyền kế tiếp sẽ tìm cách hủy bỏ.
Thứ duy nhất Iran muốn là chính quyền Tổng thống Donald Trump rút lại quyết định rời khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015, cũng như hủy áp dụng trừng phạt nhắm vào Iran trước khi tiến hành bất kỳ cuộc đàm phán nào.
Ngày 2/6, từ Thụy Sĩ, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Iran mà không cần đặt điều kiện tiên quyết. Tuy nhiên, ông cho biết thêm là chính quyền Washington sẽ tiếp tục nỗ lực để ngăn chặn điều mà Mỹ coi là các hoạt động gây hại của nước Cộng hòa Hồi giáo này. Đây không phải lần đầu tiên từ gần 2 năm qua, Mỹ lên tiếng đòi đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân với Iran mà ông Trump cho là “tệ hại mà lẽ ra không nên có”.
Và cũng như các lần trước, Tehran thẳng thừng bác bỏ, đồng thời nhấn mạnh rằng điều quan trọng đối với Iran là Hoa Kỳ thay đổi thái độ. Nhưng, theo đại diện ngoại giao Iran, khi nhấn mạnh đến chính sách gây sức ép tối đa, ông Mike Pompeo đã cho thấy rằng thái độ của Mỹ đối với Iran vẫn không thay đổi.
Từ khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, một năm nay Mỹ áp dụng những biện pháp trừng phạt kinh tế và ngân hàng có tác động nặng nề đến nền kinh tế Iran, với việc đồng tiền bị mất giá mạnh và tình trạng lạm phát gia tăng. Các quan chức Iran yêu cầu Mỹ rút lại quyết định rời khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015, cũng như hủy áp dụng trừng phạt nhắm vào Iran trước khi tiến hành bất kỳ cuộc đàm phán nào.
Trước đó, ngày 14/5, lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran Ali Khamenei tuyên bố: "Đàm phán với Chính phủ Mỹ hiện tại là điều không nên (...) họ không tôn trọng bất cứ điều gì". Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nhân chuyến thăm Nhật Bản ngày 16-5 cũng khẳng định "Không, không có khả năng đàm phán với Mỹ".
Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 là nhằm buộc Iran phải đàm phán lại thỏa thuận này và đòi Iran ngừng can thiệp vào các nước đồng minh của Mỹ trong khu vực. Sự cương quyết từ chối đàm phán với Mỹ hiện nay của Iran càng được củng cố khi nước này nhận được sự ủng hộ của Liên Hiệp Quốc, Liên minh châu Âu, Nga, Trung Quốc và các tổ chức quốc tế như Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).
Trong báo cáo ngày 31/5, IAEA khẳng định Iran vẫn đang tuân thủ thỏa thuận hạt nhân 2015. Các kho dự trữ nước nặng và uranium làm giàu của Iran đang tăng nhưng không vượt quá giới hạn cho phép của thỏa thuận hạt nhân năm 2015, IAEA cho biết. Đây là báo cáo đầu tiên của IAEA kể từ khi Tehran tuyên bố rút khỏi một số cam kết vào ngày 8-5.
Ngoài một số đồng minh khu vực như Arab Saudi, Israel, dường như Mỹ cô độc trong cuộc chiến chống Iran hiện nay. Điều hoàn toàn trái ngược so với bối cảnh cộng đồng quốc tế cô lập Iran trước năm 2015.
Mỹ thực sự muốn đàm phán với Iran? Ông Muhammad Salimi, chuyên gia về Trung Đông thuộc Đại học Nam California nhận định Tổng thống Donald Trump có những động cơ ngầm khi làm căng với Iran. Theo ông Salimi, nếu một Iran không có vũ khí hạt nhân, không trực tiếp ra mặt trở thành mối đe dọa cho các nước Vùng Vịnh như hiện nay thì Mỹ sẽ mất một lượng khách hàng lớn mua vũ khí ở Trung Đông.
Ông Salimi lưu ý rằng, trong lịch sử, cứ khi Mỹ “chọc” cho Iran “giơ nanh vuốt” thì Mỹ tiếp tục trang bị vũ khí đầy đủ cho các quốc gia lo sợ Iran là Arab Saudi và Israel. Cụ thể, Washington đã bán vũ khí trị giá hơn 200 tỷ USD cho Arab Saudi và các quốc gia Arab Vùng Vịnh, ngoài ra là khoản viện trợ quân sự hơn 3 tỷ USD cho Israel hằng năm.
Mới đây, chính quyền Mỹ viện dẫn "sự hiếu chiến của Iran" để biện minh cho việc giải tỏa các hợp đồng vũ khí. Ngoại trưởng Mike Pompeo ngày 25-5 xác nhận việc sử dụng thủ tục "khẩn cấp" để dỡ bỏ lệnh dừng thực thi 22 hợp đồng vũ khí với tổng số tiền khoảng 8,1 tỷ USD (khoảng 7,2 tỷ euro) của Quốc hội lưỡng viện Mỹ.
"...Tôi đã lệnh cho Bộ Ngoại giao ngay lập tức thông báo về 22 hợp đồng chuyển giao vũ khí đang bị Quốc hội Mỹ treo cho Jordan, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Arab Saudi, với tổng số tiền là 8,1 tỷ đôla nhằm ngăn chặn sự xâm lược của Iran”, ông Pompeo cho biết trên website của Bộ Ngoại giao. Theo Ngoại trưởng Pompeo, những hợp đồng bán vũ khí trên "sẽ hỗ trợ các đồng minh, tăng cường sự ổn định ở Trung Đông và củng cố nhanh chóng khả năng cho các đối tác của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ bản thân trước Iran”.
Chuyên gia Salimi giải thích chính quyền Tổng thống Donald Trump muốn tiếp tục chính sách truyền thống là kích động nỗi lo sợ khu vực đối với Iran nhằm mục đích khiến những quốc gia Trung Đông phải mua số lượng lớn vũ khí đắt đỏ từ các nhà thầu quốc phòng Mỹ.
Một trong những lý do khác mà ông Trump muốn khi xé bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran là vì các doanh nghiệp Mỹ chẳng kiếm chác được gì khi Iran mở toang cánh cửa sau nhiều năm bị phong tỏa cấm vận. Khi ký thỏa thuận hạt nhân, Iran được dỡ bỏ cấm vận kinh tế của các nước phương Tây. Đây là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp vào làm ăn, nhất là các doanh nghiệp dầu khí. Các cơ hội này theo chính quyền Tổng thống Trump đã bị các nước châu Âu “nẫng hết”.
Ngay cả quốc gia ở châu Á như Ấn Độ cũng cảm thấy phấn khởi. Thứ nhất là New Delhi có thể mua dầu giá rẻ từ Tehran sau khi Iran được dỡ bỏ lệnh cấm vận, thứ hai về mặt chiến lược, Pakistan trước kia từng áp dụng hiệu quả trục Washington - Bắc Kinh - Islamabad để đối trọng với Ấn Độ nhưng tới nay New Delhi có thể lợi dụng cả Mỹ lẫn Iran để tạo thành một trục mới Washington - Tehran - New Delhi.
Số các doanh nghiệp Mỹ vào Iran làm ăn sau khi lệnh cấm vận được gỡ bỏ khá ít. Điều mà Mỹ nhận được trong chuyện này theo truyền thông phương Tây khi đó là về mặt địa chính trị. Thỏa thuận này được có thể xem là một thắng lợi trong chính sách ngoại giao của Tổng thống Barack Obama.
Chính sách Trung Đông của chính quyền Obama khi ấy bị chỉ trích bởi một loạt thất bại. Chính vì vậy, thỏa thuận hạt nhân Iran có thể là một “điểm cộng” bù đắp cho những hạn chế của chính sách Trung Đông này.
Nhưng, với một doanh nhân tổng thống như ông Donald Trump thì những lợi ích chiến lược trên giờ đã hết thời và có thể không quy được “ra tiền”. Có thể trong hậu trường ông Trump từng nói rằng thỏa thuận hạt nhân Iran vì Mỹ mới có vậy mà doanh nghiệp Mỹ không kiếm chác được gì, trong khi các nước khác chẳng tốn chút công sức nào lại hớt tay trên. Do đó thỏa thuận này cần phải được xé bỏ.
Nhưng 4 năm sau thỏa thuận, các doanh nghiệp châu Âu vào Iran làm ăn đông về số lượng và hợp tác sâu ở một số lĩnh vực, tức là số tiền mà các doanh nghiệp châu Âu đổ vào Iran không hề ít. Việc hủy bỏ thỏa thuận này chẳng khác nào bỏ của chạy lấy người. Đây là lý do châu Âu quyết đấu tới cùng với Mỹ.