Vì sao Israel mạo hiểm với 'cú đấm kép'?

Chỉ trong vòng 24 giờ đồng hồ, Israel nhận trách nhiệm vụ ám sát ông Fuad Shukr, một chỉ huy cấp cao của Hezbollah, và ông Ismail Haniyeh, nhà lãnh đạo chính trị của Hamas tại Tehran.

Một cuộc biểu tình ở Li-băng phản đối vụ ám sát lãnh đạo Hamas Ismail Hanieh. (Ảnh: Reuters)

Một cuộc biểu tình ở Li-băng phản đối vụ ám sát lãnh đạo Hamas Ismail Hanieh. (Ảnh: Reuters)

Cuộc xung đột kéo dài 10 tháng giữa Israel và lực lượng Hamas ở Dải Gaza từ lâu đã không còn mang tính cục bộ mà gây ra những cuộc leo thang quân sự nguy hiểm trên khắp Trung Đông: Giao tranh ác liệt ở biên giới Israel - Li-băng, các cuộc tấn công mà lực lượng Houthi thực hiện ở Biển Đỏ; các cuộc tấn công của dân quân thân Iran nhằm vào lực lượng Mỹ ở Iraq và Syria; đụng độ trực tiếp giữa Israel và Iran.

Vào tuần trước, chỉ trong vòng 24 giờ đồng hồ, Israel nhận trách nhiệm vụ ám sát ông Fuad Shukr, một chỉ huy cấp cao của Hezbollah, trong cuộc tấn công vào vùng ngoại ô Beirut để trả đũa cho cuộc tấn công bằng tên lửa mà Israel cáo buộc do Hezbollah thực hiện ở Cao nguyên Golan.

Israel cũng bị cáo buộc thực hiện vụ ám sát ông Ismail Haniyeh, nhà lãnh đạo chính trị của Hamas tại Tehran. Cú đấm kép này khiến nhiều nhà quan sát lo sợ về nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh khu vực thảm khốc hơn.

Tại sao Israel chọn leo thang theo cách mạo hiểm như vậy? Một điều chắc chắn là kiểu tấn công này đã có nhiều tiền lệ.

Quốc gia này có một hồ sơ dài về ám sát các nhà lãnh đạo Palestine và đã loại bỏ hàng trăm điệp viên Hezbollah ở Li-băng và Syria. Israel cũng đã chứng minh khả năng tình báo vượt trội cho phép họ thâm nhập vào Iran.

Dù các cuộc leo thang trước đây không dẫn đến chiến tranh khu vực, nhưng việc hạ nhiệt và kiềm chế không bao giờ được đảm bảo. Bất kỳ tính toán logic nào đều có thể đột ngột vượt khỏi tầm kiểm soát bởi các sự kiện trên thực địa, dẫn đến tính toán sai lầm hoặc thậm chí là quyết định chiến lược có toan tính để kích động xung đột rộng lớn hơn. Nhịp độ và bản chất của các hành động mới nhất của Israel làm tăng đáng kể nguy cơ leo thang xung đột ở Trung Đông.

Các nhà lãnh đạo Israel chắc chắn hiểu rằng, những vụ ám sát liên tiếp vừa qua sẽ khiến Iran và các lực lượng thân thiết của họ trả đũa.

Những tường thuật về vụ ám sát tuần trước trên truyền thông phương Tây có vẻ nhấn mạnh khả năng của Israel trong việc thực hiện tấn công quân sự và công nghệ tinh vi ở sâu trong lãnh thổ Iran.

Sau vụ tấn công bẽ bàng ngày 7/10 năm ngoái, những mô tả vừa qua có thể gây ấn tượng rằng quân đội Israel vẫn là bất khả chiến bại.

Tuy nhiên, bài viết đăng trên Foreign Affairs cho rằng cách giải thích này không đúng với thực tế khó khăn mà Israel phải đối mặt. Israel có thể đang đẩy giới hạn hành động của họ lên cao không phải vì họ mạnh mà ngược lại.

Về cơ bản, Israel dường như đang thiếu phép tính chiến lược dài hạn trong các quyết định của họ. Cuộc tấn công ngày 7/10 của Hamas đã giáng một đòn tàn khốc vào thế trận phòng thủ của Israel. Bây giờ, Israel sẵn sàng chấp nhận rủi ro lớn hơn và chịu cái giá lớn hơn để giành lợi thế chiến thuật, trong nỗ lực điên cuồng nhằm khôi phục khả năng răn đe, bài viết nhận định.

Để hiểu được những tính toán hiện tại của Israel, điều quan trọng là phải đánh giá được tâm lý của đất nước này đã thay đổi như thế nào kể từ ngày 7/10/2023.

Trước khi hứng cuộc tấn công của Hamas, sự tự tin của Israel lên đến đỉnh điểm. Israel trước đó tin rằng sẽ được các quốc gia Ả-rập chấp nhận dù không giải quyết được cuộc xung đột với người Palestine và rằng, họ có thể tấn công Iran hay các lực lượng đồng minh mà hầu như không phải chịu hậu quả hoặc đánh mất sự hậu thuẫn của Mỹ.

Sau đó, chỉ sau 1 đêm, sự tự tin đó đã chuyển thành cảm giác dễ bị tổn thương sâu sắc.

Cuộc tấn công của Hamas phá vỡ những giả định cơ bản nhất của người Israel: Ưu thế về quân sự và công nghệ của họ có thể ngăn chặn kẻ thù, rằng họ có thể sống an toàn sau những bức tường và biên giới kiên cố, và rằng họ có thể thịnh vượng về kinh tế mà không cần phải đạt được những bước tiến lớn hướng tới hòa bình với người Palestine.

Bây giờ, nhiều người trong cơ quan an ninh đang nhận ra rằng "Israel không mạnh đến vậy", một cựu quan chức an ninh quốc gia nước này cho biết.

Nhiều người Israel học hoặc làm việc trong lĩnh vực an ninh quốc gia rất tức giận với chính phủ của họ vì những thất bại lớn về an ninh trong vụ 7/10. Họ cũng tức giận khi những nhà lãnh đạo không bảo vệ được đất nước vẫn chưa phải chịu trách nhiệm. Sự ngờ vực đối với chính phủ đang lan rộng.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu có thể đã nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt khi ông phát biểu trước Quốc hội Mỹ vào tháng 7 vừa qua. Nhưng cố vấn an ninh quốc gia Tzachi Hanegbi hầu như không thể nói được một lời khi ông phát biểu tại hội nghị an ninh của Israel ở Herzliya vài tuần trước đó. Nhiều người tham dự đã la ó và cáo buộc chính phủ thất bại và bỏ mặc những con tin vẫn đang mòn mỏi ở Dải Gaza.

Ngay cả ở Israel cũng có nhiều ý kiến cho rằng ông Netanyahu đang kéo dài cuộc chiến vì sinh mệnh chính trị của chính mình.

Các nhà phân tích tỉnh táo của Israel bày tỏ cảm giác rằng mối đe dọa hiện nay khác với bất kỳ mối đe dọa nào họ từng cảm thấy kể từ khi lập quốc năm 1948.

Một cựu quan chức cấp cao Israel cho biết, nước này đã không không chú ý đến bài học của Thủ tướng sáng lập David Ben-Gurion.

Ông Ben-Gurion khuyên rằng cách tốt nhất để bù đắp cho sự yếu kém là tăng cường gắn kết xã hội, làm sâu sắc thêm các mối quan hệ ngoại giao và theo đuổi hòa bình. Israel hiện nay có vẻ đang đi theo hướng ngược lại trên mọi khía cạnh.

Thu Loan

Theo Foreign Affairs

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/vi-sao-israel-mao-hiem-voi-cu-dam-kep-post1661256.tpo