Vì sao Israel, Thổ Nhĩ Kỳ sốt sắng hòa giải Nga - Ukraine?

Với việc làm trung gian giữa Nga và Ukraine, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng giảm nhẹ những ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc xung đột tới lợi ích của mình.

Khi tình hình chiến sự tại Ukraine vẫn đang diễn biến căng thẳng, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ là hai quốc gia tích cực hàng đầu trong việc làm trung gian giữa Moscow và Kyiv.

Thủ tướng Israel Naftali Bennett ngày 5/3 đã có chuyến thăm đầy bất ngờ tới Moscow và hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Sau chuyến thăm, ông Bennett tuyên bố sẽ tiếp tục hỗ trợ nỗ lực tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho vấn đề Ukraine, bất chấp tỷ lệ thành công không cao.

Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan cũng đã có các cuộc điện đàm với cả ông Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Thổ Nhĩ Kỳ cũng mời ngoại trưởng hai nước tới gặp mặt vào ngày 10/3.

Các chuyên gia Israel và Thổ Nhĩ Kỳ nhận định động thái của hai chính phủ đều nhằm bảo vệ lợi ích của mình trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine gây ra nhiều quan ngại lên cộng đồng quốc tế và tới từng quốc gia.

Nhân tố thúc đẩy

Theo các chuyên gia Israel, nước này có nhiều lý do để hăng hái trở thành trung gian hòa giải trong xung đột giữa Nga và Ukraine.

“Israel kỳ vọng ngăn chặn các cuộc tấn công bắt nguồn từ Syria - quốc gia coi Nga là 'người bảo trợ' chính - cũng như bảo vệ người Israel và các cộng đồng Do Thái bị ảnh hưởng bởi chiến sự”, ông Shalom Lipner, chuyên gia về Trung Đông tại viện nghiên cứu Atlantic Council, nhận định với Zing.

 Thủ tướng Israel Naftali Bennett tới Berlin, Đức sau cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow hôm 5/3. Ảnh: Times of Israel.

Thủ tướng Israel Naftali Bennett tới Berlin, Đức sau cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow hôm 5/3. Ảnh: Times of Israel.

Ông cũng chỉ ra vấn đề ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân chiếm vị trí hàng đầu trong các ưu tiên an ninh của Israel, và dường như đã được thảo luận trong cuộc gặp của ông Bennett với Tổng thống Putin.

Bà Tal Schneider, phóng viên chính trị - ngoại giao của tờ Times of Israel, cho biết khoảng 15.000 người Israel đang sống tại Ukraine. Con số tại Nga thậm chí còn lớn hơn. Bên cạnh đó, có khoảng 250.000 người Do Thái tại Ukraine.

“Ngoài ra, nhiều người Israel có họ hàng ở cả hai quốc gia. Do đó, công chúng Israel quan tâm nhiều đến nỗ lực di tản và mọi tiến triển về quân sự trong khu vực này”, bà Schneider chia sẻ với Zing.

Bên cạnh đó, ông Bennett có thể thu được lợi ích về chính trị từ những nỗ lực ngoại giao.

“Ông ấy không phải là một thủ tướng được yêu thích và đến từ một đảng nhỏ. Do đó, sự kiện này có thể nâng tầm vóc của ông trong con mắt công chúng”, bà Schneider chỉ ra.

Dù vậy, ông Lipner nhận định hoạt động ngoại giao con thoi của ông Bennett sẽ ít ảnh hưởng đến triển vọng bầu cử của chính trị gia này. “Do đó, chưa chắc hành động của ông trong lĩnh vực này liên quan tới chính trị nội bộ”, ông Lipner chia sẻ.

Hai chuyên gia cùng nhận xét chuyến thăm Moscow của ông Bennett hôm 5/3 là một bất ngờ đối với người Israel. Chuyến thăm nhận được phản hồi tích cực từ công chúng và cả các phe phái chính trị trong nước.

Tuy nhiên, vẫn còn những ý kiến bày tỏ lo ngại về tính toán thực sự của ông Putin hay năng lực của ông Bennett.

“Một số người lo ngại ông Putin có thể đang ‘chơi đùa’ với ông Bennett - điều có thể gây tổn hại tới lợi ích quốc gia của Israel. Một số tiếng nói từ phe đối lập cũng cho rằng ông Bennett không đủ khả năng để hoàn thành nhiệm vụ trung gian hòa giải”, ông Lipner nhận định.

 Bất chấp các nỗ lực hòa giải, cuộc xung đột vũ trang tại Ukraine vẫn chưa thể chấm dứt. Ảnh: AP.

Bất chấp các nỗ lực hòa giải, cuộc xung đột vũ trang tại Ukraine vẫn chưa thể chấm dứt. Ảnh: AP.

Cho đến nay, những nỗ lực của Israel chưa thể giúp mang lại hòa bình cho Ukraine. Dù vậy, theo bà Schneider, chuyến thăm của ông Bennett tới Moscow không phải là vô nghĩa.

“Dường như triển vọng là mỏng manh”, bà Schneider nhận xét. “Tuy vậy, các thông tin - như góc nhìn của ông Putin - vẫn có tầm quan trọng lớn”.

Không có cạnh tranh

Bên cạnh Israel, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang thúc đẩy các nỗ lực trung gian giữa Nga và Ukraine. Nước này đã mời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba tới thành phố Antalya hội đàm vào ngày 10/3.

Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai ngoại trưởng kể từ khi chiến sự bùng phát hôm 24/2.

Theo ông Özgür Ünlühisarcıklı, Giám đốc Văn phòng Ankara của Quỹ German Marshall (GMF), thách thức mà cuộc khủng hoảng tại Ukraine đem lại cho Thổ Nhĩ Kỳ lớn hơn hẳn cơ hội và trải dài từ kinh tế, thương mại tới an ninh.

“Cả Nga và Ukraine là đối tác thương mại quan trọng với Thổ Nhĩ Kỳ. Việc cơ sở hạ tầng của Ukraine bị phá hủy, Nga bị trừng phạt (dù Ankara không tham gia) và sự kiệt quệ ở hai quốc gia sẽ ảnh hưởng tới kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Ünlühisarcıklı nhận định với Zing.

Trong khi đó, về an ninh, sự leo thang về quân sự ở khu vực lân cận và Biển Đen đem lại thêm thách thức cho Ankara. Hơn nữa, Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn hợp tác với Nga bất cứ khi nào có thể, bất chấp bản chất cạnh tranh của quan hệ song phương. Tuy vậy, tình hình hiện nay khiến phạm vi hợp tác bị hạn chế.

“Cơ hội duy nhất là nhắc nhở các đồng minh phương Tây về tầm quan trọng địa chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Ünlühisarcıklı nói. “Trong bối cảnh hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ muốn giảm thiệt hại bằng cách làm dịu xung đột. Nếu thành công, Tổng thống Erdoğan có thể nhận công trạng”.

Trên trang web chính thức của mình, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định nước này có “vai trò tiên phong” trên phạm vi toàn cầu trong nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực trung gian, hòa giải. Ankara cũng từng đảm nhận vai trò trung gian trong một số cuộc xung đột ở khu vực.

 Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan đã có các cuộc điện đàm với cả Tổng thống Nga Vladimor Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kể từ khi xung đột bùng phát. Ảnh: Anadolu Agency.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan đã có các cuộc điện đàm với cả Tổng thống Nga Vladimor Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kể từ khi xung đột bùng phát. Ảnh: Anadolu Agency.

“Thổ Nhĩ Kỳ có thể có ích nếu các tiền đề cho một lệnh ngừng bắn đã xuất hiện và cần nhân tố thúc đẩy”, ông Ünlühisarcıklı nhận định.

Các chuyên gia Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đều cho rằng hai nước dường như đang hành động độc lập trong nỗ lực làm trung gian hòa giải về Ukraine.

Theo bà Schneider, Israel không có ý định “cạnh tranh” với Thổ Nhĩ Kỳ trong nỗ lực này. Trong khi đó, ông Lipner nhận định Thổ Nhĩ Kỳ dường như không là một nhân tố trong tính toán của Israel, ít nhất là ở hiện tại.

“Mối quan hệ trên thực tế đang ấm lên, nhưng dường như không có sự thảo luận nào giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Bennett có lẽ sẽ muốn tiếp tục chừng nào các bên còn thấy hứng thú, cũng như chừng nào Mỹ và NATO ủng hộ nỗ lực này”, ông Lipner dự đoán.

“Thổ Nhĩ Kỳ và Israel trước hết cần bình thường hóa quan hệ và xây dựng lòng tin. Quãng đường phía trước vẫn còn rất dài”, ông Ünlühisarcıklı nhận định.

Việt Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dang-sau-su-sot-sang-cua-israel-tho-nhi-ky-de-hoa-giai-nga-ukraine-post1301533.html