Vì sao Jean Sainteny dự đoán Pháp sẽ thất bại ở Việt Nam?
Những nỗ lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính phủ Việt Nam và cá nhân Sainteny đã không giúp ngăn được cuộc chiến giữa hai nước nổ ra ngày 19/12/1946 và kéo dài suốt 8 năm sau.
Jean Sainteny là người có mặt tại Hà Nội từ ngày 22/8/1945 và trực tiếp chứng kiến những ngày diễn ra cuộc Cách mạng tháng Tám tại Hà Nội cũng như Lễ Độc lập thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945.
Ông mô tả diễn biến của Lễ Độc lập mà ông chứng kiến từ khoảng cách rất gần, ngay từ dinh Toàn quyền cũ (nay là Phủ chủ tịch): “Trên bục gỗ cao dựng lên trong công viên Puginier (tên thời thực dân Pháp, đã được đổi tên thành Vườn hoa Ba Đình), trước hàng vạn người, một loạt diễn giả đã phát biểu bằng những lời lẽ mạnh mẽ theo các mức độ khác nhau. Lần lượt, Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu rồi Hồ Chí Minh mà ngay hôm đó quần chúng nhân dân được biết đây chính là nhà cách mạng lão thành Nguyễn Ái Quốc, long trọng tuyên bố nền Độc lập của Việt Nam”.
“Hồ Chí Minh có vẻ như mềm dẻo hơn những đồng chí trẻ tuổi, ông đã dùng những từ ngữ có cân nhắc trong bài nói”, Sainteny - lúc này giữ cương vị thiếu tá tình báo, Trưởng phái đoàn 5, là mạng lưới tình báo, hoạt động tại Việt Nam đang bị quân đội Nhật chiếm đóng nhận xét.
Ngay sau khi chính quyền mới ở Việt Nam được thành lập, Sainteny là đại diện của nước Pháp tại Việt Nam, sau đó được công nhận chính thức là Ủy viên Cộng hòa Pháp tại Việt Nam. Chính ông đã cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946, mở đầu quan hệ chính thức giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Pháp. Ông cũng là người phụ trách giao tiếp với phái đoàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi sang thăm Pháp và dự Hội nghị Fontainebleau mùa hè năm 1946.
Những nỗ lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ Việt Nam và cá nhân Sainteny đã không giúp ngăn được cuộc chiến giữa hai nước nổ ra ngày 19/12/1946 và kéo dài suốt 8 năm sau, để lại nhiều hậu quả nặng nề cho hai bên.
Với phía Pháp, đó là nỗi ê chề của thất bại Điện Biên Phủ và việc phải ký vào hiệp định Genève, từ bỏ hoàn toàn các thuộc địa tại Đông Dương. Thậm chí, chính Sainteny còn bị thương ngay trong đêm nổ ra cuộc chiến, khi chiếc xe bọc thép chở ông ta dính mìn trên phố Tràng Thi, và ông đã được đưa về Pháp chữa trị.
Sự tiếc nuối về những cuộc đàm phán thất bại đã khiến ông viết cuốn hồi ký "Câu chuyện về một nền hòa bình bị bỏ lỡ" (Histoire d’une paix manqueé, Fayard xuất bản năm 1967).
Trong quyển sách của mình, Sainteny nêu ý nghĩ xuyên suốt rằng, nước Pháp đã thất bại tại Việt Nam vì chính phủ Pháp đã không chịu trao trả độc lập cho người Việt Nam, như người Anh đã làm với Ấn Độ năm 1948.
“Đáng lẽ, chúng ta đã tiết kiệm được cuộc chiến tranh này, đã có thể không phải phơi bày và làm thoái hóa tinh thần quân đội, và có thể chúng ta vẫn giữ được một vị trí nào đó ở Việt Nam, nếu không phải là kinh tế thì ít nhất cũng trong lĩnh vực văn hóa và tinh thần”, ông tiếc nuối viết.
Saintery day dứt nhớ lại những trục trặc xảy ra trong giai đoạn căng thẳng nhất của quan hệ giữa hai bên, khi thùng thuốc súng của chiến tranh đang nóng dần. Điển hình như việc ngày 12/12/1946, khi ông Léon Blum thuộc Đảng Xã hội lên nắm quyền ở Pháp và ngay ngày 15/12, chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi cho ông Blum một công hàm, nhưng Sài Gòn đã chậm trễ trong việc “chuyển thư” và mãi tới ngày 26/12, Paris mới nhận được bức công hàm này.
Ông Sainteny phân tích, trên thực tế, lúc bấy giờ, Pháp đã không có một chính sách về Đông Dương. Và Pháp cũng không thể có một hệ thống chính sách như vậy, vì trung bình cứ ba tháng một lần, nước Pháp lại thay đổi chính phủ!
Trong khi đó, nước Pháp lại quá hiểu mong muốn độc lập của người Việt Nam. “Từ lâu lắm, nước Pháp, qua những đại diện sáng suốt nhất của mình đã hiểu rõ đòi hỏi của người Việt Nam. Nước Pháp biết rõ, người Việt Nam không bao giờ từ bỏ việc đòi độc lập”, ông khẳng định. “Nước Pháp còn biết rõ, những khát vọng của người Việt Nam có cơ sở vững chắc. Dân tộc này đã trưởng thành, họ dễ dàng hấp thụ ngôn ngữ và văn hóa Pháp một cách đáng ngạc nhiên. Sự hấp thụ nhanh chóng này làm họ trở thành những người có khả năng nhất so với các dân tộc đang được Pháp “bảo hộ”, có thể tự đảm đương vận mệnh của mình”.
Ông cũng cho rằng Hồ Chí Minh cũng theo chủ nghĩa dân tộc như theo chủ nghĩa cộng sản và nước Pháp đáng ra phải tận dụng sự may mắn đó. “Trong mọi trường hợp, hồi chúng ta đã có thể, thay sự loại trừ Nam kỳ ra khỏi Việt Nam, bằng việc để cho Nam kỳ quyết định vận mệnh qua trưng cầu dân ý như đã dự tính. Kết quả trưng cầu dân ý có thể khác với việc tuyên bố Nam Kỳ tự trị, hoặc cũng có thể diễn biến theo những điều kiện đáng hài lòng hơn”, ông nhắc lại việc hội nghị Fontainebleau đổ vỡ khi Đô đốc d'Argenlieu ở Việt Nam công bố ra mắt “Cộng hòa Nam kỳ tự trị”.
Là người theo sát các cuộc đàm phái, Sainteny hiểu rõ mâu thuẫn khiến hai bên không thể nhất trí với nhau là phía Việt Nam muốt đạt được tất cả những đặc quyền của một nhà nước độc lập, nhưng phía Pháp chỉ muốn thừa nhận Việt Nam là một nhà nước tự trị nằm trong Liên bang Đông Dương và Khối Liên hiệp Pháp.
Sainteny tin tưởng rằng, về phía Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như chính phủ và nhân dân Việt Nam hoàn toàn mong muốn hòa bình. Ông nhắc lại bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi ông, ký ngày 24 tháng 2 năm 1947, tức là khi chiến tranh đã lan rộng và chính phủ Việt Nam đã di tản lên chiến khu. Bức thư này, phải sau khi Sainteny đã điều trị xong vết thương ở Pháp để trở về Bắc bộ, ông mới nhận được. Ông thắc mắc ai đã giữ lại lá thư này.
Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đã xảy ra khá nhiều chết chóc và tàn phá. Ông và tôi, chúng ta phải làm gì bây giờ? Chỉ cần nước Pháp công nhận nền độc lập và thống nhất của Việt Nam, lập tức những cuộc xung đột sẽ ngừng, hòa bình và niềm tin cậy lẫn nhau sẽ trở lại, chúng ta lại có thể bắt tay vào công việc xây dựng lại vì lợi ích chung của hai nước chúng ta”.
Ông tiếp tục thắc mắc: Nếu chúng tôi công nhận “độc lập và thống nhất” của Việt Nam, liệu có đủ để chấm dứt xung đột, thiết lập một sự hợp tác được không?
Kết thúc chiến tranh Đông Dương, Jean Sainteny lại được chính phủ Pháp cử làm Đại diện đầu tiên tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ tháng 8 năm 1954. Ông có mối quan hệ gần gũi với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và là người đại diện cho Cộng hòa Pháp tham dự lễ tang chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 9/1969. Sau khi dự lễ tang trở về, năm 1970, ông đã xuất bản cuốn sách thứ hai nhan đề "Đối diện với Hồ Chí Minh" (Face à Ho Chi Minh, Éditions Seghers, Paris).