Vì sao Joe Biden không ngán 'dòng chảy phương Bắc'?
Ngược người tiền nhiệm, Tổng thống Joe Biden dường như 'bật đèn' xanh để Nga và Đức hoàn thành dự án 'dòng chảy phương Bắc 2'.
Dự án đường ống dẫn khí đốt nối Nga và châu Âu sắp đi vào hoạt động. Tuy là dự án kinh tế như cả ông Putin và bà Merkel luôn luôn khẳng định, song, xung quanh nó vẫn xảy ra các dư chấn liên quan đến lợi ích, góp phần làm thay đổi cục diện châu Âu.
Thật ra việc này đã diễn ra từ năm 1970, khi đó Đức tài trợ công nghệ và tài chính để Liên Xô xây dựng đường ống dẫn khí xuyên qua lãnh thổ Ukraina và Kazakhstan đến Tây Âu.
Đổi lại, châu Âu được hưởng nguồn cung khí đốt ổn định suốt 25 năm với mức giá “mềm”. Dưới thời D. Trump, Nga và Đức tiếp tục xây dựng đường ống thứ 2 với quy mô gấp đôi đường ống cũ (Dòng chảy phương Bắc 2”. Mặc dù Nhà trắng liên tục ngáng đường nhưng họ không thể toại nguyện.
Dòng chảy phương Bắc 2 không quá cảnh qua lãnh thổ Ukraina như đường ống cũ, đồng nghĩa với việc Kiev mất vài tỷ USD mỗi năm, hơn thế nữa nước này coi như bị phế bỏ một lợi thế quan trọng trong quan hệ với Nga.
Không dừng lại ở đó, số phận Ukraina bấp bênh hơn khi Tổng thống Joe Biden coi như “bật đèn xanh” để Nga - Đức hoàn thành dự án. Đó chính là lý do Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky gần đây lên tiếng lo ngại Nga và Mỹ có thể đạt một thỏa thuận ngay sau lưng mình!
Đến nay dòng chảy phương Bắc đã hoàn thành 98% tiến độ, người Mỹ đứng trước nguy cơ lần thứ hai thất bại trong cuộc chiến năng lượng tại châu Âu, lần này đối thủ lại là người Nga.
Dĩ nhiên, về lý thuyết Washington là bên hứng chịu nhiều thiệt hại nhất khi châu Âu không chỉ phụ thuộc duy nhất vào nguồn cung dầu khí từ Mỹ. Đó không chỉ là kinh tế mà còn làm giảm uy lực tiếng nói Mỹ trên trường quốc tế.
Sẽ thế nào nếu châu Âu không còn sợ Mỹ “khóa van năng lượng”? Hay nói cách khác, Washington không còn nhiều công cụ để thuần phục châu Âu. Đặc biệt Moscow không dấu diếm ý đồ lật đổ hệ thống “petrodollars”, Trung Quốc ngày càng đầu tư bạo liệt ở trung tâm “lục địa già”.
Tổng thống Putin đang vận dụng lợi thế tuyệt vời từ nguồn dầu mỏ khí đốt dồi dào để “chơi” lại Mỹ. Ngoài dòng chảy phương Bắc 2, Kremlin đang thúc đẩy dự án tương tự đến Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong tương lai rất có thể Nga sẽ là “ông trùm” năng lượng ở châu Á lẫn châu Âu.
Vì thế, quan hệ Nga - Đức sẽ thay đổi cục diện châu Âu theo hướng cởi trói dần cho châu Âu, khai mở con đường mới để Nga thoát sự phong tỏa của Mỹ.
Có thể nói rằng, chính sách đối ngoại của J. Biden như thang thuốc bắc, cần có thời gian để thấm, ngấm và trị bệnh tại gốc, không vồ vập, hối hả và bốc đồng như người tiền nhiệm.
Nhiều dấu hiệu cho thấy, Nhà trắng hiện nay tập trung củng cố nội bộ, dần khôi phục mạng lưới đồng minh, dựa vào quyền lực hệ thống để duy trì ngôi vị. Bởi vậy, Moskow và Bắc Kinh có thể “thoải mái” triển khai những ngón đòn chiến lược.
Phương sách “mưa dầm thấm lâu” cần có thời gian, chí ít ông Biden phải ngồi ghế Tổng thống 2 nhiệm kỳ mới có thể đưa mọi thứ vào ý muốn. Cho nên, chưa thể kết luận Mỹ thất bại khi dòng chảy phương Bắc 2 thông suốt.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/vi-sao-joe-biden-khong-ngan-dong-chay-phuong-bac-624159.html