Vì sao kẻ phi tang mất xác vợ xuống sông Đuống không thể thoát án tử?
Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Đỗ Ngọc Anh không thành khẩn khai báo, phủ nhận hành vi phạm tội, luôn kêu oan và cho rằng mình không giết vợ. Xét chứng cứ trong hồ sơ vụ án đầy đủ, HĐXX phúc thẩm đã bác kháng cáo kêu oan, giữ nguyên bản tử hình mà tòa sơ thẩm tuyên trước đó.
Theo cáo trạng truy tố, năm 2017, Ngọc Anh quen biết, nảy sinh tình cảm với bà Đ.T.H (50 tuổi, ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội, chủ một nhà nghỉ). Một thời gian sau đó, Ngọc Anh mua tặng bà H một chiếc ôtô Prado giá 1,5 tỉ đồng và đổi lại, người phụ nữ này sẽ cho mảnh đất rộng 60m2 ở huyện Chương Mỹ để xây nhà ở. Năm 2018, hai người về chung sống với nhau như vợ chồng và cùng ký cam kết ai vi phạm phải bồi thường danh dự cho người kia 1,5 tỉ đồng.
Sau đó, bà H nghi Ngọc Anh có quan hệ ngoài luồng nên tự ý bán chiếc Prado, đồng thời không sang tên mảnh đất ở Chương Mỹ. Ngọc Anh đã nhiều lần yêu cầu bà H chuyển tên thửa đất cho mình hoặc trả lại tiền bán ôtô nhưng không được đồng ý. Không đòi được tài sản, Ngọc Anh đã làm đơn tố giác bà H chiếm đoạt xe của mình. Tuy nhiên, xác định đây là vụ tranh chấp dân sự nên cơ quan công an đã ra quyết định không khởi tố vụ án.
Ngọc Anh nảy sinh bức xúc và tìm cách đột nhập vào gia đình bà H để đòi tiền. Rạng sáng 31/1/2019, Ngọc Anh lái xe sang nhà bà H thì thấy người phụ nữ này ngoài vườn nên khống chế vào nhà kho đe dọa. Trước sự hung hãn của người tình, bà H xin tha, hứa trả lại tiền bán xe nhưng Ngọc Anh như một con thú hoang, lấy thanh sắt dưới nền nhà đánh nạn nhân tử vong.
Sau đó, Ngọc Anh đưa thi thể nạn nhân lên xe đi về phía cầu Đông Trù (huyện Đông Anh, Hà Nội). Tại đây, bị cáo lên thùng xe chặt xác nạn nhân phi tang xuống sông. Bị cáo cũng đốt bỏ các vật dụng gây án nhằm che giấu hành vi trước khi về nhà tắm rửa, đi ngủ. Ngày 4/2/2019, Ngọc Anh đã đầu thú tại Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Chương Mỹ và khai nhận hành vi phạm tội.
Ngày 1/9/2020, TAND thành phố Hà Nội đã đưa tuyên phạt bị cáo Đỗ Ngọc Anh mức án tử hình về tội giết người. HĐXX nhận định: Hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, gây đau thương cho gia đình bị hại. Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ mà bị cáo đã đoạt mạng vợ. Hành vi của bị cáo là đặc biệt man rợ nên HĐXX nhận thấy cần cách ly vĩnh viễn bị cáo ra khỏi đời sống xã hội.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Ngọc Anh tiếp tục kêu oan, không thừa nhận hành vi phạm tội và cho rằng kết luận điều tra cũng như nội dung cáo trạng của VKS là không đúng sự thật. Tuy nhiên, sau khi xem xét toàn diện các chứng cứ, HĐXX phúc thẩm TAND Cấp cao tại Hà Nội nhận định, bị cáo là người có hiểu biết pháp luật khi biết rằng không tìm thấy xác nạn nhân sẽ khó kết tội nên ra sức kêu oan và coi đó là con đường duy nhất có thể thoát án tử hình.
Căn cứ vào kết quả đều tra, vật chứng kết luận giám định, có đủ cơ sở để kết luận Ngọc Anh phạm tội giết người với tình tiết tăng nặng là hành vi man rợ côn đồ, tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Xét thấy tòa cấp sơ thẩm đã xem đầy đủ chứng cứ để ra quyết định tuyên phạt tử hình đối với bị cáo. Việc bị cáo kêu oan, tòa phúc thẩm thấy không có cơ sở nên đã bác đơn, tuyên y án sơ thẩm. Theo đó, tòa phúc thẩm tuyên phạt bị cáo mức án tử hình tội "Giết người".
Tại tòa, chị Ngô Thu Hường (con gái bà H) bức xúc: "Tôi không thể tưởng tượng nổi lại có một con người tàn ác, man rợ như bị cáo Ngọc Anh. Đến giờ phút này bị cáo vẫn không ăn năn hối lỗi. Đến bây giờ gia đình tôi vẫn chưa thể tìm được xác của mẹ tôi về thờ cúng theo phong tục. Gia đình tôi đã mất rất nhiều tiền của để tìm thi thể mẹ tôi nhưng không thấy".
Chia sẻ về việc bị cáo Ngọc Anh không được giảm án tử tại phiên phúc thẩm, luật sư Vũ Đức Long (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, giết người có tính chất man rợ. Trong khi đó, tại hai cấp tòa Ngọc Anh không thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, không tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án nên bị cáo không được hưởng các tình tiết giảm nhẹ được quy định tại Điều 51 (Bộ Luật hình sự 2015).
"Thành khẩn khai báo được hiểu là trường hợp người phạm tội đã tự nguyện khai báo rõ ràng, chính xác về toàn bộ hành vi phạm tội của mình và những người đồng phạm khác. Ăn năn hối cải được hiểu là người phạm tội sau khi thực hiện hành vi cảm thấy day dứt, thể hiện thái độ hối hận của mình vì đã thực hiện tội phạm. Bị cáo hầu như không có các tình tiết giảm nhẹ nào nên việc hai cấp tòa đều tuyên phạt Ngọc Anh tử hình về tội giết người là đúng các quy định pháp luật hiện hành", luật sư Long nói.