Vì sao khách Việt ngại hồi hương bằng chuyến bay thương mại?
Chuyến bay thương mại được hứa hẹn sẽ tăng thêm tính chủ động cho hành khách có nhu cầu về Việt Nam. Trong khi đó, chuyến giải cứu giúp họ tiết kiệm khoản chi phí lớn.
"28 triệu đồng? Bằng 1.000 bảng á? Đắt!", T. - du học sinh tại Anh - cảm thán khi biết số tiền một người Việt tại Seoul (Hàn Quốc) phải trả cho khách sạn để được mua vé chuyến bay thương mại về Việt Nam hồi cuối tháng 9.
Cùng lúc đó tại Việt Nam, nhà chức trách tạm dừng triển khai các chuyến bay thương mại quốc tế về nước để thống nhất lại phương án cách ly người nhập cảnh.
"Thà bay giải cứu còn hơn"
T. là du học sinh đang sống tại London, Anh. Như nhiều bạn đồng hương khác, cô theo dõi sát thông tin các chuyến bay về Việt Nam để tìm một tấm vé hồi hương cho mình.
Nữ sinh cho biết Chính phủ chưa mở đường bay thương mại từ Anh về Việt Nam, nhưng đại sứ quán thi thoảng vẫn tổ chức các chuyến bay giải cứu công dân. Chuyến gần đây nhất vào ngày 2/10.
Hình thức bay giải cứu bất lợi ở chỗ hành khách không được chủ động mua vé mà phải chờ đại sứ quán phân bổ suất bay. Nhưng nghe đến việc bay thương mại phải cách ly tại khách sạn với chi phí lớn, T. nhận thấy bay giải cứu thuận lợi hơn vì được cách ly tập trung với mức chi phí tiết kiệm (1,68 triệu đồng cho 14 ngày).
Trong chuyến bay thương mại đầu tiên từ Seoul về Hà Nội ngày 25/9, hành khách buộc phải kết nối trước với khách sạn lưu trú, thậm chí phải thanh toán trước 28 triệu đồng (2 triệu đồng/ngày) cho khách sạn mới được mua vé về Việt Nam.
Rào cản này là lý do khiến Vietnam Airlines bán hết 300 vé của chuyến thương mại đầu tiên từ Seoul về Hà Nội nhưng đến sát giờ bay chỉ chốt được hơn 100 khách. Nhiều hành khách phải trả lại vé vì chưa thống nhất được với phía khách sạn.
"Mình muốn về nước nhưng không có nhu cầu cách ly tại khách sạn 3, 4 sao. Nếu bay thương mại mà phải đóng tiền nhiều thì thà bay giải cứu còn được cách ly tập trung với chi phí rẻ", T. chia sẻ.
Cần thêm nơi cách ly giá rẻ
Khi chuyến bay thương mại quốc tế đầu tiên về đến Hà Nội, hành khách được thành phố cho phép cách ly tập trung tại trung đoàn 59 thuộc Bộ tư lệnh Thủ đô. Họ được phía khách sạn hoàn trả 28 triệu đã nộp.
Hành khách không bị bắt cách ly ở khách sạn vì trong công văn trước đó, UBND TP đã cho phép người nhập cảnh từ nước ngoài được về cách ly tập trung tại cơ sở quân đội với chi phí cách ly 120.000 đồng/ngày. Tùy nhu cầu cá nhân, hành khách có thể chuyển sang ở khách sạn với mức chi phí cao hơn.
Quy trình không thống nhất đã khiến hãng hàng không kẹt ở giữa và chịu lãng phí khi một chuyến bay 300 chỗ chỉ chở được hơn 100 hành khách.
5 ngày sau chuyến bay thương mại đầu tiên, VietJet thực hiện chuyến bay thứ 2 và gặp phải rắc rối khi hành khách than phiền chi phí cách ly tại khách sạn quá lớn. Họ đòi được cách ly tập trung tại đơn vị quân đội như chuyến bay trước đó.
Nói về mức chi phí bị coi là đắt hơn bình thường, một chủ cơ sở lưu trú tại TP.HCM lý giải: "Mức giá này cao so với tiêu chuẩn thông thường. Tuy nhiên, chúng tôi phải làm nhiều việc hơn như đo thân nhiệt khách 2 lần một ngày, phun khử trùng ngày 3 lần, phục vụ ăn ngày 3 bữa, khử khuẩn trước và sau khi khách lưu trú, nhân viên phục vụ ăn ở tại khách sạn được trang bị đồ bảo hộ...".
Với nhiều vấn đề nảy sinh, các chuyến bay quốc tế về Việt Nam đã bị tạm dừng để các bộ ngành họp bàn, thống nhất quy trình cách ly người nhập cảnh cho toàn quốc.
Ngày 8/10, ông Ngô Văn Quý, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, đã đề nghị Sở Du lịch rà soát, bổ sung thêm các khách sạn bình dân, có giá thành hợp lý để phục vụ công dân nhập cảnh.
"Nếu cách ly hết ở khu quân đội thì không đủ chỗ nhưng cách ly ở khách sạn thì lại khó khăn kinh tế cho người dân. Sở Du lịch cần xem xét rà soát thêm các khu khách sạn bình dân với giá thành hợp lý", ông Quý phân tích.