Vì sao khan hiếm điểm 10 môn Ngữ văn tốt nghiệp THPT?
Trước kia luôn có điểm 10 môn Ngữ Văn kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhưng nay quá hiểm. Lần gần đây nhất có 1 điểm 10 môn Ngữ văn tại kỳ thi THPT quốc gia là năm 2017. Vì sao?
Cho đến nay, ghi nhận tại các địa phương cho thấy, môn Ngữ văn đạt điểm cao nhất là 9,75 điểm tại hội đồng chấm thi tỉnh Thừa Thiên Huế.
Việc chấm thi tốt nghiệp THPT năm nay tại các địa phương đã hoàn tất và dữ liệu đã được gửi về Bộ GD&ĐT để xử lý. Dự kiến ngày mai, các địa phương sẽ công bố điểm thi cho thí sinh. Tại một số địa phương khi được hỏi cho biết kết quả môn thi ngữ văn năm nay khả quan hơn, nhiều điểm từ trung bình trở lên, số bài thi đạt điểm 9 tăng, số bài điểm liệt giảm hẳn. Một trong những nguyên nhân được đưa ra là đề thi giảm độ khó so với năm trước.
Theo dữ liệu điểm thi do Bộ GD&ĐT công bố, tính từ 3 năm trở lại đây, chỉ năm 2017, cả nước có duy nhất thí sinh nam của Quảng Nam đạt điểm 10 môn ngữ văn.
Năm 2018, ngữ văn là môn duy nhất không có điểm 10 trong tất cả các môn thi của kỳ thi THPT quốc gia.
Năm 2019, môn ngữ văn tiếp tục là môn duy nhất không có điểm 10, cũng không có thí sinh nào đạt 9,75 điểm. Cả nước có 17 bài được điểm 9,5; 55 bài được điểm 9,25 và 390 bài đạt điểm 9.
“Ngưỡng an toàn” cho người chấm
Cô Phạm Thái Lê, giáo viên Ngữ văn, trường Marie Curie Hà Nội cho biết, trong suốt thời gian dạy học hàng chục năm vừa qua, cô cũng rất ít khi cho điểm 10 đối với bài làm của học sinh. Với phần tiếng Việt, cô Lê cho hay học sinh rất dễ đạt điểm 10. Nhưng với một bài làm văn hoàn chỉnh thì điều này rất khó.
“Không có điểm 10 môn Ngữ văn là bình thường. Khác với môn khoa học tự nhiên, một bài thi môn ngữ văn, luôn có những sai sót, sơ suất. Đó còn chưa kể, là tuyệt đối với người này nhưng không là tuyệt đối với người khác”, cô Phạm Thái Lê cho hay.
Cũng theo cô Lê, bài ngữ văn rất khó để thí sinh có thể đạt đến sự toàn mỹ. Còn với người chấm, có hai yếu tố đó là tính khách quan, như đã nói ở trên, trong làm bài, học sinh không thể tránh khỏi sai sót. Thứ hai, người chấm bao giờ cũng muốn giữ ngưỡng an toàn cho mình.
Cô Phạm Thái Lê cho hay, sự kiện điểm 10 duy nhất môn Ngữ văn trong kỳ thi 3 chung năm 2006 được phát hiện giống bài văn mẫu trong cuốn “Kiến thức cơ bản văn học 12” đã khiến các giáo viên Ngữ văn khi chấm bài phải “run tay”. Đây cũng là lý do vì sao họ không chấm điểm 10 vì muốn giữ ngưỡng an toàn cho mình.
Quả thật khó có bài thi của thí sinh nào, với thời lượng 120 phút, đáp ứng đầy đủ, toàn diện được yêu cầu của đáp án và mong đợi sự toàn bích của các giám khảo chấm văn.
Ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định cho hay dù Nam Định luôn có kết quả thi tốt nghiệp THPT đứng đầu cả nước nhưng với riêng môn ngữ văn thì chưa bao giờ có điểm 10.
Ông Cao Xuân Hùng thông tin năm nào khi bước vào chấm thi, ông cũng nói với giám khảo, nếu học sinh làm quá tốt, sau khi thảo luận thấy rằng không có gì để chê thì thống nhất cho các em điểm 10, không có gì phải băn khoăn cả, nhưng giám khảo nhiều khi cứ dè dặt, “run tay”, không “dám” đặt bút cho điểm tuyệt đối”.