Vì sao Khánh Hòa 'giữ nguyên hiện trạng' những khu vực núi có nguy cơ sạt lở?
Những khu vực có nguy cơ sạt lở ở Nha Trang, Khánh Hòa yêu cầu giữ nguyên hiện trạng tự nhiên của đồi núi, bảo vệ môi trường, không xây dựng công trình. Vì sao?
Hiện trường vụ sạt lở "hồ bơi vô cực" của Dự án Khu dân cư cao cấp Hoàng Phú (do Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Thanh Châu làm chủ đầu tư) vào năm 2018, cướp đi 4 mạng người và 10 ngôi nhà bị vùi trong đất, đá. Ảnh: P.V
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có ý kiến sau khi nghe báo cáo của ông Trần Nam Bình, Giám đốc Sở Xây dựng (chủ đầu tư) và bà Phạm Thị Huệ (đại diện Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (đơn vị tư vấn) về việc hoàn thiện Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đến năm 2040.
Đối với khu vực đồi núi trên địa bàn Thành phố Nha Trang, ông Nguyễn Tấn Tuân kết luận: “Những khu vực có nguy cơ sạt lở giữ nguyên hiện trạng tự nhiên của đồi núi, bảo vệ môi trường, không xây dựng công trình. Đối với khu vực không có nguy cơ sạt lở và đảm bảo điều kiện để sử dụng đất thì thống nhất không quy hoạch đất ở, mà chỉ quy hoạch đất thương mại dịch vụ đối với các dự án mới theo hướng thân thiện với môi trường, hài hòa với thiên nhiên, khống chế mật độ xây dựng tối đa không quá 10%”.
Thời gian qua, nhất là khi có bão và mưa lũ, Thành phố Nha Trang xảy ra nhiều vụ sạt lở đất, đá ở khu vực đồi núi. Nhiều vụ sạt lở làm chết chết người và bị thương.
Cuối tháng 10/2021, sau một trận mưa lớn, một biệt thự tại Dự án Khu biệt thự Nha Trang Sea Park (xã Phước Đồng, Nha Trang), do Công ty cổ phần phát triển nhà và đô thị HUD Nha Trang làm chủ đầu tư, đã bị sạt lở nghiêm trọng.
“Treo” trên đầu khu dân cư Xóm Núi, thôn Thành Phát (xã Phước Đồng) là Dự án Khu đô thị Haborizon Nha Trang. Vào ngày 18/11/2020, tại khu dân cư Xóm Núi, thôn Thành Phát, xã Phước Đồng xảy ra vụ sạt lở kinh hoàng, cướp đi 11 mạng người. Cùng thời điểm, Dự án Khu đô thị Haborizon đã tiến hành bạt núi.
Còn tại khu dân cư Hòa Tây (phường Vĩnh Hòa, Thành phố Nha Trang), sau khi Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Thanh Châu đào một “hồ bơi vô cực” (thuộc Dự án Khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú) thì vào ngày 18/11/2020, nơi này cũng xảy ra vụ sạt lở núi, làm chết gia đình 4 người và sập 10 ngôi nhà bên dưới.
Sở Xây dựng Khánh Hòa sau đó đã có báo cáo thống kê, rằng cả Thành phố Nha Trang có đến 82 dự án trên đồi núi. Cụ thể, khu vực núi Cô Tiên có 30 dự án, các đồi núi ở xã Phước Đồng 17 dự án, núi Chín Khúc 15 dự án, núi Cù Hin 12 dự án, núi Chụt 8 dự án. Trong đó, có 58 dự án đã có chủ trương hoặc thủ tục pháp lý cho phép đầu tư, còn lại đang xin thủ tục đầu tư hoặc đã bị thu hồi. Trong 82 dự án nói trên, chỉ có 13 dự án phù hợp hoàn toàn với quy hoạch chung TP.Nha Trang (đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2012); 13 dự án khác phù hợp một phần, còn lại đều trái quy hoạch.
Có ý kiến cho rằng, các dự án được cấp phép trên núi ở Thành phố Nha Trang chẳng khác gì một “mầm họa”, một “quả bom” treo lơ lửng trên đầu khu dân cư. Và liệu rằng, những vụ sạt lở đã cướp đi nhiều mạng người có hẳn do thiên tai, hay có cả nhân tai?