Vì sao khó dập lửa khi pin xe điện cháy?

Theo chuyên gia, để dập đám cháy pin Lithium, cần dùng bình chữa cháy chuyên dụng, cát hoặc bọt foam.

Hiện ở đô thị rất phổ biến dạng nhà ống, chỉ có 1 cửa ra vào kiêm lối thoát hiểm nên khi xảy ra hỏa hoạn sẽ rất khó xử lý. Ngoài ra, việc tập trung nhiều phương tiện giao thông cá nhân như xe máy, xe điện tại các hầm chung cư cũng tiềm ẩn cháy nổ cao.

Lithium phản ứng mạnh với nước

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, cô Bùi Diệu Linh – Giáo viên bộ môn Hóa học, Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam cho biết việc xảy ra cháy khi sạc pin xe điện, các thiết bị điện là do phát sinh tia lửa điện hoặc phát sinh nguồn nhiệt vượt quá mức kiểm soát.

Theo cô Linh, ngày nay, pin sử dụng cho xe điện là pin Lithium với ưu điểm kết cấu nhỏ gọn, mật độ năng lượng cao; tuy nhiên trong quá trình sử dụng và sạc cũng sẽ phát sinh ra nguồn nhiệt. Sau thời gian sử dụng, pin Lithium bị chai, phồng và đây cũng được coi là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng chập điện.

Pin sử dụng cho xe điện là pin Lithium với ưu điểm kết cấu nhỏ gọn - Ảnh: Internet

Pin sử dụng cho xe điện là pin Lithium với ưu điểm kết cấu nhỏ gọn - Ảnh: Internet

Lý giải về cấu tạo của pin Lithium, cô Linh cho biết pin Lithium có cấu tạo cơ bản, gồm vỏ ngoài, cực dương, cực âm và dãy ngăn cách, chất điện phân và 2 bộ thu dòng điện. Khi mở viên pin Lithium ra sẽ thấy tấm kim loại Lithium; khi bỏ vào nước thì nó sẽ phát nổ bởi Lithium phản ứng mạnh với nước. Cùng với đó, muối trong chất điện phân có thể phản ứng với nước, giải phóng khí độc như HF.

Để dập đám cháy pin Lithium, cô Linh cho hay cần dùng bình chữa cháy chuyên dụng, cát hoặc bọt foam.

Theo Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy, về cơ bản nguyên lý của các bình chữa cháy thông thường hiện nay là làm cách ly chất cháy với oxy để ngăn phản ứng cháy. Tuy nhiên, đám cháy của pin xe điện là cháy xuất phát từ các phản ứng hóa học bên trong viên pin. Nếu người dân dùng nước để chữa cháy, nước gặp nhiệt độ cao biến thành hydro lại gây nổ.

Sử dụng đúng sạc của nhà sản xuất

Để giảm thiểu nguy cơ cháy, nổ do sạc xe điện, cô Linh cho rằng hệ thống sạc, cáp sạc phải phù hợp với từng thiết bị. Trong quá trình sử dụng, người dùng cần tuân thủ các khuyến cáo của nhà sản xuất. Phương tiện, thiết bị cần được bảo dưỡng thường xuyên và nên đầu tư hệ thống đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng nhằm tránh hiện tượng chập cháy, hoặc rò rỉ điện.

Liên quan đến các bộ sạc, cáp sạc, người dùng nên sử dụng đúng sạc của nhà sản xuất cung cấp, tuân thủ quy trình sạc…

Để bảo đảm an toàn trong quá trình sử dụng xe máy điện, xe đạp điện và phòng ngừa xảy ra cháy nổ, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khuyến cáo:

- Người dùng nên sạc khi pin/ắc quy gần hết, sử dụng nguồn điện phù hợp (theo mức điện áp khuyến cáo của nhà sản xuất) và ổn định để sạc.

- Bảo quản pin/ắc quy đúng cách, đặt xe tại vị trí bảo đảm cao ráo và thông thoáng. Không để pin/ắc quy (xe) tại các khu vực nóng, ẩm. Không tác động lực mạnh vào bộ phận pin/ắc quy.

- Không tự ý thay đổi kết cấu của xe, không lắp thêm các phụ kiện, thiết bị tác động đến hệ thống dây dẫn và nguồn điện của xe (thiết bị không tương thích, chênh lệch nguồn diện có thể làm pin/ắc quy phát nổ).

- Bảo trì, bảo dưỡng pin/ắc quy cũng như hệ thống dẫn điện của xe thường xuyên. Định kỳ khoảng 3 tháng/lần nên đưa xe đi kiểm tra pin/ắc quy, hệ thống sạc cũng như toàn bộ chiếc xe để kịp thời phát hiện và xử lý hư hỏng…

Thu Anh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/vi-sao-kho-dap-lua-khi-pin-xe-dien-chay-205598.html