Vì sao khó duy trì?

Cùng xây ngôi nhà mơ ước, Kiến tạo nhịp cầu, Thần tài gõ cửa, Cơ hội đến... từng là những chương trình truyền hình nhân ái để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả.

“Cơ hội đổi đời” là một trong những chương trình nhân ái gây tiếc nuối khi chia tay khán giả. Ảnh: BTC

“Cơ hội đổi đời” là một trong những chương trình nhân ái gây tiếc nuối khi chia tay khán giả. Ảnh: BTC

Mỗi tập phát sóng đã mang theo câu chuyện lay động về những mảnh đời cơ cực và truyền đi thông điệp yêu thương, lan tỏa niềm tin vào sự tử tế.

Thế nhưng, giữa dòng chảy sôi động của các gameshow giải trí và áp lực khung giờ vàng, nhiều chương trình nhân văn dần bị đẩy ra khỏi sóng truyền hình.

Không chỉ bị lép vế, họ còn phải vật lộn với bài toán kinh phí khi nguồn lực xã hội hóa ngày càng eo hẹp. Khó khăn chồng chất khiến không ít ê kíp phải ngậm ngùi đóng máy, dừng lại giữa chặng đường dang dở.

Mỗi chương trình dừng bước là một khoảng trống trên màn ảnh nhỏ - nơi lẽ ra vẫn cần lắm những nhịp cầu yêu thương để nối gần thêm những bàn tay cần được nắm lấy.

“Đứt gãy” cầu nối cảm xúc

Thời gian qua, truyền hình Việt từng chứng kiến sự lên ngôi của các chương trình nhân ái, từ Vượt lên chính mình, Lục lạc vàng, Tiếp sức hồi sinh đến Như chưa hề có cuộc chia ly, Vì bạn xứng đáng… không chỉ chạm đến trái tim hàng triệu khán giả mà còn trở thành biểu tượng của lòng nhân ái được lan tỏa qua sóng truyền hình.

Thế nhưng, không ít trong số đó đã lặng lẽ dừng bước, “chia tay” khán giả trong tiếc nuối vì không thể trụ vững trước sự cạnh tranh khốc liệt từ các gameshow giải trí.

Ngay cả khi các gameshow đã bước vào thời kỳ bão hòa, thậm chí bị “sụt phong độ” vì những ồn ào không đáng có, thì vẫn được ưu ái giữ sóng ở khung giờ đẹp - nơi các nội dung nhân ái luôn khát khao được góp mặt.

Chọn làm chương trình thiện nguyện từ đầu đã là một hành trình không dễ. Không thu hút quảng cáo, chi phí sản xuất cao, lại phải rong ruổi đến những vùng sâu, vùng xa - nơi có những mảnh đời cần giúp đỡ nhất, nhưng chính tại đây, ánh sáng truyền hình đã làm bừng lên hy vọng, kết nối những trái tim và sẻ chia những giấc mơ tưởng chừng rất xa vời.

Dẫu vậy, sức người có hạn, đã có lúc đội ngũ sản xuất phải chọn cách thu mình. Như chia sẻ đầy cảm động từ ê kíp Như chưa hề có cuộc chia ly: “Chúng tôi buộc phải thu hẹp để làm tốt nhất hai hoạt động còn lại: Tìm kiếm và đoàn tụ thân nhân. Chia ly một phần dự án, chia tay hàng triệu khán giả là điều chúng tôi không mong muốn, nhưng phải đối diện”...

May mắn thay, vẫn còn đó những bàn tay đưa ra kịp lúc. Sự đồng hành của các Mạnh Thường Quân đã giúp chương trình tái khởi động và trở lại với khung giờ vàng trên VTV1, lúc 20h10 tối thứ Bảy đầu tiên mỗi tháng.

Vì bạn xứng đáng cũng hồi sinh mạnh mẽ, lên sóng đều đặn vào 21h tối thứ Năm hằng tuần trên VTV3 - như một minh chứng rằng: Khi lòng tốt còn được chắp cánh, thì hành trình lan tỏa yêu thương sẽ không bao giờ kết thúc!

Cần có sự chung tay, tiếp sức cho những chương trình truyền hình nhân ái. Ảnh: “Mái ấm gia đình Việt”

Cần có sự chung tay, tiếp sức cho những chương trình truyền hình nhân ái. Ảnh: “Mái ấm gia đình Việt”

Chung tay xây yêu thương

Tuy nhiên, không phải chương trình nào cũng may mắn được “hồi sinh” như Như chưa hề có cuộc chia ly hay Vì bạn xứng đáng... Trước áp lực khung giờ vàng và cuộc cạnh tranh khốc liệt trên sóng truyền hình, nhiều chương trình nhân ái buộc phải “chuyển nhà” sang các nền tảng trực tuyến.

Thế nhưng, cái giá phải trả là không nhỏ: Họ đã đánh mất một phần khán giả trung thành - đặc biệt là người cao tuổi - vốn không quen thao tác với thiết bị thông minh để tìm kiếm và theo dõi chương trình.

Trong khi đó, để lan tỏa thông điệp yêu thương, những nội dung nhân ái cần nhất là sự tiếp cận rộng rãi. Thế nhưng, thay vì được tạo điều kiện, họ lại phải lùi bước trước những gameshow giải trí tràn ngập tiếng cười, tranh luận và đôi khi cả chiêu trò.

Những “điểm tựa” cảm xúc cho hàng triệu mảnh đời bất hạnh, từng là niềm tự hào của truyền hình Việt, dần bị đẩy lùi hoặc lặng lẽ biến mất.

Không ai phủ nhận vai trò của các chương trình giải trí và sức sống mà chúng mang lại. Nhưng khi tỷ suất người xem trở thành “kim chỉ nam”, thì những nội dung mang tính nhân văn lại bị xem là “kém hấp dẫn”.

Và một khi chương trình nhân ái bị loại khỏi đường đua, tổn thất không chỉ là mất đi một dự án truyền hình - mà là đánh mất một cánh tay sẻ chia, một nhịp cầu kết nối cộng đồng.

Sự “hụt hơi” của dòng nội dung nhân ái đến từ bài toán muôn thuở: Tài trợ - kinh phí - khung giờ. Trong guồng quay của thị trường, chương trình nào không tạo ra lợi nhuận nhanh chóng thì rất dễ bị loại bỏ.

Nhưng truyền hình nhân ái không phải là sản phẩm thương mại thuần túy. Đó là một dạng “phúc lợi mềm”, nơi thể hiện trách nhiệm xã hội, khơi gợi lòng tốt và gieo mầm tử tế.

Muốn giữ lửa cho dòng nội dung này, cần một “phao cứu trợ” đủ bền. Đó là sự đồng hành bền vững giữa nhà đài, đơn vị sản xuất và nhà tài trợ - không chỉ về kinh phí mà còn ở trách nhiệm lan tỏa.

Nhà đài cần chủ động dành khung giờ hợp lý cho chương trình nhân ái; hỗ trợ truyền thông đa nền tảng để mở rộng sức ảnh hưởng, đồng thời tạo điều kiện kêu gọi cộng đồng cùng chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Và hơn hết, sức mạnh của khán giả chính là điểm tựa lớn nhất. Mỗi lượt xem, chia sẻ, mỗi lần lên tiếng ủng hộ, đều là “lá phiếu” quyết định cho giá trị mà chúng ta muốn gìn giữ.

Nếu tất cả cùng im lặng, các chương trình tử tế cứ lần lượt rời đi, thì có lẽ một ngày không xa, truyền hình sẽ chỉ còn lại tiếng cười nửa vời và những cuộc chơi vô thưởng vô phạt...

ĐÌNH TOÁN - THANH MAI

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/giai-tri/vi-sao-kho-duy-tri-131318.html