Vì sao khó kiểm tra học kỳ trực tuyến diện rộng?

UBND TP Hà Nội vừa đồng ý với đề xuất của Sở GD&ĐT chưa tổ chức kiểm tra học kỳ 2 trực tuyến năm học 2020 - 2021. Tại một số tỉnh, TP khác trên cả nước cũng đã chuẩn bị lên phương án kiểm tra trực tuyến, tuy nhiên, theo nhiều ý kiến thì việc kiểm tra này khó triển khai rộng, khó giám sát.

Vì sao Hà Nội không kiểm tra học kỳ trực tuyến?

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, Thông tư 09/2021của Bộ GD&ĐT quy định về kiểm tra trực tuyến tới ngày 16-5 mới có hiệu lực. Việc kiểm tra định kỳ chỉ được tiến hành khi đảm bảo yêu cầu về đường truyền Internet, thiết bị kết nối, máy tính, đồng thời có giải pháp đảm bảo an toàn thông tin, quy định về dữ liệu, bảo mật thông tin cá nhân...

Vì thế, với các trường chưa hoàn thành kiểm tra học kỳ 2, UBND TP yêu cầu kiểm tra trực tiếp tại trường khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn, học sinh có thể đi học tập trung trở lại. Riêng với lớp 9 và 12, do đã hoàn thành kiểm tra học kỳ 2, học sinh tiếp tục học, ôn tập trực tuyến đến hết ngày 28-5.

Sau khi có văn bản của TP, nhiều trường đã ra thông báo về việc cho chọ sinh nghỉ hè, giao thêm các phiếu bài tập, đồng thời sẵn sàng cho học sinh trở lại trường khi điều kiện an toàn cho phép, lúc đó, sẽ tiến hành kiểm tra học kỳ. Lịch học online của các trường (trừ khối 9, khối 12) sẽ được thực hiện đến hết tuần này.

 Nhiều ý kiến cho rằng kiểm tra trực tuyến chỉ thực hiện được khi học sinh có đủ năng lực quản trị các thiết bị kỹ thuật và hình thức này khó áp dụng diện rộng (Ảnh: P.T)

Nhiều ý kiến cho rằng kiểm tra trực tuyến chỉ thực hiện được khi học sinh có đủ năng lực quản trị các thiết bị kỹ thuật và hình thức này khó áp dụng diện rộng (Ảnh: P.T)

Khó giám sát

Các trường THCS, THPT ở một số địa phương như: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Đà Nẵng… đang xây dựng phương án tối ưu nhất để tổ chức kiểm tra cuối kỳ II bằng hình thức trực tuyến. Học sinh sẽ được kiểm tra thử để làm quen vừa khảo sát số học sinh có thể tham gia trực tuyến. Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến cho rằng, thực hiện việc này trong bối cảnh gấp gáp sẽ rất khó khăn, khó tránh khỏi chuyện học sinh gian lận.

Còn TS Lại Phương Thảo, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội), cũng cho rằng, kể cả kiểm tra trực tiếp, học sinh vẫn có thể gian lận. “Tuy nhiên, nhà trường có quy định và giám thị giám sát phòng thi chặt chẽ, nếu học sinh bị phát hiện gian lận, chắc chắn sẽ bị xử lý”, bà Thảo nói.

Trên thực tế, phương thức kiểm tra này cũng chỉ phù hợp với học sinh khối lớp lớn, đối với cấp tiểu học, các lớp 1, 2, 3 rất khó áp dụng hình thức này nếu không có sự hỗ trợ của học sinh.

Để giảm thiểu tình trạng gian lận, mỗi học sinh cần có tài khoản định danh cá nhân; nội dung đề kiểm tra theo định hướng tiếp cận năng lực, tránh việc học sinh có thể bàn luận, sao chép tư liệu ở đâu đó vào bài… việc sử dụng tài khoản cá nhân rõ ràng là cần năng lực quản lý nhất định của học sinh, với khối lớp bé thì điều này không thể thực hiện được.

Ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết Thông tư 09/2021 về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong trường phổ thông và giáo dục thường xuyên có hiệu lực từ tháng 5-2021 cho phép các trường trong trường hợp bất khả kháng có thể tổ chức cho học sinh kiểm tra định kỳ (giữa, cuối học kỳ 1, học kỳ 2) bằng hình thức trực tuyến.

Khi tổ chức kiểm tra đánh giá định kỳ trực tuyến, nhà trường phải có biện pháp để đảm bảo tính chính xác, công bằng, trung thực, khách quan. Bài kiểm tra phải đúng do học sinh thực hiện, đánh giá được đúng năng lực của học sinh.

Tuy nhiên ông Thành cũng nhấn mạnh: “Chỉ khi bất khả kháng mới tổ chức bằng hình thức trực tuyến”.

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/vi-sao-kho-kiem-tra-hoc-ky-truc-tuyen-dien-rong-238924.html