Vì sao không đổi hàng trăm tên đường trùng nhau ở TP.HCM?

Sở VH&TT TP cho biết sẽ hạn chế tối đa việc đổi tên đường trùng nhau vì việc này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Sở VH&TT TP.HCM vừa có báo cáo giải trình các nội dung đại biểu HĐND TP quan tâm tại Kỳ họp thứ 17 HĐND TP.HCM vừa qua. Trong đó có nội dung về việc đổi tên đường.

Nguyên nhân chưa đổi tên đường

 Đường Phạm Ngũ Lão ở quận Gò Vấp (hình bên trái) và đường Phạm Ngũ Lão, quận 1 (hình bên phải). Ảnh: LAN HƯƠNG

Đường Phạm Ngũ Lão ở quận Gò Vấp (hình bên trái) và đường Phạm Ngũ Lão, quận 1 (hình bên phải). Ảnh: LAN HƯƠNG

Sở VH&TT TP cho biết hiện nay trên địa bàn TP có 311 tuyến đường dùng chung 132 tên. Việc dùng chung tên đường chủ yếu là do lịch sử để lại (quá trình sáp nhập, mở rộng về đơn vị hành chính).

Lý giải về nguyên nhân nhiều tuyến đường trùng tên nhau, Sở VH&TT TP cho biết, TP.HCM hiện nay được hình thành từ 3 đơn vị hành chính riêng là Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định. Vào thời điểm còn 3 đơn vị hành chính riêng, tên đường tại các khu vực này được từng địa phương lựa chọn và đặt tên. Do đó, khi sáp nhập lại thì xuất hiện tình trạng trùng tên, không thống nhất trong vấn đề tên gọi.

Ngoài ra, từ sau năm 1975 đến trước năm 1995, không có quy định cụ thể về thẩm quyền đặt tên của từng cấp nên các quận, huyện đã tự ý đặt tên đối với tuyến đường mới. Bắt đầu từ ngày 11-7-2005 với sự thành lập của Hội đồng đặt tên mới, sửa đổi tên đường trên địa bàn TP.HCM được thành lập và thực hiện Nghị định 91/2005/NĐ-CP, Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT, TP.HCM bắt đầu có các quy định về việc không được đặt tên cùng một nhân vật lịch sử cho các tuyến đường khác nhau trên địa bàn TP.

"Do đó, đối với các tuyến đường trùng tên tại các quận, huyện khác nhau do lịch sử để lại, căn cứ theo điều 5, mục 1 nguyên tắc chung, chương II Nguyên tắc về đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng, TP hạn chế tối đa việc đổi tên vì có khả năng gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân", báo cáo của Sở VH&TT TP nêu.

Tuy nhiên, trong thời gian sắp tới, Sở VH&TT TP cũng sẽ phối hợp với các quận, huyện rà soát lại về việc hiện nay còn sót trường hợp các tên đường trùng nhau trên cùng một địa bàn quận - huyện hoặc một số tuyến đường mới nằm trong các dự án mà chưa được đặt tên để xem xét, đề ra phương án giải quyết hợp lý.

"Dở khóc dở cười' vì tên đường giống nhau nhưng khác quận

Trên thực tế, dù đã được phản ánh nhiều năm nhưng vấn đề trùng tên tại các tuyến đường tại TP.HCM vẫn chưa được giải quyết triệt để. Điều này không chỉ gây nhầm lẫn cho du khách mà chính người dân địa phương cũng rơi vào nhiều tình huống "dở khóc, dở cười".

Anh Phan Thượng Khải (nhân viên văn phòng ở TP Thủ Đức) cho biết, dù đã chuyển đến TP.HCM hơn 5 năm nhưng anh vẫn thường xuyên nhầm lẫn vì nhiều tuyến đường có tên tương tự. “Vì tên đường trùng nhau nên nếu không cẩn thận sẽ dễ đi nhầm sang các quận khác. Tôi đã từng đi lạc từ Gò Vấp sang quận 5 chỉ vì cần tìm đường Phan Văn Trị", anh Khải chia sẻ.

Tại quận Gò Vấp, đường Phan Văn Trị được xem là là một trong những tuyến đường quan trọng và sầm uất của khu vực này. Chạy qua các phường 5, 7, 10, 11, đường Phan Văn Trị kết nối với nhiều tuyến đường lớn khác như Nguyễn Thái Sơn và Lê Quang Định. Tuyến đường này thường xuyên đông đúc phương tiện giao thông và được chia làm 4 làn xe. Dọc theo đường Phan Văn Trị, nhiều tiện ích như siêu thị, trung tâm thương mại, quán ăn, nhà hàng,... được người dân yêu thích.

Trái lại, đường Phan Văn Trị tại quận 5 lại là một con đường khá ngắn, ít tập nập hơn so với con đường cùng tên tại Gò Vấp. Tuy nhiên, tuyến đường này cũng đóng vai trò kết nối nhiều đường khác trong quận, giúp việc di chuyển trở nên thuận tiện hơn.

Tương tự, đường Phạm Ngũ Lão tại quận 1 và Gò Vấp tuy trùng tên nhưng cũng có các đặc điểm khác nhau. Đường Phạm Ngũ Lão ở quận 1 nằm trong trung tâm TP, gần công viên 23/9, chợ Bến Thành, và khu phố Tây. Đây là khu vực sầm uất, với lưu lượng giao thông lớn và nhiều khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi, giải trí phục vụ du khách.

Trong khi đó, đường Phạm Ngũ Lão ở Gò Vấp ít nhộn nhịp hơn, có các cửa hàng và tiện ích khác nhau, phục vụ cho nhu cầu của người dân trong quận.

Các tên đường được đặt trùng nhiều nhất tại TP.HCM có thể kể đến là đường Chu Văn An (quận 6, Tân Phú, TP Thủ Đức), Nguyễn Trường Tộ (Phú Nhuận, Tân Phú, Quận 4, TP Thủ Đức)...

Ngày 16-8-2022, Sở VH&TT TP.HCM có Công văn số 3499/SVHTT- QLDSVH gửi UBND quận, huyện và TP Thủ Đức thực hiện việc đặt tên đường và công trình công cộng theo đúng quy định của các văn bản lĩnh vực đặt tên đường và công trình công cộng.

Trong thời gian tới, Sở VH&TT TP cũng sẽ tiếp tục có văn bản gửi quận, huyện và TP Thủ Đức đề nghị thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ về ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng.

LAN HƯƠNG - HUY VŨ

Nguồn PLO: https://plo.vn/vi-sao-khong-doi-hang-tram-ten-duong-trung-nhau-o-tphcm-post802368.html