Kiểm tra liên tục, vì sao Mái ấm Hoa Hồng không bị lộ vi phạm?

Lãnh đạo UBND quận 12 cho rằng, Mái ấm Hoa Hồng có sự đối phó với cơ quan quản lý Nhà nước, chính vì vậy, dù kiểm tra nhiều lần vẫn không phát hiện vi phạm.

Chiều 4/9, tại buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM, bà Võ Thị Chính, Phó chủ tịch UBND quận 12 đã cung cấp thêm thông tin về vụ bạo hành trẻ tại Mái ấm Hoa Hồng (phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP.HCM).

Có sự đối phó với cơ quan Nhà nước?

Theo bà Chính, ngay sau khi tiếp nhận bài viết của Báo Thanh niên, UBND quận 12 đã chỉ đạo các đơn vị kiểm tra, xác minh và xử lý theo quy định đối với hành vi bạo hành trẻ em tại cơ sở trợ giúp xã hội. Đồng thời, UBND quận cũng thành lập tổ công tác trực tiếp kiểm tra xử lý vụ việc.

Bà Võ Thị Chính, Phó chủ tịch UBND quận 12, TP.HCM. Ảnh: Mỹ Quỳnh.

Bà Võ Thị Chính, Phó chủ tịch UBND quận 12, TP.HCM. Ảnh: Mỹ Quỳnh.

Tại thời điểm kiểm tra, mái ấm Hoa Hồng có mặt 86 trẻ, trong đó, 15 trẻ sơ sinh; 36 trẻ từ 1 - 2 tuổi; 31 trẻ từ 3 - 5 tuổi (đang học tại trường Mầm non Sóc Bông thuộc phường Trung Mỹ Tây); ba trẻ từ 6 - 12 tuổi và một trẻ đang điều trị bệnh tại bệnh viện. Thời điểm này, có 15 nhân viên đang phục vụ tại Mái ấm Hoa Hồng.

Bà Chính nói thêm, cơ sở này được cấp quyết định thành lập, giấy phép hoạt động vào tháng 7/2023 với quy mô tiếp nhận chăm sóc tối đa 39 trẻ. Như vậy, cơ sở này đã vi phạm quy định tiếp nhận, chăm sóc là 86 trẻ (vượt 47 trẻ).

Đáng nói, trước đó, UBND quận 12 đã chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra Mái ấm Hoa Hồng hai lần vào tháng 11/2023 và tháng 4/2024; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận cũng đến giám sát vào tháng 7/2024. Ngoài ra, UBND phường cũng kiểm tra thường xuyên tại cơ sở.

Các bé tại Mái ấm Hoa Hồng đã được trung tâm bảo trợ công lập đón nhận, nuôi dưỡng. Ảnh: Mỹ Quỳnh.

Các bé tại Mái ấm Hoa Hồng đã được trung tâm bảo trợ công lập đón nhận, nuôi dưỡng. Ảnh: Mỹ Quỳnh.

"Các lần kiểm tra, giám sát đều ghi nhận Mái ấm Hoa Hồng nuôi giữ 39 trẻ đúng theo nội dung giấy phép, có hồ sơ rõ ràng. Chứng tỏ, cơ sở này có sự đối phó với cơ quan quản lý Nhà nước", bà Chính khẳng định.

Theo bà Chính, UBND quận 12 đã có quyết định đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động của Mái ấm Hoa Hồng. Đồng thời, chỉ đạo Công an quận 12 làm việc với chủ mái ấm cũng như các bảo mẫu, nhân viên... để củng cố hồ sơ pháp lý, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Song song đó, tìm nguồn gốc của 47 trẻ phát sinh; xác định có hành vi trục lợi tại cơ sở này hay không...

UBND quận cũng giao Phòng Nội vụ tham mưu, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có liên quan trong công tác quản lý Nhà nước, để xảy ra sai phạm tại Mái ấm Hoa Hồng.

Tình huống pháp lý vụ việc

Trao đổi với PV Báo Giao thông, TS.LS Lê Bá Thường, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Dân Luật Tín Thành (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, hành vi bạo hành trẻ em được xem là vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em theo Luật Trẻ em 2016 và các quy định liên quan khác.

Luật sư Lê Bá Thường. Ảnh: NVCC.

Luật sư Lê Bá Thường. Ảnh: NVCC.

Theo luật sư Thường, pháp luật quy định, hành vi đánh đập, ngược đãi trẻ em có thể cấu thành tội hành hạ người khác nếu hành vi này diễn ra trong thời gian dài, gây tổn hại đến sức khỏe, tinh thần của trẻ. Với tội danh này, đối tượng có thể bị phạt tù từ 1-3 năm.

Nếu hành vi của bảo mẫu dẫn đến thương tích nặng cho trẻ em, bảo mẫu có thể bị truy cứu về tội cố ý gây thương tích. Mức phạt tù tùy thuộc vào tỷ lệ thương tật của trẻ, nhưng có thể từ 2-7 năm. Nếu thương tật nặng, mức phạt lên đến 20 năm.

Đối với chủ mái ấm, nếu người chủ không thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý, để xảy ra tình trạng bạo hành, họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, mức phạt từ 3 tháng đến 12 năm tù, tùy mức độ nghiêm trọng của hậu quả. Ngoài ra nếu mái ấm hoạt động sai quy định sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự tùy mức độ.

Bảo mẫu Cẩm (trái) và chủ mái ấm Giáp Thị Sông Hương đã bị công an tạm giữ. Ảnh: CACC.

Bảo mẫu Cẩm (trái) và chủ mái ấm Giáp Thị Sông Hương đã bị công an tạm giữ. Ảnh: CACC.

Trong quá trình điều tra, nếu phát hiện chủ mái ấm lợi dụng danh nghĩa chăm sóc trẻ mồ côi để trục lợi, có thể bị xử lý theo quy định.

Trong đó, nếu chủ mái ấm lợi dụng việc nuôi dưỡng trẻ để chiếm đoạt tài sản từ các nhà hảo tâm sẽ vi phạm Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mức án phạt tù từ 2-20 năm, tùy thuộc vào số tiền chiếm đoạt.

Nếu chủ mái ấm nhận được sự tin tưởng của các cá nhân hoặc tổ chức và chiếm đoạt tài sản từ sự tín nhiệm đó, sẽ phạm tội lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Lúc này, mức phạt tù có thể từ 6 tháng đến 20 năm tùy theo mức độ phạm tội.

Chiều 4/9, các đơn vị đã phối hợp, lập hồ sơ, đưa 85 trẻ đang chăm sóc tại Mái ấm Hoa Hồng đến các cơ sở bảo trợ thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong ngày 4/6.

Trong đó, có 32 trẻ vào Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình, 36 trẻ vào Làng Thiếu Niên Thủ Đức, 15 trẻ vào Làng trẻ em Gò Vấp; 2 trẻ được gia đình tiếp nhận; 1 trẻ đang nằm bệnh viện Nhi đồng điều trị bệnh viêm phổi.

Đồng thời, Công an TP.HCM đã tạm giữ bà Giáp Thị Sông Hương (SN 1974, ngụ Gò Vấp), chủ mái ấm Hoa Hồng và Nguyễn Thị Ngọc Cẩm, bảo mẫu để điều tra, xử lý.

Mỹ Quỳnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/vi-sao-kiem-tra-lien-tuc-mai-am-hoa-hong-khong-bi-lo-vi-pham-192240905183532393.htm