Vì sao kim ngạch xuất khẩu mặt hàng nông lâm thủy sản 4 tháng giảm?

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu mặt hàng nông lâm thủy sản giảm sâu và vẫn gặp nhiều khó khăn do tình hình chung của kinh tế thế giới.

Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng nông lâm thủy sản 4 tháng giảm giảm 13,3%.

Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng nông lâm thủy sản 4 tháng giảm giảm 13,3%.

Xuất khẩu giảm do nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu nhập khẩu giảm

Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), kim ngạch xuất khẩu tháng 4 ước đạt 4,54 tỷ USD, giảm 8,3% (so sánh với cùng kỳ năm trước); giảm 1,2 triệu USD so với tháng 3 (4,66 tỷ USD). Tính tổng 4 tháng, xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) đạt 15,66 tỷ USD, giảm 13,3%; xuất siêu 2,51 tỷ USD, giảm 37,7%.

Ngoài các nhóm hàng nông sản và chăn nuôi tăng; còn lại, các mặt hàng thủy sản, lâm sản đều giảm. Cụ thể thủy sản đạt 800 triệu USD, giảm 28,6%; lâm sản đạt 1,2 tỷ USD, giảm 29,8%.

4 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản tới các thị trường thuộc khu vực châu Á đạt 7,58 tỷ USD, tăng 2,7%; châu Mỹ đạt 3,28 tỷ USD, giảm 39,6%; châu Âu đạt 1,93 tỷ USD, giảm 13%; châu Phi đạt 223 triệu USD, giảm 21,2%; châu Đại Dương đạt 216 triệu USD, giảm 31%.

Theo lý giải của Bộ NN&PTNT, nguyên nhân tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS giảm và thị trường xuất khẩu tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn là do kinh tế toàn cầu năm 2023 dự báo tăng trưởng chậm lại; ảnh hưởng từ xung đột quân sự Nga - Ukraine; lạm phát cao tại một số nước trên thế giới, trong đó có những thị trường nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc..., làm giảm nhu cầu tiêu dùng, nhu cầu nhập khẩu.

Bên cạnh đó, nhiều nước đẩy mạnh xuất khẩu nông sản và tăng cung trên thị trường; trong khi lượng hàng tồn nhập khẩu 2022 của một số thị trường tiêu thụ lớn như Hoa Kỳ, châu Âu… còn lớn khiến nhiều doanh nghiệp chưa ký được đơn hàng xuất khẩu mới. Không những vậy, giá nguyên liệu vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn đang ở mức cao, ảnh hưởng đến điều tiết, quản trị sản xuất kinh doanh và tác động đến thu nhập của nông dân, lợi nhuận của doanh nghiệp.

Kim ngạch xuất khẩu lâm sản cũng giảm trong 4 tháng đầu năm 2023.

Kim ngạch xuất khẩu lâm sản cũng giảm trong 4 tháng đầu năm 2023.

Tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu

Trong quý II/2023, mục tiêu tăng trưởng giá trị gia tăng toàn ngành nông nghiệp phấn đấu đạt 2,9 - 3% với tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng 14 tỷ USD.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trước những khó khăn đang phải đối mặt, ngành NN&PTNT sẽ thực hiện đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp và tiếp tục đổi mới, mở rộng tư duy; hành động nhanh, kết quả thật để khai thông thị trường, tạo động lực tăng trưởng mới, phấn đấu đạt các mục tiêu phát triển.

Thời gian tới, Bộ NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh và biến động thị trường trong nước và thế giới; tổ chức các hoạt động như: Đoàn công tác làm việc với 2 tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc) để đẩy mạnh xúc tiến thương mại nông sản; Diễn đàn “970” kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ rau gia vị sang thị trường châu Âu; chuẩn bị tổ chức chuỗi sự kiện quảng bá nông sản chủ lực của Việt Nam tại Vương quốc Anh (nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam - Anh).

Đối với thị trường Trung Quốc, để thúc đẩy tiêu thụ nông sản, thực phẩm sang thị trường này, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương) Tô Ngọc Sơn cho rằng, Bộ NN&PTNT cần tiếp tục làm tốt 3 việc: tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng nông sản và tháo gỡ các rào cản kỹ thuật xuất khẩu.

Đẩy nhanh tiến trình mở cửa thị trường

Trong bối cảnh tình hình khó khăn chung của kinh tế thế giới, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, đây là lúc chúng ta thay đổi, thay đổi nhanh để thích ứng. Bộ trưởng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ đẩy nhanh tiến trình mở cửa thị trường, kích hoạt toàn bộ nguồn lực tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã. Việc xây dựng chính sách, thông tư, nghị định trong lĩnh vực nông nghiệp cần tạo ra không gian để nông dân phát triển, sáng tạo phù hợp với điều kiện sản xuất, tránh tình trạng "người viết chính sách ngồi phòng lạnh, nông dân thực hiện ngoài đồng".

Khánh Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/vi-sao-kim-ngach-xuat-khau-mat-hang-nong-lam-thuy-san-4-thang-giam-127226.html