Vì sao lãnh đạo đối lập Campuchia bị kết án 25 năm tù?
Nhân vật đối lập nổi tiếng của Campuchia Sam Rainsy bị kết án 25 năm tù vắng mặt hôm 1/3.
Ông Rainsy sống ở Pháp từ năm 2015 để tránh phải ngồi tù vì một số tội danh khác mà ông ta nói là có động cơ chính trị. Bản án mới nhất liên quan đến việc ông này cố gắng trở về nhà vào năm 2019, theo Fresh News.
Y Rin, phát ngôn viên của Tòa án thành phố Phnom Penh, nói với AFP, Rainsy đã bị kết án "vì một cuộc tấn công (có chủ đích) ở Campuchia vào năm 2019".
Tòa án cũng tước quyền bầu cử và ứng cử viên của Rainsy, quan chức này cho biết.
Trong một tuyên bố trên Twitter, Rainsy nói rằng việc kết tội được "sinh ra từ sự yếu đuối và sợ hãi".
Tám chính trị gia đối lập khác, bao gồm cả vợ của Rainsy, cũng bị kết án vắng mặt từ 20-22 năm tù.
Mu Sochua, phó chủ tịch Đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) hiện đã giải thể, nói với ABC rằng bà bị kết án 22 năm. "Không ai trong số chín bị cáo (được) tham dự phiên tòa," bà nói.
Bà Sochua nói 4 người là công dân Australia gốc Campuchia, đã bị xét xử và "chắc chắn sẽ bị kết tội".
Cựu nghị sĩ Victoria Hong Lim là một trong những người bị xét xử. Theo ABC, 3 người còn lại là Ham Chantha, Sok Phal và Hemara In - tất cả đều là đại diện của CNRP tại Australia.
Các cáo buộc
CNRP, đảng đối lập lớn duy nhất tại Campuchia, đã bị buộc phải giải thể theo lệnh của tòa án vào tháng 11/2017, theo Bangkok Post.
Kể từ cuộc bầu cử vào tháng 7/2018, khi đảng của ông Hun Sen giành mọi ghế trong quốc hội, chính quyền Campuchia tăng cường bắt giữ các cựu thành viên của đảng đối lập.
Khoảng 150 nhân vật và nhà hoạt động đối lập bị đưa ra xét xử hàng loạt vì tội phản quốc và kích động, chủ yếu là vì chia sẻ thông điệp trên các nền tảng mạng xã hội ủng hộ Rainsy.
Sam Rainsy rời Campuchia vào cuối năm 2015 và từ chức không lâu trước khi đảng bị giải thể. Trong thời gian lưu vong, Sam Rainsy cam kết trở về để lãnh đạo phong trào biểu tình phản đối chính quyền.
Thủ tướng Hun Sen mô tả kế hoạch trở về này của ông Rainsy và các thủ lĩnh đối lập khác là một âm mưu đảo chính.
Một kế hoạch trở về của Rainsey được dự định vào ngày 9/11/2019, từ Paris đi qua đường Thái Lan, nhưng không thành công do ông không được lên máy bay. Quân đội Hoàng gia Campuchia ban bố tình trạng báo động cao tại vùng biên giới với Thái Lan để đề phòng nguy cơ tụ tập đông người. Còn Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha khẳng định Thái Lan không cho phép ông Sam Rainsy sử dụng lãnh thổ Thái Lan để chống lại chính phủ Campuchia.
Sam Rainsy sau đó hạ cánh ở Kuala Lumpur, Malaysia, nhưng cũng vấp phải phản ứng tương tự từ Malaysia. Ông cho biết sẽ tiếp tục nỗ lực quay về.
Theo phó công tố Seng Huang, Rainsy và các đồng bị cáo đã kêu gọi quyên góp để ủng hộ quân đội hoặc các lực lượng vũ trang, những người sẽ tách khỏi chính phủ và ủng hộ CNRP.
Ngoài ra họ cũng kêu gọi người dân, công nhân Campuchia làm việc ở nước ngoài tham gia cuộc biểu tình quần chúng với các cựu lãnh đạo và những người ủng hộ CNRP.
Huang cho biết Rainsy cũng đã đưa ra một tuyên bố công khai yêu cầu Nhà vua phải thoái vị.
“Kế hoạch của Sam Rainsy và đồng phạm là một âm mưu xấu xa mà luật định nghĩa là một cuộc tấn công hoặc đảo chính nhằm lật đổ Chính phủ Hoàng gia hợp pháp của Campuchia, đi chệch con đường dân chủ", Seng Huang nói.
Luật sư trong khi đó nói rằng các tuyên bố bị cáo đưa ra là một thông điệp chính trị và quyền tự do ngôn luận chính trị được bảo đảm bởi Hiến pháp và luật pháp quốc tế. Việc kêu gọi chỉ là kêu gọi, không có cuộc biểu tình hay tụ tập nào, hay bất kỳ thiệt hại nào đối với an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng trong nước.
Một thủ lĩnh đối lập khác, Kem Sokha, đang phải đối mặt với phiên tòa xét xử tội phản quốc đã bị trì hoãn kể từ tháng 3/2020.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/vi-sao-lanh-dao-doi-lap-campuchia-bi-ket-an-25-nam-tu-ar598811.html