Vì sao liên tiếp xảy ra nhiều vụ sạt lở, sụt lún ở Lâm Đồng?

Do mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tiếp tục xuất hiện hiện tượng đất đá bị ngậm nước bão hòa, liên kết yếu, khiến các khối địa chất bị trượt lở.

Thời gian qua, tại tỉnh Lâm Đồng liên tiếp xảy ra nhiều vụ sạt lở, sụt lún và ngập úng, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống người dân.

Sáng 29.7, mưa lớn kéo dài trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, nhất là tại các huyện Đạ Huoai, Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc. Đến thời điểm 15 giờ 30 ngày 30.7, tuyến Quốc lộ 20 đoạn qua đèo Bảo Lộc bị sạt lở nghiêm trọng. Hàng chục khối đất đá sạt lở, vùi lấp một phần Trạm Cảnh sát Giao thông đóng trên đèo Bảo Lộc.

Mưa lũ làm Quốc lộ 55 đoạn qua cống ngầm xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm bị ngập nặng khiến giao thông tạm thời bị chia cắt.

Đến khoảng 22 giờ ngày 30.7, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể của 3 nạn nhân bị vùi lấp tại Chốt Cảnh sát Giao thông trên Đèo Bảo Lộc. Lực lượng cứu hộ đang tiếp tục tìm kiếm một người dân tên Ngọc Anh, chiến sỹ nghĩa vụ mới ra quân.

Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã và đang tập trung huy động lực lượng, chỉ đạo các cơ quan liên quan thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình các nạn nhân bị thiệt hại khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống.

Hiện trường vụ sạt lở trên Đèo Bảo Lộc. Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN

Hiện trường vụ sạt lở trên Đèo Bảo Lộc. Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN

Trước đó, rạng sáng 29.6, một vụ sạt lở nghiêm trọng đã xảy ra tại hẻm 36, đường Hoàng Hoa Thám, phường 10, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Mưa lớn làm vỡ bờ kè bêtông từ trên cao, đất đá tràn xuống 4 ngôi nhà phía dưới trong khu vực.

Sạt lở xảy ra ở nhiều nơi khác trên địa bàn thành phố Đà Lạt. Tại địa bàn phường 3, sạt lở đã xảy ra ở đường Đặng Thái Thân, Đống Đa, Triệu Việt Vương, An Bình, Ba tháng Tư… với nhiều mức độ thiệt hại khác nhau khiến 3 căn nhà bị sập, một người bị thương và cây cối ngã đổ. Sạt lở đất xảy ra tại địa bàn phường 5 với mức độ nhẹ.

Ngày 18.6, mưa lớn đã gây ngập lụt, sạt lở nhiều nơi trên địa bàn thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng). Một căn nhà của một gia đình bị đất sạt lở vùi lấp khiến ông Nghiêm Đình Quang (40 tuổi, trú tại thôn Ánh Mai 1, xã Lộc Châu, thành phố Bảo Lộc) tử vong; bà Nguyễn Ngọc Lan (35 tuổi, vợ ông Quang) bị thương.

Vụ sạt lở còn vùi lấp, làm hư hỏng nhiều tài sản trong hai phòng kinh doanh karaoke của gia đình ông Trương Đặng, ngay sát gia đình ông Quang. Vụ sạt lở cũng làm ảnh hưởng đến khoảng 15 hộ dân trong khu vực, trong đó có 5 hộ bị uy hiếp nghiêm trọng khiến nhà cửa, tài sản có thể bị vùi lấp bất cứ lúc nào.

Cùng ngày, tại thôn 14 (xã Đam B’ri), mưa lớn đã gây ra vụ sạt lở nghiêm trọng bờ taluy của một hộ dân. Vụ sạt lở kéo theo hơn 40 mét đường vận hành D1 thuộc Nhà máy Thủy điện Đam B’ri bị sụt lún, chia cắt. Vụ sụt lún cũng khiến một trụ điện đường dây vận hành của Nhà máy Thủy điện Đam B’ri bị nghiêng và làm hệ thống cáp quang bị đứt.

Đánh giá về nguyên nhân sạt lở đất tiếp tục diễn ra tại nhiều địa phương trong đó có Lâm Đồng, các chuyên gia về phòng, chống thiên tai cho rằng do mưa lớn, nước làm phân rã tạm thời các mối liên kết của đất đá, rễ cây, thảm thực vật, hoặc nước ngầm. Hiện nay, đa số các vụ sạt lở đất là do con người khai thác rừng quá mức.

Theo Trưởng Phòng Dự báo thời tiết-Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng, cũng tương tự như các sạt lở trước, thời gian qua, đặc biệt là khoảng thời gian từ ngày 27 đến 13 giờ ngày 30.7, trên khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ trong đó có tỉnh Lâm Đồng có mưa to đến rất to. Lượng mưa phổ biến trên 120mm, một số trạm có lượng mưa lớn như đèo Bảo Lộc 371mm, Thủy điện Đa M'bri 345mm, Lộc Tân 337mm, Đa Huoai 298mm.

Do đó, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục xuất hiện hiện tượng đất đá bị ngậm nước bão hòa, liên kết yếu, khiến các khối địa chất bị trượt lở. Cùng với đó, mưa lớn kéo dài làm tăng lượng nước thấm vào khối đất, tăng mực nước ngầm trong khu vực bị sạt lở. Khu vực phát sinh sụt, nứt đất bất thường là nền đất mềm, yếu.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mưa to sẽ tiếp tục đến ngày 1.8, có nơi trên 170mm. Từ ngày 2-8.8, khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ tiếp tục có mưa rào, rải rác có dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sạt lở đất, sụt lún đất tại khu vực này.

Để thực hiện tốt công tác khắc phục hậu quả sạt lở đất ở đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) và ứng phó với mưa lớn ở Tây Nguyên, Nam Bộ, các bộ, ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương thực hiện nghiêm Công điện số 691/CĐ-TTg ngày 31.7 của Thủ tướng Chính phủ.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị tỉnh Lâm Đồng thực hiện nghiêm công văn số 286/VPTT, ngày 30.7 về việc ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa lớn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Phó Thủ tướng khảo sát hiện trường vụ sạt lở trên Đèo Bảo Lộc

Sáng 31.7, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dẫn đầu Đoàn công tác của Chính phủ đã có mặt tại hiện trường vụ sạt lở nghiêm trọng vùi lấp 4 người trên Đèo Bảo Lộc (thuộc Quốc lộ 20, đoạn qua huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng) để khảo sát và chỉ đạo công tác tìm kiếm nạn nhân, giải tỏa hiện trường nhằm sớm thông tuyến đèo này.

Tại hiện trường, Phó Thủ tướng đã nắm nhanh thông tin về vụ việc từ lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng tại thành phố Bảo Lộc. Ảnh: Nguyễn Dũng

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng tại thành phố Bảo Lộc. Ảnh: Nguyễn Dũng

Đến sáng 31.7, vẫn còn một nạn nhân mất tích, đang được lực lượng chức năng tích cực huy động nhân lực và phương tiện cơ giới tìm kiếm.

Các lực lượng tiếp tục dọn dẹp, san gạt đất đá để giải phóng hiện trường vụ sạt lở nhằm sớm thông tuyến Đèo Bảo Lộc, tuyến đường huyết mạch nối Lâm Đồng với các tỉnh Đông Nam Bộ.

Ngay sau khi khảo sát hiện trường, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã đến thăm hỏi, động viên gia đình Thượng úy Lê Ánh Sáng (33 tuổi, thành phố Bảo Lộc); chia buồn sâu sắc với sự mất mát của gia đình và các đồng đội của Thượng úy Sáng.

Tiếp đó, Phó Thủ tướng cùng Đoàn công tác có buổi làm việc nhanh với tỉnh Lâm Đồng về việc triển khai công tác cứu hộ, khắc phục hậu quả sạt lở và phòng, chống các vụ việc tương tự trong thời gian tới.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo về phương án khắc phục hậu quả và tìm kiếm nạn nhân còn lại, tỉnh Lâm Đồng phải thực hiện chu đáo và cẩn trọng, tránh trường hợp sự cố chồng sự cố như đã từng xảy ra ở các địa phương khác trong những năm qua.

Đồng thời, tỉnh cần xem xét lại phương án ứng phó sự cố phù hợp, đảm bảo vừa đủ nhân lực, vật lực để sớm khắc phục hậu quả vụ sạt lở, vừa chủ động phòng, chống sự cố tương tự, có nguy cơ xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

“Đối với các đồng chí hy sinh trong vụ sạt lở, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành liên quan hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để sớm cấp Bằng Tổ quốc Ghi công," Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết.

Tại buổi làm việc, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng thông tin trong 7 tháng đầu năm, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh diễn ra rất phức tạp, liên tục xảy ra các vụ sạt lở nghiêm trọng gây thiệt hại về người và tài sản của người dân.

Qua thống kê, trên địa bàn hiện nay vẫn còn 163 vị trí bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở đất nên địa phương tiếp tục rà soát, di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.

Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận khẳng định công tác khắc phục hậu quả vụ sạt lở trên Đèo Bảo Lộc đang được địa phương huy động tối đa lực lượng triển khai nhanh chóng để tìm kiếm người bị nạn cũng như đảm bảo lưu thông cho các phương tiện.

Tuy nhiên hiện nay, một số tuyến quốc lộ cửa ngõ trên địa bàn cũng xuất hiện điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao, ảnh hưởng đến việc lưu thông của người dân. Do đó, tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Phó Thủ tướng và các bộ, ngành quan tâm, hỗ trợ địa phương sớm hoàn thành các thủ tục để nhanh chóng triển khai tuyến cao tốc Dầu Giây-Liên Khương trong thời gian tới.

Theo nhận định của một số thành viên Đoàn công tác, trong vài ngày tới, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tiếp tục có mưa kéo dài nên địa phương cần chủ động các phương án ứng phó phù hợp.

Các lực lượng quân đội, công an trong khu vực luôn sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ tỉnh Lâm Đồng ứng phó với các sự cố tương tự.

Nguyễn Dũng

Thắng Trung

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/vi-sao-lien-tiep-xay-ra-nhieu-vu-sat-lo-sut-lun-o-lam-dong-40429.html