Vì sao loạt kênh VTV 'biến mất' trên một số nền tảng truyền hình?

Kênh VTV1 hiện vẫn được phát sóng trên nền tảng, bên cạnh các kênh VTV4, 5, 7, 8, 9, Cần Thơ.

Ngày 19-1, ghi nhận trên các nền tảng truyền hình FPT Play, TV360 và MyTV, các kênh VTV2, VTV3 của Đài Truyền hình Việt Nam không còn trong danh sách. Lý do được ba nền tảng trên đưa ra là chưa đạt được thỏa thuận với Đài Truyền hình Việt Nam.

VTV2 là kênh khoa học, công nghệ và giáo dục, còn VTV3 là kênh chuyên về thông tin giải trí. Việc không xem được hai kênh này xảy ra với cả tài khoản trả phí và miễn phí.

Kênh VTV1 hiện vẫn được phát sóng miễn phí, các kênh còn lại của VTV như 4, 5, 7, 8, 9, Cần Thơ cũng vẫn trong danh sách của các nền tảng.

Việc VTV2 và VTV3 biến mất trên ba nền tảng trên khiến một số người dùng phải tìm đến nền tảng khác để theo dõi chương trình. "Tôi mới đăng ký gói cước hơn 60.000 đồng trên FPT Play để xem chương trình giải trí nhưng bất ngờ hai kênh VTV2 và VTV3 không còn nữa, không biết bao giờ sẽ quay trở lại" - anh Tùng Nguyễn (TP HCM) phản ánh.

VTV2 và VTV3 hiện không còn trong danh sách kênh cơ bản trên nền tảng FPT Play

VTV2 và VTV3 hiện không còn trong danh sách kênh cơ bản trên nền tảng FPT Play

Theo ghi nhận, trên một số nền tảng khác như VieON, VTV Go, hai kênh VTV này vẫn hoạt động bình thường.

Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây cho thấy năm 2024, số lượng thuê bao truyền hình trả tiền đã tăng từ 18,3 triệu trong năm 2023 lên 21,2 triệu trong năm 2024, tương đương tăng 14%. Trong khi đó, thuê bao dịch vụ truyền hình qua internet (OTT) cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng từ 5,56 triệu lên 7,4 triệu, đạt mức tăng trưởng 33%.

Doanh thu dịch vụ (bao gồm thuế GTGT) ước tính đạt xấp xỉ 10.500 tỉ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước. Tính đến tháng 12-2024, có 36 doanh nghiệp được cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, trong đó có 22 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình OTT.

Theo đánh giá của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông, mặc dù số lượng thuê bao của cả hai loại dịch vụ này tăng trưởng mạnh, doanh thu của ngành truyền hình trả tiền lại chỉ tăng nhẹ.

Đặc biệt, doanh thu từ dịch vụ OTT đã có bước tăng trưởng rõ rệt, đạt gần 1.700 tỉ đồng, tăng 7% so với năm 2023.

Đây là một tín hiệu tích cực cho sự phát triển của ngành dịch vụ truyền hình qua internet, dẫu rằng mức độ tăng trưởng vẫn còn chưa tương đương với sự bùng nổ số lượng thuê bao.

Lê Tỉnh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/vi-sao-loat-kenh-vtv-bien-mat-tren-mot-so-nen-tang-truyen-hinh-196250119123842327.htm