Vì sao lựa chọn chất vấn Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư được ví như Tổng tham mưu về kinh tế của đất nước, thay mặt các Bộ trong khối kinh tế, để giúp Quốc hội giải đáp được thực trạng, xu hướng, bối cảnh tới đây...
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng là thành viên Chính phủ thứ tư trả lời chất vấn trong kỳ họp lần thứ hai, Quốc hội khóa XV diễn ra chiều nay (11/11).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lý giải việc lần này chọn chất vấn Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư trong số các trưởng ngành kinh tế. Ông Vương Đình Huệ cho biết, hai vấn đề mà đồng bào cử tri cả nước quan tâm là phòng chống dịch thế nào, tác động đến kinh tế xã hội ra sao. Bộ Kế hoạch và Đầu tư được ví như Tổng tham mưu về kinh tế của đất nước, thay mặt các Bộ trong khối kinh tế, để giúp Quốc hội giải đáp được thực trạng, xu hướng, bối cảnh tới đây, trong nước và quốc tế, kế sách nào để xây dựng chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch; vai trò của đầu tư công sắp tới cũng như lý do giải ngân chậm và giải pháp tháo gỡ...
Trao đổi trước phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ đang nghiên cứu, tham mưu Chính phủ xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội để trình Quốc hội tại kỳ họp tới.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ: Đây là vấn đề quan trọng, phức tạp của đất nước, tác động toàn diện tới nền kinh tế, đòi hỏi kết hợp thực tiễn trong ngoài và ngoài nước, phù hợp với mục tiêu phát triển, khả năng của đất nước. Ông mong nhận được ý kiến, đề xuất sâu sắc, tâm huyết, để tiếp tục hoàn thiện nội dung chương trình để trình cấp có thẩm quyển xem xét sớm.
Bộ trưởng KHĐT chia sẻ ngay từ đầu nhiệm kỳ, Bộ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công trung hạn, cơ cấu lại nền kế... Đây là những quyết sách quan trọng và là căn cứ để các cấp, ngành địa phương thực hiện trong thời gian tới.
Ông Dũng cho biết trước tác động của dịch Covid-19, ngay từ đầu năm 2020, Bộ đã chia sẻ, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, chuyên gia, các tổ chức quốc tế để tham mưu ban hành các chính sách chưa từng có tiền lệ, nhằm kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, giảm chi phí duy trì sản xuất và góp phần ổn định đời sống người dân khi dịch được kiểm soát.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định các chính sách đã ban hành nhằm kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh… hạn chế tác động đứt gãy của chuỗi cung ứng sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch, sớm khắc phục khó khăn, thách thức để thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 5 năm 2021-2025.
Đặc biệt, ông thông tin Bộ KHĐT đang nghiên cứu tham mưu Chính phủ xây dựng chương trình phục hồi phát triển kinh tế, xã hội để trình Quốc hội trong kỳ họp tới. “Đây là một vấn đề lớn, phức tạp, quan trọng của đất nước, tác động toàn bộ tới nền kinh tế”, ông Dũng nhấn mạnh.
Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 khoảng 6-6,5%
Chính phủ dự báo năm 2022 tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Dịch Covid-19 có thể xuất hiện phức tạp, nguy hiểm hơn.
Do vậy, tăng trưởng kinh tế thế giới không đồng đều, chưa vững chắc và thấp hơn năm 2021; rủi ro tiếp tục gia tăng.
Trong nước, kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên, nhưng sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút.
Nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn nếu không kiểm soát được dịch bệnh một cách cơ bản để mở cửa trở lại nền kinh tế; rủi ro lạm phát gia tăng; thiên tai, biến đổi khí hậu là nguy cơ luôn tiềm ẩn.
Do đó, Chính phủ trình Quốc hội 16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường. Trong đó, mục tiêu đạt tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6-6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách so với GDP khoảng 4%.
Dự kiến 4/12 chỉ tiêu Quốc hội giao không đạt
Trong báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Chính phủ ước thực hiện cả năm dự kiến đạt và vượt 8/12 chỉ tiêu chủ yếu đề ra. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng chỉ tăng bình quân 1,82%, cả năm ước tăng dưới mức Quốc hội giao.
Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Thu ngân sách 9 tháng đạt trên 80%, cả năm ước vượt dự toán, cơ bản bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh và các nhiệm vụ cấp bách khác; bội chi ngân sách trong phạm vi dự toán (4% GDP).
Tuy nhiên, Chính phủ dự kiến có 4/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu chưa đạt mục tiêu đề ra. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, tuy nhiên quý III giảm 6,17% do ảnh hưởng nghiêm trọng của đợt dịch bùng phát lần thứ tư nên tính chung 9 tháng GDP chỉ tăng 1,42%.
Các nhóm vấn đề chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bao gồm:
Giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh tình hình mới; các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Công tác chuẩn bị đầu tư, việc phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 và kế hoạch năm 2021; giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và các dự án trọng điểm quốc gia.
Tiến độ thực hiện các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/vi-sao-lua-chon-chat-van-bo-truong-khdt-nguyen-chi-dung-904375.vov