Vì sao lúc sinh thời Nữ hoàng Anh luôn mặc trang phục rực rỡ?
Nữ hoàng Anh Elizabeth II là một trong những biểu tượng thời trang của Anh. Nhớ về Nữ hoàng Anh, công chúng hình dung ngay tới những bộ trang phục sang trọng, quý phái với các tông màu rực rỡ.
Rạng sáng 9.9 (giờ Việt Nam), thông tin Nữ hoàng Anh Elizabeth II qua đời được công bố. Bà là người phụ nữ từng nắm giữ ngai vàng lâu nhất thế giới với 7 thập kỷ. Nữ hoàng Elizabeth II đã trở thành biểu tượng văn hóa không thể thay thế của Vương quốc Anh.
Trong suốt những năm tháng trị vì của mình, bà xuất hiện với những trang phục mang sắc màu ấn tượng từ vàng, đỏ hoa hồng, tím biếc, xanh neon… Bà sở hữu gu thời trang "độc nhất vô nhị", sang trọng nhưng không cứng nhắc, đơn giản mà vẫn rất hợp thời.
Nữ hoàng Anh đã thành công trong việc xây dựng hình tượng của riêng mình: một người phụ nữ nhỏ bé luôn đội mũ kiểu cách và xách túi đồng điệu cùng với trang phục rực rỡ màu sắc. Dù đứng từ xa, công chúng vẫn có thể nhận ra bà chỉ bằng những chi tiết này.
Trong bộ phim tài liệu "The Queen at 90" (Nữ hoàng tuổi 90), Công nương Sophie - người con dâu của nữ hoàng từng tiết lộ: "Nữ hoàng Elizabeth II cần phải nổi bật để người dân có thể thốt lên rằng: Nữ hoàng ở kia, tôi đã nhìn thấy nữ hoàng rồi. Mỗi khi bà xuất hiện ở đâu, công chúng đều sẽ phải ở một khoảng cách xa nhưng ai cũng đều muốn được thấy bà dù chỉ là một thoáng qua".
Bà Caroline de Guitaut, người phụ trách bộ sưu tập hiện vật của Hoàng gia Anh cũng từng khẳng định điều này: "Nữ hoàng luôn hiểu rằng bà cần phải nổi bật trong đám đông".
Người viết tiểu sử của nữ hoàng là Robert Hardman cho biết, Nữ hoàng Anh từng nói: “Tôi không bao giờ có thể mặc trang phục màu be vì sẽ không ai biết tôi là ai”.
Bà Sali Hughes, tác giả cuốn sách Nữ hoàng cầu vồng của chúng ta nói về gu thời trang của nữ hoàng. Bà cho biết, nữ hoàng sẵn sàng mặc đồ màu xanh lá cây khi màu đó khiến bà nổi bật, nhưng nếu bà tham dự một sự kiện ở một nơi nhiều cây cỏ, như một bữa tiệc trong vườn, thì bà sẽ không mặc đồ màu xanh lá cây vì như thế sẽ như là “ngụy trang” vậy.
Còn với Nữ hoàng Anh, dù chưa từng đưa ra bất kỳ phát ngôn chính thức nào về thời trang, nhưng bà từng nói: "I have to be seen to be believed" (tạm dịch: Tôi cần phải được nhìn thấy để được tin tưởng). Dù vậy, đây được xem là cách giải thích về gu thời trang nổi bật của mình từ lúc kế vị ngai vàng ở tuổi 25 đến khi bà qua đời ở tuổi 96.
Dù là người “ngoại đạo” trong giới thời trang, nhưng Nữ hoàng Anh Elizabeth II lại là người luôn khiến công chúng nhớ đến một nhà ngoại giao bằng thời trang - chính bằng những trang phục mang gam màu nổi bật phá cách. Bà đã chứng minh rằng, lựa chọn màu sắc trang phục không phụ thuộc vào tuổi tác, mà ai cũng có thể chọn những màu sắc để có thể khiến tâm trạng của mình tốt hơn và nổi bật hơn.
Dù là “kẻ ngoại đạo” trong thời trang, Nữ hoàng Anh còn là bậc thầy lão luyện trong việc sử dụng thời trang để ngoại giao. Bà hợp tác với các nhà thiết kế và thương hiệu nổi tiếng để tạo dựng mối quan hệ xuyên biên giới và sử dụng vị thế của mình để ủng hộ ngành công nghiệp thời trang của Anh quốc.
Khi bà lên ngôi Nữ hoàng Anh ở tuổi 25, một trong những chi tiết đáng nhớ nhất của lễ đăng quang chính là chiếc váy đầy uy quyền do nhà thiết kế Norman Hartnell thực hiện. Cố nhà thiết kế hàng đầu nước Anh này đã mất 9 tuần để thực hiện trang phục. Chiếc váy được thêu bằng sợi vàng và bạc trên nền lụa màu vàng nhạt có hình dáng cổ điển. Các họa tiết trên chiếc váy lịch sử chính là biểu tượng cho các quốc gia nằm trong Khối thịnh vượng chung như hình lá phong đại diện cho Canada; dương xỉ bạc tượng trưng cho New Zealand hay hoa sen đến từ Ấn Độ.
Ngoài trang phục thì túi xách và nón, khăn đều là những phụ kiện luôn xuất hiện cùng nữ hoàng mỗi khi xuất hiện trước đám đông. Với túi xách, bà chỉ sử dụng túi do một nhà sản xuất thực hiện từ năm 1968. Thực tế, túi xách không chỉ đơn giản là một phụ kiện thời trang mà còn là một cách giao tiếp ngầm giữa Nữ hoàng Anh và những người phục vụ bà.
Chuyên gia nghiên cứu lịch sử Hoàng gia Anh Hugo Vickers cho biết, Nữ hoàng Anh sử dụng túi xách để gửi đi những tín hiệu bí mật, bởi khi xuất hiện ở bên ngoài, nữ hoàng hiếm khi nói ra những yêu cầu của mình. Những người phục vụ bà sẽ quan sát những cử chỉ của bà để biết cần làm gì tiếp theo. Trong đó, cách nữ hoàng cầm túi xách là một mật hiệu quan trọng.
Ngoài ra, những chiếc mũ đội đầu hay khăn trùm đầu luôn là phụ kiện bất ly thân của Nữ hoàng Anh. Thậm chí, những chiếc nón còn được xem là biểu tượng của Hoàng gia Anh.
Tất cả các phục trang của nữ hoàng đều được gìn giữ cẩn thận. Hoàng gia Anh có ê kíp chuyên chăm sóc cho phục trang của nữ hoàng. Khi những phục trang không còn được nữ hoàng sử dụng nữa, người ta sẽ lưu giữ cẩn thận như những món kỷ vật về bà.
Sau khi Nữ hoàng Anh Elizabeth II qua đời, Hội đồng Thời trang Anh (BFC) đã cập nhật lịch trình của Tuần lễ thời trang London (London Fashion Weeks), kéo dài từ ngày 16 - 20.9. Theo đó, các buổi trình diễn vẫn sẽ được diễn ra bình thường nhưng những sự kiện như tiệc tùng và khai trương sẽ bị hủy bỏ. Ngoài ra, những show diễn ra vào ngày tang lễ (chưa được công bố) của Nữ hoàng cũng sẽ bị dời lại.