Vì sao mất nhiều năm mới tìm được một cá thể rùa Hoàn Kiếm?
Loài rùa quý hiếm nhất thế giới thường sống ở những vùng sông hồ rộng, có tập tính vô cùng bí ẩn, thích ngâm mình hàng giờ dưới nước sâu. Công nghệ gene môi trường cũng không thể giúp phát hiện loài ở những vùng nước rộng.
Chưa có bức ảnh rõ nét về rùa Hoàn Kiếm ở hồ Xuân Khanh
Năm 2003, Chương trình Bảo tồn rùa Châu Á bắt đầu tìm kiếm các cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô, các cán bộ thực địa được cử đi quan sát liên tục, hàng ngày nhằm tìm manh mối của loài rùa đang bên bờ tuyệt chủng này.
Tuy nhiên, phải mất 4 năm trời và hàng nghìn giờ quan sát, tháng 6/2007, các nhà bảo tồn mới chụp được bức ảnh đầu tiên về một cá thể rùa mai mềm khổng lồ trên hồ Đồng Mô, mở ra hy vọng tìm thấy rùa Hoàn Kiếm bên ngoài Hồ Gươm, cũng là cá thể rùa Hoàn Kiếm đầu tiên trong môi trường hoang dã được tìm thấy trên thế giới thời điểm đó.
Sự kiện vỡ đập Đồng Mô năm 2008 khiến rùa thoát ra bên ngoài, sau đó được cứu hộ thành công đã khẳng định chắc chắn sự tồn tại của loài rùa Hoàn Kiếm bên ngoài Hồ Gươm thời điểm đó.
Người dân ở địa phương sống quanh hồ Đồng Mô luôn tin rằng có ít nhất ba cá thể còn tồn tại trong hồ. Dù vậy theo Tim McCormack, điều phối viên Chương trình bảo tồn rùa Châu Á, suốt 9 năm sau đó, những bức ảnh chụp được từ hàng chục nghìn giờ quan sát cho thấy, chỉ có một cá thể duy nhất tồn tại trên hồ.
Phải đến năm 2018, khi trực tiếp quan sát thấy hai các thể rùa mai mềm khổng lồ cùng xuất hiện trên hồ, các nhà bảo tồn mới có cơ sở khẳng định về việc có hai cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô. Đến năm 2020, tức là gần 17 năm tìm kiếm, các nhà bảo tồn mới chụp được một bức ảnh có hai cá thể rùa mai mềm khổng lồ bơi song song. Dù vậy, việc xác nhận cá thể rùa thứ hai có phải rùa Hoàn Kiếm hay không cần chờ bẫy bắt, phân tích gene.
Với cá thể rùa Xuân Khanh, sự bí ẩn còn lớn hơn nhiều. Được phát hiện bằng công nghệ gene môi trường vào năm 2018, hơn 5 năm qua, các cán bộ bảo tồn thường xuyên túc trực trên hồ nhưng chưa có một bức ảnh rõ nét nào ghi nhận cá thể rùa này. “Đây là một cá thể vô cùng hoang dã và bí ẩn”, Tim McCormack chia sẻ và cho biết, các nhà bảo tồn vẫn cần thời gian và bằng chứng chắc chắn hơn để khẳng định sự tồn tại của cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Xuân Khanh.
Mở rộng tìm kiếm khắp miền Bắc và sang Lào
Chia sẻ sau cái chết của cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô, Tim McCormack cho biết, Chương trình bảo tồn rùa Châu Á sẽ tiếp tục tìm kiếm rùa Hoàn Kiếm ở miền Bắc Việt Nam, thậm chí có thể mở rộng tìm kiếm sang Lào, nơi các cuộc phỏng vấn với người dân địa phương cho thấy, loài rùa mai mềm lớn có thể xuất hiện ở một số sông hoặc hồ lớn.
Tuy nhiên, Tim cho rằng, đây sẽ là một hành trình dài và rất khó khăn khi loài rùa này có tập tính vô cùng bí ấn, rất khó phát hiện. Ngay cả kỹ thuật mới, chẳng hạn như kỹ thuật gene môi trường (giúp tìm kiếm thành công cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Xuân Khanh) cũng không thành công khi áp dụng ở các hồ lớn mà ATP đang tìm kiếm.
Tim cho biết, hành trình tìm kiếm thêm các cá thể rùa Hoàn Kiếm cần thêm rất nhiều nguồn lực và nhân viên để đưa mọi người ra thực địa trong thời gian dài. Ngay cả khi việc tìm kiếm thành công, việc bảo vệ, tạo môi trường sống sẽ rất quan trọng. Các cá thể rùa nếu tìm được cần được sống trong được bảo vệ, nơi các loài động vật có thể được tập hợp lại để sinh sản.
Đại diện ATP cho rằng, rất cần sự nỗ lực vào cuộc của chính quyền các địa phương để nâng cao nhận thức và bảo vệ các cá thể rùa nếu được tìm thấy. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh loài này đối mặt với mối đe dọa rất lớn từ hoạt động săn bắt cũng như các hoạt động phát triển kinh tế xã hội của con người.
Sau cái chết của rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô, thế giới chỉ còn ghi nhận chính thức hai cá thể, gồm một cá thể ở hồ Xuân Khanh (Hà Nội, Việt Nam) và một cá thể ở vườn thú Tô Châu (Trung Quốc). Việc bảo tồn và khôi phục loài rùa quý hiếm trở nên vô cùng khó khăn khi cá thể rùa ở hồ Xuân Khanh chưa biết giới tính trong khi cá thể rùa đực ở vườn thú Tô Châu được cho là quá già.