Vì sao máy lạnh ôtô có bộ lọc nhưng vẫn không nên nằm ngủ bên trong
Cho dù bật điều hòa ở chế độ lấy khí ngoài và mở cửa sổ, khi xe đứng yên nồng độ các khí gây ngộ độc vẫn sẽ tích tụ và gây ngạt.
Ngày 2/6, tại Hải Phòng, 3 bố con nổ máy ôtô trong gara để nằm ngủ tránh nóng do nhà mất điện, dẫn đến một người tử vong vì ngạt khí, 2 người còn lại trong tình trạng nguy kịch.
Nguyên nhân là xe đỗ trong gara kín, sau một thời gian động cơ ôtô đốt cháy oxy và thải ra CO và CO2, không gian có nồng độ các khí độc hại cao. Điều hòa xe lấy không khí này để vận hành, làm cho không khí trong ôtô chứa nhiều khí thải gây ngạt.
Khi bị ngạt khí, cơ thể người không có phản xạ, không có cảm giác đau đớn hay kích thích ở phổi hay hệ thần kinh và nạn nhân sẽ mất ý thức, hôn mê và tử vong, theo PGS.TS Trần Hồng Côn, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Công nghệ hóa học, khoa Hóa học, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Bộ lọc không khí không có tác dụng với khí gây ngạt
Bộ lọc HEPA lọc 99,97% các hạt có kích thước 0,3 micron, được thiết kế để loại bỏ các chất ô nhiễm PM2.5 khỏi không khí trong xe. Tuy nhiên bộ lọc này không loại bỏ các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi hoặc các chất ô nhiễm dạng khí khác như carbon monoxide, theo hãng thiết bị lọc không khí Molekule.
Tương tự, máy lọc không khí ion hóa sẽ loại bỏ các hạt ô nhiễm khỏi không khí, nhưng không có tác động đến khí hóa học từ khí thải xe hơi. Ngoài ra, loại máy này tạo ra ozone, là chất gây kích ứng phổi. Cơ quan Bảo vệ môi sinh Mỹ không khuyến nghị sử dụng các loại máy lọc không khí này hoặc bất kỳ máy lọc không khí nào tạo ra ozone.
Một dạng bộ lọc được thiết kế để loại bỏ các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi trong không khí là bộ lục sử dụng than hoạt tính hoặc các dạng carbon khác, theo Molekule. Tuy nhiên, bộ lọc này hoạt động bằng cách gắn các phân tử hóa chất gây ô nhiễm với các phân tử trong bộ lọc, giống như các chìa khóa lấp đầy các lỗ khóa.
Khi đã bị lấp kín, không còn vị trí để các phân tử gây ô nhiễm gắn vào, bộ lọc không còn tác dụng. Do đó, các bộ lọc carbon cần được thay thế thường xuyên. Các hóa chất gây ô nhiễm ghi đã gắn vào bộ lọc cũng có thể thoát ra và trở lại không khí, nếu thành phần của không khí thay đổi, ví dụ như khi cửa sổ mở và không khí trong lành đẩy các phân tử hóa chất khỏi bề mặt bộ lọc.
Không thể ngủ an toàn trong ôtô
Trong trường hợp này, nạn nhân bị ngạt do xe chạy điều hòa trong không gian kín, không lấy được không khí mới. Tuy nhiên, kể cả khi xe có thể lấy gió ngoài và mở cửa sổ, ngủ trong ôtô vẫn nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng, theo bác sĩ Babu Shershad từ First Medical Centre (Dubai).
“Đáng lo ngại nhất là hệ thống ống xả rò rỉ carbon monoxide hay CO ngược vào trong khoang lái", Shershad cho biết. Nồng độ CO trong khoang lái tăng sẽ làm cho máu của người ngồi trong xe mang nhiều CO hơn, dẫn đến sốc hoặc trong trường hợp nghiêm trọng là đột tử.
Ngay cả trong trường hợp ôtô có hệ thống điều hòa lấy khí ngoài hoạt động tốt, và có không gian mở để lấy khí, quá trình tuần hoàn này cũng không loại bỏ được toàn bộ khí độc trong cabin.
“Hít thở trong một không gian kín, ngay cả khi không khí lưu thông vào và ra khỏi xe, là không an toàn", Shershad nói, giải thích thêm rằng do hệ thống tuần hoàn không khí trong xe không đủ mạnh, một lượng không khí vẫn sẽ bị mắc kẹt trong khoang lái, làm nồng độ carbon monoxide tích tụ dần và nồng độ oxy giảm theo thời gian.
Kể cả khi bật điều hòa và để mở cửa sổ, xe cũng không được thông gió đủ. “Ngay cả khi mở cửa sổ, CO liên tục tích tụ ở mức thấp cuối cùng vẫn dẫn đến giảm lượng oxy trong máu, khiến người ngồi trong xe mất nước và chất lỏng trong cơ thể sau một thời gian", Shershad cho biết.
Trong cùng một không gian, điểm khác biệt giữa khi ngủ và khi lái xe thời gian dài là khi tỉnh táo, mọi người sẽ cảm nhận được nhiệt độ và sự ngột ngạt trong xe để tìm cách điều chỉnh, chẳng hạn như hé cửa sổ cho gió lùa vào, theo chuyên gia. Khi ngủ, mọi người thường không ý thức được những thay đổi này trong khi CO là khí gây ngạt không màu, không mùi.
“Tôi khuyên các tài xế nên nghỉ ngơi bằng cách ra khỏi xe khi lái xe trên một quãng đường dài, và tránh ngủ trong ôtô trừ trường hợp khẩn cấp", Shershad lưu ý.