Vì sao môn thi đấu SEA Games xáo trộn theo nước chủ nhà?
SEA Games 30 được tổ chức tại Philippines lập kỷ lục khi có tổng cộng 56 môn. Tuy nhiên, tại kỳ đại hội vào năm sau ở Việt Nam, số môn thi dự kiến còn 36.
Từ lâu, SEA Games được xem là giải đấu "ao làng" khi hầu hết quốc gia giành quyền đăng cai sẽ xếp ngôi nhất toàn đoàn. Nhiều môn Olympic bị gạt bỏ thẳng tay để thay vào đó là những môn có lợi cho nước chủ nhà.
Tại SEA Games 2019, Philippines thâu tóm 149 HCV và dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương, sau khi tổ chức số lượng môn thi nhiều nhất trong lịch sử các kỳ đại hội. Hai năm trước đó, trên đất Malaysia, Philippines giành được vỏn vẹn 24 HCV và đứng thứ 6 chung cuộc.
Theo Hiến chương và Quy tắc của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF), nước chủ nhà phải tổ chức tối thiểu 22 môn thể thao. Trong đó, 2 môn bắt buộc là điền kinh và thể thao dưới nước được xếp vào nhóm một, 14 môn tối thiểu trong chương trình thi đấu của Olympic và Asian Games nằm ở nhóm 2. Nhóm 3 có tối đa 8 môn thể thao đặc thù. Các môn ở nhóm 2 phải được ưu tiên.
Mỗi môn thể thao chiếm không quá 5% tổng số huy chương, ngoại trừ điền kinh, thể thao dưới nước và bắn súng. Để có thể được đưa vào thi đấu, mỗi nội dung của từng môn phải có tối thiểu 4 quốc gia tranh tài.
Nhiều quốc gia đăng cai đã "lách luật" khi tận dụng các môn thể thao nằm ở nhóm 2 và 3 để tăng khả năng tranh chấp huy chương. Hai kỳ SEA Games tại Philippines và Myanmar diễn ra với những điều phi lý, giống như "luật bất thành văn".
Tại SEA Games 30, Philippines đưa những môn thể thao lạ vào cuộc chơi khi "mời" được thêm 3 quốc gia khác đồng ý. Ở nội dung bóng nước của nữ chỉ có 3 đội tham gia. Đội chủ nhà Philippines toàn thua 2 trận, nhận 82 bàn thủng lưới vẫn giành HCĐ.
Khi Myanmar tổ chức kỳ đại hội năm 2013 với 37 môn thi đấu, có tới gần 15 môn đặc thù của khu vực. Một số môn ít người biết đến như chinlone, được nước chủ nhà mời tham dự, với thỏa thuận ngầm chia huy chương.
Năm đó, chủ nhà Myanmar còn loại bỏ luôn môn thể dục dụng cụ, môn Olympic cơ bản, ra khỏi chương trình thi đấu bởi nước chủ nhà không có hy vọng cạnh tranh huy chương. Điều này khiến tuyển thể dục dụng cụ Việt Nam đứng ngoài cuộc chơi, dù tại SEA Games 2011, thâu tóm 11 HCV trong tổng số 14 nội dung.
Cùng với số môn thi tăng lên, nước nhủ nhà cũng tăng số nội dung của từng môn hoặc loại bỏ những nội dung yếu thế. SEA Games 2011 trên đất Indonesia có tổng cộng 545 nội dung trao huy chương ở 44 môn. Myanmar thêm 11 nội dung cờ truyền thống vào bộ môn cờ vua nhằm giành HCV hay Malaysia cắt giảm nội dung toàn năng ở môn thể dục dụng cụ.
Căn bệnh thành tích là nguyên nhân chính dẫn đến việc tổ chức thêm nhiều môn thể thao đặc thù. Việt Nam từng bổ sung đá cầu, Thái Lan thêm muay hay Philippines có võ gậy. Tuy nhiên, Việt Nam và Thái Lan hay Singapore đang thoát dần ra khỏi mác "chủ nhà" để thâu tóm huy chương khi liên tục nằm trong top đầu mỗi kỳ đại hội.
SEA Games 2015 trên đất Singapore được coi là kỳ đại hội "trong sạch" và thành công nhất khi nước chủ nhà tổ chức 36 môn, chọn ra những môn nằm trong hệ thống Olympic hoặc theo chuẩn Asian Games. Năm đó, Singapore về thứ 2 chung cuộc với 84 HCV, kém đoàn dẫn đầu Thái Lan 11 HCV.
Kỳ SEA Games năm tới, chủ nhà Việt Nam dự kiến tổ chức 36 môn, với trọng tâm là các môn thể thao cơ bản của Olympic. Sau 19 năm, Việt Nam đang hướng tới SEA Games 31 với vị thế chủ nhà mới, khi luôn nằm trong top 3 toàn đoàn.