Vì sao mục sư tự xưng 'bá chủ vũ trụ' bị FBI truy nã gắt gao nhất

Cảnh sát Philippines hôm 8/9 bắt giữ mục sư xưng là 'đứa con được Chúa chỉ định', người bị Mỹ cáo buộc cầm đầu đường dây quốc tế về lạm dụng tình dục và buôn bán phụ nữ, trẻ em.

Apollo Carreon Quiboloy (74 tuổi) là người sáng lập tổ chức Nhà thờ Vương quốc Chúa Jesus (KOJC). Là một nhà truyền giáo về ngày tận thế, ông tuyên bố mình có hàng triệu tín đồ ở khoảng 200 quốc gia như Ukraine, Brazil hay Mỹ.

Thế nhưng, ông Quiboloy - người tự xưng danh là Chủ nhân của vũ trụ, hay Đứa con được Chúa chỉ định - đã bị bắt giữ hôm 8/9.

Ông Quiboloy nằm trong danh sách truy nã gắt gao nhất của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI). Mục sư này đang đối mặt với các cáo buộc chủ mưu đường dây buôn người và lạm dụng tình dục trẻ em tại Mỹ và chính quê hương Philippines. Trước đó, ông bị buộc tội hiếp dâm, trong đó có cả nạn nhân là trẻ vị thành niên. Thông qua luật sư, ông Quiboloy phủ nhận mọi cáo buộc.

Các công tố viên cho biết việc bắt giữ mục sư Quiboloy cũng liên quan tới khu phức hợp của nhà thờ, nơi bóc lột sức lao động và lừa đảo những người không có khả năng chi trả gánh nặng tài chính.

Ngoài ra, New York Times nhận định vụ việc của ông Quiboloy đã phơi bày một loạt rạn nứt trong Philippines: giữa nhóm đa số Công giáo La Mã và nhóm đạo Tin lành; giữa nhóm tinh hoa giàu có ở thủ đô và nhóm môi giới quyền lực vùng ngoại vi; và giữa tổng thống và phó tổng thống.

“Đứa con được Chúa chỉ định”

Ông Quiboloy bị nhóm chỉ trích gọi là Rasputin - người có khả năng khai thác các khối cử tri lớn mạnh để ủng hộ những chính trị gia mà ông ưa thích, khiến ông trở thành một “người lập vua” có thể quyết định ai sẽ nắm quyền. Các tín đồ gọi ông là hậu duệ của Chúa, người có thể “ngăn động đất” và cho rằng tầng lớp thượng lưu Philippines và Mỹ cố ý nhắm mục tiêu vào ông.

Năm 2021, Mỹ truy tố ông Quiboloy và các nhân viên nhà thờ khác hoạt động tại nước này về các tội danh âm mưu buôn bán tình dục bằng vũ lực, gian lận và ép buộc, buôn bán tình dục trẻ em và buôn lậu số tiền mặt khổng lồ. Bản cáo trạng dài 74 trang cáo buộc những bé gái chỉ mới 12 tuổi đã làm “trợ lý cá nhân” cho ông Quiboloy dưới danh nghĩa “mục sư”.

Các “mục sư”, gồm hai bé gái 14 và 15 tuổi, phải “trực ca đêm” với ông Quiboloy. Bản cáo trạng cho biết các nạn nhân phải viết cam kết cống hiến cả cuộc đời và cơ thể cho ông Quiboloy, với nguy cơ "bị nguyền rủa vĩnh viễn" nếu làm trái ý.

Những nữ trợ lý “mắc tội” bị đưa đến một khu đất ở ngoại ô thành phố Davao có tên “Núi Cầu nguyện”. Có người kể lại cô bị cạo trọc đầu, bị đánh bằng mái chèo gỗ và mặc quần áo màu cam như tù nhân.

Tuy nhiên, sau lệnh bắt giữ của Mỹ, ông Quiboloy vẫn tiếp tục truyền giáo từ trụ sở chính của nhà thờ tại thành phố Davao, miền nam Philippines, nơi các tín đồ KOJC gọi là New Jerusalem. Vào thời điểm đó, ông Rodrigo Duterte - cựu Tổng thống Philippines - gọi ông Quiboloy là cố vấn tinh thần và tin tưởng vào sự ủng hộ mạnh mẽ của mục sư cho thành công của các chiến dịch chính trị.

Khi ông Quiboloy chạy trốn, cựu tổng thống còn đảm nhận nhiệm vụ quản lý tài sản cho KOJC. Ông Duterte cũng cáo buộc người kế nhiệm Ferdinand Marcos Jr. biến Philippines thành một nhà nước thuộc về cảnh sát.

 Cảnh sát đột kích và khám xét trụ sở KOJC vào tháng 8, gây ra tình trạng bế tắc kéo dài hàng tuần. Ảnh: New York Times.

Cảnh sát đột kích và khám xét trụ sở KOJC vào tháng 8, gây ra tình trạng bế tắc kéo dài hàng tuần. Ảnh: New York Times.

 Tấm áp phích có hình ông Quiboloy và các cộng sự bên ngoài khu phức hợp của KOJC hồi tháng 8. Ảnh: New York Times.

Tấm áp phích có hình ông Quiboloy và các cộng sự bên ngoài khu phức hợp của KOJC hồi tháng 8. Ảnh: New York Times.

Gia đình Duterte theo chủ nghĩa dân túy, cứng rắn đối lập với tầng lớp chính trị mềm mỏng, giàu có và ủng hộ Mỹ, tiêu biểu là gia đình Marcos. Liên minh chính trị của hai gia đình vào năm 2022 đã rất khó xử ngay từ ngày đầu.

Hồi tháng 4, các thành viên Thượng viện Philippines thúc đẩy giam giữ ông Quiboloy vì không ra hầu tòa về cáo buộc buôn người và lạm dụng tình dục. Tháng 6, cảnh sát thực hiện lệnh bắt giữ nhưng không tìm thấy mục sư và những người liên quan trong khuôn viên KOJC. Ngày 24/8, khoảng 2.000 cảnh sát đã xuống tận nơi.

Ngày 1/9, tại lễ kỷ niệm 39 năm thành lập KOJC, Phó tổng thống Sara Duterte đã tới và thể hiện sự ủng hộ với ông Quiboloy. Cùng lúc, trang tin tức liên kết với nhà thờ chỉ trích gay gắt ông Marcos.

Khi được hỏi về tung tích ông Quiboloy, bà Duterte trả lời với một nụ cười: “Ông ấy đang ở trên thiên đường”.

Cuộc sống bên trong “New Jerusalem”

Khu phức hợp New Jerusalem ở thành phố Davao còn có một trường đại học, một trường luật, hãng hàng không và một cửa hàng nhượng quyền McDonald's có tên Waxi’s, cũng như kiểm soát một mạng lưới truyền thông.

Các tín đồ xem tin tức qua Sonshine Media Network International (SMNI), một đài phát thanh và truyền hình nổi tiếng do nhà thờ sở hữu phần lớn. Kênh Youtube của mạng lưới này đã bị đóng cửa vì những cáo buộc chống lại ông Quiboloy, và Hạ viện Philippines thông qua dự luật thu hồi nhượng quyền thương mại. Tuy nhiên, SMNI vẫn tiếp tục phát trực tuyến.

Trong khi đó, Sophia Argentine - giám đốc mua sắm của khu phức hợp - điều hành Waxi's. Bà Argentine là một trong số khoảng 2.000 tín đồ được gọi là "nhân viên" sống trong khu phức hợp và quyên góp tiền kiếm được cho nhà thờ.

Bà Argentine gia nhập KOJC từ 20 năm trước khi mới chỉ là sinh viên đại học, sau khi bị mẹ thuyết phục bởi bài thuyết giảng của ông Quiboloy. Nhà thờ sau đó tài trợ cho bà du học Nhật Bản, nhưng ông Quiboloy “rất lo lắng” khi bà phải ở một mình nên gọi bà về Philippines trước khi bà lấy được bằng đại học.

“Mọi thứ ở đây đều miễn phí”, người đàn bà không có lương lẫn tiền tiết kiệm chia sẻ.

Thế nhưng, khi mới đến sống tại khu nhà thờ, nhà thờ nghèo đến mức bà Argentine phải mua nông sản bị thải loại để nuôi sống lực lượng ngày càng đông đảo.

 Các thành viên tại nhà hàng thuộc sở hữu của KOJC ở thành phố Davao hồi tháng 8. Ảnh: New York Times.

Các thành viên tại nhà hàng thuộc sở hữu của KOJC ở thành phố Davao hồi tháng 8. Ảnh: New York Times.

Mỹ và Philippines cho biết KOJC ngày càng giàu có nhờ kêu gọi quyên góp từ những thành viên gần như không đủ khả năng chi trả và từ lao động cưỡng bức. Mẹ của bà Argentine, một bác sĩ nhãn khoa, đã bán tài sản và trao toàn bộ tiền tiết kiệm cho nhà thờ. Tại thành phố Davao, trẻ em lang thang trên phố, bán đồ trang sức và nộp tiền kiếm được cho KOJC.

Các công tố viên cho biết những tín đồ mỗi ngày cần nộp một số tiền nhất định. Tại Mỹ, nếu không đáp ứng được, họ bị nhốt trong phòng và không được cho ăn. Nhà thờ cũng sắp xếp kết hôn giả để đưa nhân lực vào Mỹ.

KOJC đặc biệt nổi tiếng trong cộng đồng lao động nước ngoài đông đảo của Philippines. Trên đường phố Singapore, Dubai, Los Angeles và nhiều nơi khác, họ gây quỹ cho Children's Joy Foundation để hỗ trợ trẻ em nghèo. Tuy nhiên, Mỹ cáo buộc ít nhất một chi nhánh của tổ chức này dùng tiền phục vụ lối sống xa hoa của ông Quiboloy và nhiều thành viên khác trong nhà thờ.

Không chỉ đi máy bay tư nhân, ông Quiboloy còn từng tổ chức sinh nhật tại khách sạn Shangri-La ở Hongkong (Trung Quốc). Cựu tín đồ kể lại ông đặc biệt thích chọn mục sư trẻ tuổi từ Ukraine vì “làn da trắng và đẹp”.

Trong phiên điều trần tại Thượng viện Philippines, các cựu tín đồ cáo buộc nhà thờ và ông Quiboloy bóc lột lao động và lạm dụng tình dục. Hai người Ukraine cho biết bị ông Quiboloy cưỡng hiếp khi còn là mục sư. Một phụ nữ Philippines nói ông Quiboloy đã cưỡng hiếp khi cô còn là trẻ vị thành niên.

Bà Argentine từng làm mục sư một thời gian, nhưng phủ nhận phải “phục vụ” ông Quiboloy. Bà nói nhà thờ có chuẩn mực đạo đức và bảo thủ, cấm phụ nữ ăn mặc hở hang. Ngoài ra, ông Quiboloy phải ký phê duyệt nếu nhân viên trong khu phức hợp muốn kết hôn.

Michael Jay Green - luật sư người Mỹ và cố vấn toàn cầu cho KOJC - bác bỏ mọi hành vi sai trái của nhà thờ.

Niềm tin vào "người bạn thân" Duterte

Khi giới chức bắt đầu truy lùng người đứng đầu, các thành viên KOJC hy vọng phe phái chính trị của ông Duterte sẽ cứu nhà thờ và “người con được Chúa chỉ định”. Một số cảnh sát cho biết họ trung thành với ông Duterte, chứ không phải với giới lãnh đạo ở thủ đô Manila.

Ông Green cho biết ông Quiboloy và ông Duterte là “những người bạn rất, rất thân thiết”: “Tổng thống Duterte nghiêm túc và tuân thủ pháp luật như mọi người dân Philippines. Thế nên liệu ông ý có chấp nhận một mục sư xâm hại trẻ em không?”.

Bà Argentine cho biết khi ông Duterte, lúc đó là thị trưởng Davao, đang tranh cử tổng thống, khu phức hợp đã cho ông “đi các chuyến bay không giới hạn” trên trực thăng Apollo Air vì ông không có tiền.

Lực lượng an ninh khẳng định mục sư đã ẩn mình trong một hầm ngầm bên dưới New Jerusalem. Suốt nhiều ngày, đại diện của KOJC nói ông Quiboloy không có mặt tại khu phức hợp, và dù ông có xuất hiện, nhà thờ sẽ không giao nộp trừ khi Bộ Tư pháp Philippines cam kết không dẫn độ ông sang Mỹ. Chính phủ Philippines đã bác bỏ yêu cầu này.

Và những tín đồ vẫn một mực giữ vững niềm tin vào mục sư của họ. Bà Argentine thậm chí ban đầu còn tin rằng ông Quiboloy có thể thoát khỏi sự truy đuổi của cảnh sát, bởi “mục sư có thể đi xuyên qua các bức tường”.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/vi-sao-muc-su-tu-xung-ba-chu-vu-tru-bi-fbi-truy-na-gat-gao-nhat-post1496766.html