Vì sao Mulholland Drive vẫn vĩ đại sau 20 năm?
'Chẳng ai trong số chúng tôi hiểu được bộ phim nói về cái gì. Ai mà nói họ hiểu thì nhất định là đang nói xạo.' Đó có lẽ là lời nhận định nổi tiếng nhất về 'Mulholland Drive', bộ phim điện ảnh tròn 20 tuổi vào năm nay của quái kiệt David Lynch, bộ phim được Hãng thông tấn BBC, tờ Indiewire và tạp chí Film Comment đồng lòng xếp ở vị trí số 1 trong số những tác phẩm cine hay nhất thế kỷ 21.
Không hiểu gì cũng không sao hết, bởi nam chính của bộ phim, Justin Theroux tiết lộ rằng đến David Lynch còn chẳng hiểu hết đường dây câu chuyện phức tạp này. "Giống như bạn đang lên một chiếc thang cuốn để đi vào những đám mây", Theroux nhớ lại cảm giác khi đóng bộ phim khác thường này.
Áp phích phim “Mulholland Drive”.
Giống như rất nhiều những tác phẩm vĩ đại trên đời, “Mulholland Drive” có một số phận kỳ lạ và suýt chút nữa đã không thể ra đời. Lynch làm nó ra đầu tiên theo lời đề nghị thực hiện một tác phẩm truyền hình cho kênh ABC, nhưng khi ông chiếu thử tập mở đầu cho các nhà sản xuất, họ đã chẳng ngần ngừ xếp xó dự án.
Chuyện kể rằng lý do bộ phim bị loại bỏ là bởi nhà sản xuất đã xem nó vào lúc 6 giờ sáng trong khi nhâm nhi cafe, và bộ phim này thì nhất định không được sinh ra cho thời khắc ấy. Đó là một bộ phim của bóng đêm, một bộ phim mà ta không nên xem vào lúc tỉnh táo, mà phải xem vào lúc lơ mơ nhất, vào lúc chập chờn giữa tỉnh và thức, thật và mơ, bởi toàn bộ tác phẩm này cũng hệt như một chuỗi những giấc mơ.
Câu chuyện được giới thiệu bằng vỏn vẹn mấy từ: "Một chuyện tình trong thành phố mộng mơ". Và trong phim, quả nhiên có một thành phố mộng mơ: Los Angeles. Nhưng không, bạn sẽ chẳng tìm thấy ở đây chuyện tình lãng mạn nào kiểu như trong “Pretty Women” hay ‘Grease”, những bộ phim cũng lấy bối cảnh Los Angeles. “Mulholland Drive” mở đầu bằng một màn trình diễn nhạc kịch có phần siêu thực, rồi đột ngột chuyển sang một con đường tối đen - đường Mulholland - nơi diễn ra một vụ tai nạn xe hơi. Một cô gái bị mất trí nhớ sau vụ tai nạn, lò dò trong đêm, lang thang xuống tận Los Angeles, lẻn vào được một căn phòng cho thuê của bà Ruth, và bất chợt thấy tấm áp phích của nữ minh tinh Rita Hayworth nên tự gọi mình là Rita. Ngày hôm sau, Betty Elms, cháu gái bà Ruth, một cô gái với giấc mộng thành danh ở Hollywood cũng tới đó ở và ngỏ ý giúp Rita nhớ lại mọi sự. Bên cạnh họ còn những nhân vật khác: một anh chàng đạo diễn trải qua một ngày kỳ lạ khi bị yêu cầu phải chọn đúng một cô diễn viên vô danh cho vai chính trong bộ phim của mình; hai người đàn ông ngồi trong quán cafe và một trong số họ nói anh đã nằm mơ thấy một con quái thú, thế rồi con quái thú ấy xuất hiện thật; một gã cao bồi xuất hiện trong những tình huống quái đản.
Nhân vật vị cao bồi xuất hiện chớp nhoáng và biến mất chớp nhoáng là một trong những câu đố không bao giờ được giải đáp của bộ phim.
Công việc lý giải “Mulholland Drive” không chỉ thu hút những khán giả phim ảnh, những nhà phê bình phim, mà còn thu hút cả các triết gia đương đại hay những nhà nghiên cứu về giấc mơ cùng nhau đào xới. Đạo diễn của nó thì góp vui bằng cách đưa vào bản phim DVD gốc 10 manh mối gợi ý để mở khóa bộ phim. Nhưng nói đúng như Roger Ebert, nhà phê bình phim từng giành giải thưởng Pulitzer, thì "chẳng có lời giải thích nào cả, có lẽ còn chẳng có bí ẩn nào nữa".
“Mulholland Drive” đã tồn tại theo cách mà “Vertigo” hay “Citizen Kane”, những tác phẩm điện ảnh hay nhất mọi thời đã và đang tồn tại: tồn tại như một câu đố. Khi “Mulholland Drive” không nhận được đề cử Oscar nào chỉ trừ một đề cử cho đạo diễn David Lynch, người ta chẹp miệng với nhau rằng bộ phim này quá hay để giành giải Oscar. Và nếu so sánh với bộ phim năm đó giành giải phim hay nhất, “A Beautiful Mind”, ngày nay còn bao nhiêu người xem lại bộ phim ấy? A Beautiful Mind không phải một bộ phim dở, nó sẽ khiến bạn xúc động sâu sắc, có thể khiến bạn rưng rưng nước mắt trước cuộc đời đầy bi kịch của nhà kinh tế học lỗi lạc John Nash, nhưng rốt cuộc đó là bộ phim chỉ để xem một lần. Nói thẳng toẹt ra, những điều nó muốn nói, bạn không cần phải nghĩ vì nó đã nghĩ thay cho bạn, trong khi những bộ phim vĩ đại thì thường làm ra vẻ phô bày rất nhiều, song thực sự thì chúng vô cùng kín miệng.
Với “Vertigo”, sau hơn 60 năm, người ta vẫn tranh luận với nhau rằng liệu thanh tra cảnh sát Scottie có tự sát sau khi Madeleine ngã xuống từ tòa tháp, hay có phải toàn bộ “Vertigo” là trí tưởng tượng của Scottie khi anh đang lơ lửng trên cao trong cuộc rượt bắt tội phạm ở đoạn đầu phim? Còn với “Citizen Kane”, mãi mãi chúng ta cũng như anh chàng phóng viên Jerry Thompson, không bao giờ hiểu được "Rosebud" thực sự có ý nghĩa gì. Với “Mulholland Drive” cũng thế, chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết chính xác Rita là ai, Betty là ai, vị cao bồi là ai, họ đang sống trong giấc mơ của người nào, và họ đang làm gì.
Có người cho rằng bộ phim tựa như lễ tình nhân tẩm độc dành cho Hollywood. Nó cười giễu kinh đô điện ảnh như ảo ảnh lừa mị những cô gái ngây thơ và những chàng trai ôm mộng vinh quang. Thực tế, nơi đây là một cơn ác mộng, với kẻ làm chủ là những gã bụng béo độc đoán mang gương mặt méo xẹo. Cảnh một tay nhà sản xuất uống ly espresso ngon nhất Los Angeles rồi nhè hết cafe ra chiếc khăn ăn, trở thành trò "đá xoáy" cực hạn mà David Lynch dành cho Hollywood thanh lịch hào hoa, và cách mà Betty đi tìm kiếm cơ hội thành diễn viên nổi tiếng nhưng đồng thời cũng tìm thấy một cô nàng mất trí nhớ và một xác chết ruồi bâu đang phân hủy như muốn nói rằng những góc khuất của Hollywood đều mục rữa. Chính cái tên của bộ phim cũng nói lên điều đó. Ngoài đời, đường Mulholland nằm gần nhà của David Lynch, và chính ông kể rằng, sống ở đó, "ban đêm, bạn cảm thấy mình ở trên đỉnh thế giới. Ban ngày, bạn cũng thấy thế, nhưng có gì bí ẩn, có gì đó hơi đáng sợ khi nó nằm ở một góc hẻo lánh". Cũng có người cho rằng bộ phim là một màn ảo thuật giấc mơ. Betty thực ra chỉ là một nhân dạng của Diane Selwyn, một người phụ nữ bại trận, và cô nằm trên giường mơ về một cuộc đời khác tươi mới.
Song dù là cách lý giải nào, thì cũng còn vô số những tình tiết để hổng, những nhân vật xuất hiện rồi biến mất không dấu vết, những đoạn thắt nút bỏ ngỏ, những tuyến truyện dở dang, những chi tiết cài cắm được lặp đi lặp lại mà ta không biết có vai trò gì, và tất nhiên, cả cái kết như một cú bẻ lái bất ngờ đưa ta xuyên thẳng vào một thế giới không biết đến từ đâu. David Lynch như một ảo thuật gia, và cả bộ phim là một trò ảo thuật trêu ngươi mà ta vừa muốn hiểu, lại vừa không nỡ hiểu.
Những bộ phim như thế khiến cho ta nhớ đến chỉ dẫn của nhà làm phim Robert Bresson dành cho khán giả khi xem phim, đó là "cảm nó trước khi hiểu nó. Ta nên tin những cảm xúc của mình vì chúng không nói dối. Trí thông minh chỉ làm gây phiền nhiễu sự nhìn nhận đúng đắn mà thôi." Thay vì cố gắng tìm ra một mạch logic của “Mulholland Drive”, người ta có thể chỉ đơn thuần là chìm đắm vào từng cảnh phim riêng biệt.
Chẳng hạn như cảnh phim được nhớ đến nhiều nhất trong bộ phim này, khi hai nhân vật nữ chính bước vào trong một rạp hát mang tên Club Silencio, một người đàn ông đứng trên sân khấu nói rằng chẳng có ban nhạc nào cả, mọi thứ chỉ là ảo ảnh, tiếp đó một nữ diva cất giọng hát bản Crying của Roy Orbinson bằng tiếng Tây Ban Nha, đến giữa bài, cô gục xuống, nhưng tiếng hát từ đâu đó vẫn vang vọng. Dù biết rằng tất cả đều không có thực, nhưng hai nhân vật chính vẫn khóc nức nở khi nghe tiếng hát tuyệt đẹp của nữ diva. Và đó chẳng phải chính là sức mạnh cốt lõi của mọi tác phẩm nghệ thuật trên đời này? Ta biết chúng không có thật, ta biết chúng là sản phẩm của sự sáng tạo, nhưng bằng cách nào đó, ta vẫn có thể òa khóc vì chúng. Không ai diễn đạt được cảm xúc ngây ngất ấy hơn David Lynch trong cảnh phim quá đỗi lạ lùng này. Cũng như thế, có thể sau 20 năm nữa ta cũng chẳng hiểu nổi Lynch đã nghĩ ra bộ phim “Mulholland Drive” với mục đích gì, nhưng ta vẫn cứ không thôi gán ghép ý nghĩa cho chúng.
Khi một tác phẩm cho phép người xem trở thành người tạo nghĩa, thì tác phẩm ấy trở thành nghệ thuật.