Vì sao Mỹ bất ngờ leo thang căng thẳng thương mại với một loạt đồng minh?
Giới quan sát nhận định rằng nguyên nhân sâu xa dẫn tới cảnh báo áp thuế quan mới của ông Trump có thể nằm ở hệ quả chính trị ở Mỹ từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, trong khi cam kết vực dậy ngành công nghiệp của Tổng thống Trump chưa được hiện thực hóa.
Ông Trump bất ngờ mở mặt trận thương chiến mới
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 2/12 thông báo các kế hoạch tái áp đặt thuế quan lên thép và nhôm từ Brazil và Argentina, mở một mặt trận mới trong cuộc chiến thương mại toàn cầu. Viết dòng trạng thái (tweet) đăng trên trang Twitter ngày 2/12, ông Trump tuyên bố việc áp thuế "có hiệu lực ngay lập tức" này là cần thiết vì "Brazil và Argentina mạnh tay phá giá đồng tiền của họ. Điều này không tốt cho những người nông dân của chúng ta". Ông Trump lần đầu tuyên bố áp thuế quan lên thép và nhôm từ Brazil và Argentina vào tháng 3/2018, nhưng lệnh áp thuế đó không được thực thi nhờ biện pháp miễn trừ mà ông dành cho Brasilia và Buenos Aires sau đó.
Trong khi đó, cùng ngày Reuters đưa tin Mỹ có thể sẽ đánh thuế trừng phạt lên tới 100% đối với 2,4 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Pháp sau khi kết luận thuế kỹ thuật số mới của Pháp sẽ gây hại cho các công ty công nghệ Mỹ. Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho biết cuộc điều tra "Khoản 301" cho thấy thuế của Pháp là không phù hợp với các nguyên tắc phổ biến của chính sách thuế quốc tế và gây gánh nặng bất thường cho các công ty bị ảnh hưởng của Mỹ, bao gồm Google, Facebook Inc, Apple Inc và Amazon.com Inc.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cũng nói rằng sẽ xem xét tăng thuế đối với các sản phẩm từ Liên minh châu Âu (EU) do tranh chấp liên quan đến vấn đề trợ cấp cho hãng máy bay Airbus. Hai bên đã bế tắc trong một vụ kiện lên WTO khi Mỹ cho rằng châu Âu trợ cấp cho tập đoàn Airbus còn EU cáo buộc Washington ưu tiên tập đoàn sản xuất máy bay Boeing.
Các đời tổng thống Mỹ trước đây xem lãnh đạo châu Âu là đồng minh kinh tế thân thiết, song chính quyền ông Trump có cách tiếp cận cứng rắn hơn. Tổng thống Trump cáo buộc châu Âu thao túng tiền tệ và các điều khoản thương mại để xuất siêu sang Mỹ. Ông chủ Nhà Trắng cảnh báo áp nhiều loại thuế để chặn hàng hóa châu Âu khỏi thị trường Mỹ.
Đằng sau những cảnh báo tung “đòn” thuế mới
Giới chức hai nước bị "sốc" vì quyết định này của ông chủ Nhà Trắng và đang cố gắng đi tìm câu trả lời. Tổng thống Jair Bolsonaro của Brazil, nhà lãnh đạo muốn thắt chặt quan hệ với Mỹ, cho biết sẽ gọi điện cho ông Trump để trao đổi về vấn đề này. "Tôi không cho đây là một sự trả đũa", ông Bolsonaro nói với đài phát thanh Itatiaia. "Tôi sẽ gọi cho ông ấy để ông ấy không áp thuế lên chúng tôi. Tôi tin chắc ông ấy sẽ lắng nghe".
Động thái leo thang căng thẳng mới nhất với một loạt các nước đồng minh diễn ra giữa lúc Ông chủ Nhà Trắng đang tìm cách giải quyết các tranh chấp thương mại khác trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.
Các nhà phân tích cho rằng nguyên nhân sâu xa dẫn tới quyết định của ông Trump có thể nằm ở hệ quả chính trị ở Mỹ từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài, hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ phiên bản mới (NAFTA 2.0) chưa được Quốc hội bỏ phiếu thông qua, trong khi lĩnh vực sản xuất của Mỹ rơi vào suy thoái. Theo công bố ngày 2/12 của Viện Quản lý Cung ứng (Mỹ), hoạt động sản xuất chế tạo tại Mỹ trong tháng 11 tiếp tục trượt dốc và ghi nhận tháng sụt giảm thứ 4 liên tiếp.
Tổng thống Trump đang cố gắng hoàn tất thỏa thuận thương mại sơ bộ với Bắc Kinh để giảm thuế đối với hàng hóa Trung Quốc nhằm đổi lấy việc nước này tăng mua các loại nông sản của Mỹ. Nông dân Mỹ là một lực lượng cử tri quan trọng đối với khả năng tái đắc cử Tổng thống Mỹ của ông Trump trong cuộc bầu cử 2020. Tuy nhiên, cuộc tranh chấp thương mại giữa Washington và Bắc Kinh khiến nông dân Mỹ chịu ảnh hưởng nặng nề khi Trung Quốc áp thuế trả đũa đối với nông sản Mỹ, gồm đậu nành, ngô và lúa mì.
Chính quyền ông Trump gần đây đã đạt một thỏa thuận thương mại mới với Nhật Bản, mở ra cơ hội tiếp cận thị trường cho các chủ trang trại và nông dân Mỹ. Song một số nhà phân tích cho rằng thỏa thuận này cũng không có nhiều lợi ích cho Mỹ so với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, mà ông Trump đã rút ngay sau khi nhậm chức.
Hiện vẫn chưa chắc chắn thời điểm mà Mỹ có thể đạt được thỏa thuận thương mại sơ bộ với Trung Quốc. Các vòng đàm phán thương mại giữa Bắc Kinh với Bắc Kinh đã được tiến hành trong hơn một năm qua song vẫn chưa đi đến kết quả cuối cùng. Hồi tháng 10, ông Trump thông báo hai nước gần đạt được thỏa thuận "giai đoạn một" có thể làm giảm căng thẳng thương mại, nhưng sẽ không đạt được một thỏa thuận toàn diện.
Cố vấn Tổng thống Mỹ, bà Kellyanne Conway hôm 2/12 nói rằng việc đạt được thỏa thuận thương mại sẽ "tùy thuộc vào Trung Quốc" có muốn thực hiện nó trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 hay không.
Tuy nhiên, Phil Levy, nhà kinh tế trưởng tại công ty giao nhận vận tải hàng hóa Flexport, người từng là nhà kinh tế cấp cao về thương mại dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush, cho rằng mối đe dọa thuế quan mới đối với Brazil và Argentina có thể ảnh hưởng đến khả năng hoàn tất thỏa thuận toàn diện với Trung Quốc./.