Vì sao Mỹ chi 1,2 tỷ USD để đặt mua thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir?
Trong hoàn cảnh cả thế giới khan hiếm thuốc điều trị Covid-19, từ vài tháng trước, Mỹ đã duyệt chi 1,2 tỷ USD để mua 1,7 triệu liệu trình thuốc Molnupiravir dù thuốc vẫn đang trong quá trình thử nghiệm giai đoạn 3.
Mỹ chi 1,2 tỷ USD để đặt mua 1,7 triệu liều
Khi dịch Covid-19 bùng phát gây hậu quả nghiêm trong tại Mỹ, Chính phủ nước này đã chi nhiều tỷ USD cho việc phát triển vaccine phòng bệnh cũng như nghiên cứu sản xuất thuốc kháng virus.
Theo đó, năm ngoái, Mỹ chi hơn 18 tỷ USD tài trợ các công ty nghiên cứu vaccine Covid-19, thu lại 5 loại vắc xin hiệu quả cao trong thời gian kỷ lục. Hiện Chính phủ nước này cũng đã rót hơn 3 tỷ USD cho lĩnh vực phát triển thuốc uống để điều trị bệnh nhân trong giai đoạn đầu.
Trong một chương trình có tên gọi Chiến lược Phát triển chống Covid-19, được Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh công bố hôm 17/6 vừa qua, chính phủ Mỹ đưa ra mục tiêu là đẩy nhanh quá trình thử nghiệm lâm sàng của một số loại thuốc triển vọng. Nếu mọi việc suôn sẻ, loại thuốc đầu tiên sẽ ra mắt cuối năm nay. Loại thuốc này có tên Molnupiravir. Trước đó, tháng 10/2020, Cục thực phẩm và dược phẩm (FDA) đã cấp phép khẩn cấp để đưa thuốc Remdesivir vào điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng. Đây là loại thuốc điều trị Covid-19 được cấp phép đầu tiên tại nước này.
Về thuốc Molnupiravir, tháng 4/2020, thử nghiệm lâm sàng đối với Molnupiravir bắt đầu. Tháng 5/2020, công ty dược Merck (Mỹ) đã kí hợp đồng mua lại hoạt chất Molnupiravir từ công ty Rigibel, (Đức) và bắt đầu thử nghiệm lâm sàng trên quy mô lớn. Thuốc Molnupiravir đã hoàn tất 2 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, đạt hiệu quả 100% đối với tất cả bệnh nhân Covid-19. Sau 5 ngày, tải lượng virus của các bệnh nhân này xuống thấp đến ngưỡng không lây lan. Hiện nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đối với 1.850 bệnh nhân trên toàn cầu sử dụng thuốc Molnupiravir sắp hoàn tất và dự kiến kết quả sẽ được công bố ngay sau đó. Nếu thành công, Merck sẽ xin cấp phép sử dụng khẩn cấp và đưa ra thị trường loại thuốc này trong 2-3 tháng tới.
Trước kết quả “rất hứa hẹn” như trên, Merck đã đạt được thỏa thuận cung cấp thuốc Molnupiravir cho chính phủ. Theo hợp đồng, nếu Molnupiravir được cấp phép sử dụng khẩn cấp (EUA) hoặc được cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) cấp phép lưu hành, Merck sẽ nhận được 1,2 tỷ USD để cung ứng 1,7 triệu liều Molnupiravir (tương đương 700 USD/ liệu trình) cho Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ.
Thuốc rất ít tác dụng phụ
Merck đang đầu tư mở rộng quy mô sản xuất Molnupiravir với sản lượng dự kiến 100 triệu viên, đủ để điều trị cho 10 triệu người vào cuối năm 2021. Merck còn kì vọng dùng thuốc Molnupiravir như thuốc điều trị dự phòng được uống sau khi phơi nhiễm. Hiện Merck cũng hợp tác với Ấn Độ thử nghiệm lâm sàng Molnupiravir.
Theo New York Times, Molnupiravir được nghiên cứu dựa trên thuốc gốc chống lại virus cúm, có tác dụng ức chế sự sao chép của các virus RNA, trong đó có SARS-CoV-2, khiến virus không nhân lên và bị đào thải rất nhanh, giúp bệnh nhân khỏi bệnh. Đặc biệt, thuốc có rất ít tác dụng phụ. Đây là loại thuốc dễ dàng được sử dụng qua đường uống, dùng điều trị giai đoạn đầu của bệnh.
Thuốc Molnupiravir dành cho người mắc Covid-19 có triệu chứng nhẹ: sốt ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ thể, tê lưỡi, nhịp thở dưới 20 lần/phút, SpO2 trên 96% khí thở trời và không có các dấu hiệu viêm phổi hoặc thiếu oxy.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế cũng đã đưa Molnupiravir vào phác đồ điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19. Theo PGS- TS Tăng Chí Thượng- Giám đốc Sở Y tế TP HCM, Molnupiravir là thuốc kháng vi rút thực sự, làm giảm sự tồn tại của vi rút trong người bệnh nhân ngắn lại.