Giới chức quân sự Mỹ lo sợ rơi vào tình thế tự làm xấu mặt mình khi cung cấp hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine. Các nhà phân tích của ấn phẩm Military Watch (MW) đã đưa ra nhận định nói trên.
Mới đây xuất hiện thông tin cho biết, Lầu Năm Góc đang xem xét gửi một trong những hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot tối tân của mình tới Ukraine, vũ khí trên được rút ra từ chính thành phần tác chiến của họ.
Trước diễn biến trên, tờ MW lưu ý rằng điều này sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm làm leo thang căng thẳng giữa Nga và NATO. Đồng thời câu hỏi lớn đặt ra là liệu hệ thống phòng không này có phát huy hiệu quả trong cuộc chiến chống lại các tên lửa hiện đại của Nga?
Các nhà phân tích đã so sánh hệ thống Patriot với tổ hợp S-300 hiện đang được quân đội Ukraine sử dụng. Được biết nhiều khẩu đội S-300 đã bị phá hủy, và giờ đây những hệ thống cuối cùng còn sót lại của thời Xô Viết từ khắp Đông Âu đang đến Ukraine.
“Mặc dù đây là các biến thể cũ hơn của S-300, nhưng Patriot nhiều khả năng sẽ không tốt hơn đáng kể vì hiệu suất của nó còn nhiều điều chưa đạt tới sự mong muốn cả ở Iraq trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 và gần đây hơn là tại Saudi Arabia khi chống lại quân nổi dậy ở Yemen".
"Các hệ thống phòng không Patriot thất bại trong khá nhiều lần, mặc dù chúng ra đời sau hàng chục năm so với những tên lửa mà Quân đội Nga hiện nay đang trang bị", các nhà phân tích của tờ MW nói rõ.
Theo giới phân tích, các hệ thống Patriot của Mỹ sẽ không gây được tác động đáng kể đến khả năng phòng thủ của Ukraine, vì tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo của Nga có những phương tiện đặc biệt để vượt qua các tổ hợp đánh chặn hiện đại.
Ấn phẩm Military Watch cho rằng Lầu Năm Góc cuối cùng sẽ từ chối cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cho Ukraine, vì họ sợ xấu hổ nếu vũ khí này tỏ ra cực kỳ kém hiệu quả trên chiến trường.
“Khả năng tổn thất lớn đối với các khẩu đội Patriot là động cơ mạnh mẽ khiến Mỹ chưa đồng ý thực hiện việc giao hàng cho Ukraine, bất chấp việc chính quyền Kyiv đã đề nghị một cách rất khẩn thiết".
"Nguyên nhân là bởi vì điều này sẽ làm lung lay niềm tin của các đồng minh vào hệ thống phòng thủ tên lửa do Mỹ chế tạo và có khả năng đánh mất nhiều khách hàng tiềm năng trên thị trường vũ khí thế giới”, ấn phẩm MW cho biết.
Tuy nhiên đây có thể không phải lý do duy nhất khiến Washington chưa chuyển giao hệ thống phòng không Patriot của mình cho Kyiv. Nếu Patriot xuất hiện ở Ukraine, Quân đội Nga sẽ có cơ hội tuyệt vời để thử vũ khí chống lại tổ hợp phòng thủ tên lửa chính của phương Tây.
"Những rủi ro liên quan đến việc cho phép Nga thử nghiệm khả năng của mình trước hệ thống phòng không và chống tên lửa chính của NATO đã củng cố thêm những lập luận chống lại việc cung cấp Patriot", bài báo nhấn mạnh.
Mặc dù vậy, cần nói thêm là Mỹ đã cung cấp cho Ukraine một hệ thống phòng không tối tân khác đó là NASAMS chuyên chống lại máy bay chiến đấu và tên lửa hành trình, trước đó cũng có những lo ngại về vũ khí này không khác gì Patriot.
Mặc dù vậy, NASAMS đã chứng tỏ bản thân rất tốt trong việc bảo vệ bầu trời Kyiv, do vậy không loại trừ khả năng Patriot sẽ được Mỹ cung cấp cho Ukraine vào một thời điểm thích hợp.
Việt Dũng