Vì sao Mỹ hết sức kiềm chế tấn công khi Houthi phong tỏa Biển Đỏ?
Mặc dù Biển Đỏ có vai trò cực kỳ quan trọng đối với giao thông hàng hải thế giới nhưng Mỹ sẽ chỉ tấn công Houthi nếu không còn cách nào khác.
Mỹ chỉ tấn công Houthi khi không còn cách nào khác
Tờ The Guardian của Anh mới đây có bài viết nhận định rằng, cuộc đối đầu giữa phương Tây và lực lượng Houthi ở Yemen trên Biển Đỏ có nguy cơ biến thành một cuộc xung đột quân sự trực tiếp giữa Mỹ và Iran.
Mặc dù trước đó giới truyền thông Mỹ đưa tin rằng, Washington đã thành lập một liên minh các đồng minh phương Tây để “đảm bảo tự do hàng hải” trên Biển Đỏ, nhưng Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã đề cập rằng, ông thực sự không muốn đối đầu trực tiếp với người Yemen.
Tuy nhiên, Hải quân Mỹ hôm 31/12/2023 cũng đã đánh chìm 3 tàu chở phiến quân Houthi khi lực lượng này trong 2 ngày liên tiếp đã tấn công con tàu container Maersk Hangzhou treo cờ Singapore.
Giới phân tích cho rằng, Washington, London và các đồng minh châu Âu của họ có thể tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các vị trí của Houthi ở Yemen bất cứ lúc nào, bởi dù không muốn nhưng phương Tây không thể để nhóm phiến quân ủng hộ lực lượng Hamas - Palestine này chặn đứng tuyến giao thông hàng hải trên Biển Đỏ.
Bài báo trên tờ The Guardian nhấn mạnh, an toàn hàng hải ở Biển Đỏ rất quan trọng đối với kinh tế thế giới vì tuyến đường thương mại chính giữa châu Á và châu Âu đi qua vùng biển hẹp, dài này.
30% lưu lượng hàng hóa chuyên chở bằng container trên thế giới từ Địa Trung Hải qua Biển Đỏ để sang Ấn Độ Dương và ngược lại.
Do đó, bất kỳ mối đe dọa an ninh nào cũng có thể gây ra hậu quả tiêu cực đối với giá dầu và sự khan hiếm của hàng hóa châu Á ở phương Tây.
Do đó, giới chuyên gia thống nhất cho rằng, mặc dù hiện nay Washington vẫn đang “cố gắng tránh một cuộc đụng độ quân sự với Houthi” nhưng nếu căng thẳng tiếp tục leo thang, các tàu hàng thương mại tiếp tục bị tấn công, thì Mỹ sẵn sàng ra đòn quyết định tấn công Yemen.
Nếu điều này xảy ra, đồng nghĩa với việc nguy cơ xung đột giữa Mỹ-Israel với Iran sẽ trở nên khá rõ ràng, bởi Houthi được cho là “hơn cả con đẻ” của Tehran.
Bên cạnh lực lượng Hezbollah Lebanon thì Houthi được cho là có sức mạnh quân sự lớn nhất trong số các lực lượng vũ trang được Tehran hậu thuẫn.
So với Hamas hay Jihad ở Palestine hay các nhóm dân quân Shiite ở Syria và Iraq, thực lực của Houthi mạnh hơn nhiều, thậm chí họ đã đánh bại cả liên quân Ả rập Sunni ở Yemen, đứng đầu là Saudi Arabia và UAE.
Thậm chí lực lượng dân quân người Shiite này còn được trao cả những loại tên lửa đạn đạo có tầm bắn xa hàng nghìn km, tên lửa chống hạm hàng trăm km và các UAV tiên tiến của Iran, có thể tấn công tới tận Israel.
Giới phân tích lưu ý rằng, mặc dù tình hình Biển Đỏ đang nóng lên, nhưng nó khó biến thành một lò lửa chiến tranh, bởi việc leo thang xung đột không mang lại lợi ích gì cho các bên tham gia, gồm cả Mỹ, các quốc gia Ả rập, lẫn Iran và Houthi, nên xung đột chỉ bùng phát khi không còn cách nào tránh được.
Tại sao xung đột quân sự Mỹ-Houthi khó bùng phát?
Qua các động thái gần đây, một điều giới phân tích chỉ ra là rõ ràng Mỹ đang hết sức kiềm chế, không muốn tiếp tục bùng phát một điểm nóng xung đột mới, sau khi đã phải căng mình ở cả Trung Đông (xung đột Israel-Hamas ở dải Gaza/Palestine) và châu Âu (xung đột Nga-Ukraine).
Đó còn chưa nói tới điểm nóng Venezuela cũng đang tiềm tàng nguy cơ xung đột, với việc vào tháng 12/2023, chính quyền Caracat tuyên bố thành lập một bang mới mang tên Guyana Esequiba, bao gồm 2/3 lãnh thổ của Cộng hòa Hợp tác Guyana, sau một cuộc trưng cầu dân ý.
Đồng minh của Mỹ là các chế độ quân chủ Ả Rập không muốn tiếp tục sa lầy trong cuộc chiến phức tạp ở mảnh đất Yemen, khi cả 2 nước này đều đã tạo ra được một vùng đệm ở Yemen, ngăn Houthi tiến tới biên giới nước mình.
Đồng thời, các quốc gia Ả rập vùng Vịnh cũng có lợi ích trong việc khôi phục quan hệ với Tehran.
Còn về phía Israel, Tel Aviv đang vướng bận trong cuộc xung đột với Hamas ở dải Gaza, nên cũng không muốn phải mở thêm mặt trận thứ 2 ở Yemen, thậm chí là thứ 3, hoặc nhiều hơn nữa, khi xung quanh đều là các quốc gia thù địch (Lebanon, Syria, Iraq…).
Lực lượng Houthi thực sự đã giành chiến thắng trong cuộc nội chiến ở Yemen khi đối đầu với liên quân Ả rập do Saudi và UAE lãnh đạo.
Hiện họ đang kiểm soát toàn bộ phần phía tây giáp bờ Biển Đỏ, gồm cả thủ đô Sana'a và chiếm khoảng 1/4 diện tích của đất nước.
Tuy nhiên, toàn bộ phía đông và một phần phía nam Yemen vẫn do các lực lượng được Ả rập hậu thuẫn kiểm soát. Trong bối cảnh đó, Houthi sẽ không muốn xuất hiện thêm một đối thủ mới, bởi sức mạnh quân sự của Mỹ là vô cùng to lớn, vượt trội so với các địch thủ Ả rập của họ.
Trong khi đó, Iran cũng không muốn xảy ra một cuộc xung đột giữa Houthi với Mỹ, bởi khi đó, họ bị đẩy vào tình thế cực kỳ khó khăn, khi một mặt, Tehran không thể bỏ rơi đồng minh, nhưng mặt khác, họ khó có thể giúp đỡ đắc lực lực lượng này, do khoảng cách quá xa về địa lý.
Hơn nữa, Iran hiện cũng đang muốn yên ổn để phát triển, bởi đối đầu với Mỹ không chỉ là đối đầu với cường quốc quân sự số 1 thế giới, mà còn là đối đầu với hầu như toàn bộ các quốc gia Ả rập Sunni ở Trung Đông.
Theo các chuyên gia, Tehran hiểu rằng, không dại gì mà đối đầu với một lực lượng mạnh như vậy.
Trong bối cảnh đã có một đối thủ truyền kiếp về ý thức hệ tôn giáo là Nhà nước Do thái Israel, Tehran cũng không muốn có thêm địch thủ là các quốc gia quân chủ vùng Vịnh, bởi giữa Iran và các quốc gia Ả rập Sunni mặc dù khác về đường lối nhưng dù sao vẫn chung nguồn gốc đạo Hồi.