Vì sao Mỹ hoãn trừng phạt Trung Quốc sau vụ bắn rơi khí cầu?
Bộ Ngoại giao Mỹ được cho là đã chuẩn bị danh sách các lệnh trừng phạt nhắm vào Trung Quốc sau sự cố khí cầu bay trên lãnh thổ Mỹ, nhưng đến nay vẫn chưa có hành động cụ thể.
Sau khi khinh khí cầu Trung Quốc bị bắn rơi trên lãnh thổ Mỹ, một số quan chức đã nghĩ rằng điều này sẽ mở ra loạt hành động chống lại Trung Quốc.
Trái với điều đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã hoãn lại các biện pháp trừng phạt liên quan đến nhân quyền, hạn chế xuất khẩu, nhằm hạn chế tổn hại thêm quan hệ Mỹ - Trung.
Những phương án trong "hành động cạnh tranh" - vốn là các bước được chính quyền Biden lên kế hoạch liên quan đến Trung Quốc - đã bị hoãn lại.
Điều này làm xuất hiện hai luồng quan điểm trong chính phủ, với một bên ủng hộ có hành động cứng rắn với Bắc Kinh, trong khi bên còn lại muốn có cách tiếp cận kiềm chế.
Theo Reuters, việc Bộ Ngoại giao Mỹ hoãn chuyến thăm của Ngoại trưởng Antony Blinken tới Trung Quốc là thông điệp rõ ràng rằng Mỹ không hài lòng với sự cố. Song, một báo cáo nội bộ của cơ quan này cho biết các quan chức Mỹ đã hoãn sử dụng những hành động đáp trả Bắc Kinh.
Rick Waters, Phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ kiêm người đứng đầu văn phòng điều phối Trung Quốc, gửi email đến các nhân viên hôm 6/2 rằng chỉ đạo từ ngoại trưởng là tập trung vào các vấn đề không liên quan đến khinh khí cầu, và có thể trở lại vụ việc này sau vài tuần.
Các nguồn tin cho biết nhiều biện pháp vẫn chưa được thảo luận trở lại. Những hành động bị hoãn bao gồm tạm dừng ban hành quy định giấy phép xuất khẩu cho Huawei và lệnh trừng phạt quan chức Trung Quốc với vấn đề ở Tân Cương. Những điều này đã ảnh hưởng đến tinh thần văn phòng điều phối Trung Quốc.
Duy trì liên lạc
Trong thời điểm này, chính quyền Tổng thống Joe Biden tìm cách ngăn chặn quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục đi xuống, vốn đã ở mức thấp nhất kể từ năm 1979.
Mới đây, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã gặp ông Vương Nghị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Trung Quốc, tại Vienna, Áo trong ngày 10-11/5. Nhà Trắng cho biết hai bên đã có cuộc đối thoại cởi mở về nhiều vấn đề, trong đó nhất trí duy trì đường dây liên lạc.
Đây là động thái tích cực, khi nhiều nghị sĩ quốc hội Mỹ mong muốn Bắc Kinh và Washington giữ liên lạc để tránh hiểu nhầm và xử lý khủng hoảng.
Tuy nhiên, các nguồn tin nói rằng chính sách hiện tại đang đưa Mỹ quay về thời điểm mà hai bên tổ chức các cuộc đối thoại cấp cao, nhưng không thu lại nhiều kết quả rõ ràng.
Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao cho biết dưới thời chính quyền ông Biden, bộ đã "phối hợp với cơ quan liên ngành để chuẩn số lượng kỷ lục các biện pháp trừng phạt, kiểm soát xuất khẩu và các hành động cạnh tranh khác" với Trung Quốc
“Công việc này rất nhạy cảm và phức tạp, và rõ ràng việc sắp xếp hành động theo trình tự là điều cần thiết để tối đa hóa tác động và đảm bảo thông điệp của chúng tôi rõ ràng và chính xác,” quan chức này nói.
Điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hôm 9/2, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman nói rằng Bộ Ngoại giao đang hiện đại hóa công việc, và sẽ “tiếp tục đẩy lùi hành động hoạt động quân sự, ngoại giao và kinh tế khiêu khích từ Trung Quốc”. Các nguồn tin cho biết ông Blinken đã giao phần lớn công việc về chính sách với Trung Quốc cho bà Sherman.
Hồi cuối tháng 3, ông Waters nói rằng Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ “gác lại” sự cố khinh khí cầu, khi bà Sherman muốn nối lại kế hoạch Ngoại trưởng Blinken đến Bắc Kinh.
Một quan chức Trung Quốc cũng đã nói với Reuters rằng chuyến thăm của ông Blinken sẽ khả thi hơn nếu Mỹ đồng thuận với Trung Quốc về việc gác lại sự cố này, bao gồm việc Bắc Kinh không muốn FBI tiết lộ chi tiết về khinh khí cầu bị bắn rơi.
Hai nguồn tin cho biết ban đầu FBI dự kiến công bố báo cáo về khinh khí cầu vào giữa tháng 4. FBI từ chối bình luận về việc này, trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ chưa từng thảo luận với FBI.
Liu Pengyu, phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington D.C, nói rằng Trung Quốc “quan ngại sâu sắc về tính độc lập, cởi mở và minh bạch của cuộc điều tra” vụ khí cầu bị bắn rơi.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink ủng hộ việc công khai các báo cáo của FBI, song cũng nhấn mạnh cần quản lý các vấn đề cạnh tranh với Trung Quốc và duy trì những kênh liên lạc cấp cao.
Mâu thuẫn trong nội bộ Mỹ
Các nguồn tin cho biết Cục Công nghiệp và An ninh của Bộ Thương mại Mỹ đã chuẩn bị các quy tắc để thu hồi giấy phép kiểm soát xuất khẩu liên quan đến Huawei, ngay cả với những công nghệ ít nhạy cảm.
Bộ Quốc phòng và Bộ Năng lượng Mỹ đều ủng hộ động thái này, nhưng Thứ trưởng Sherman không nhất trí với việc thắt chặt các quy định, trong bối cảnh Bộ Ngoại giao muốn khởi động lại chuyến thăm của ông Blinken, theo Reuters.
Một quan chức nói rằng bà Sherman đã không gọi cho Bộ Thương mại để trì hoãn hành động với Huawei.
Các nguồn tin cho biết việc hoãn rút giấy phép xuất khẩu của Huawei cùng các lệnh trừng phạt nhắm vào Trung Quốc đã ảnh hưởng đến nhân sự của văn phòng điều phối Trung Quốc, với 40% vị trí trong bộ phận này bỏ trống.
Các quan chức cấp cao thừa nhận tồn tại vấn đề về tinh thần tại văn phòng điều phối Trung Quốc, song phủ nhận việc liên quan đến những chính sách hoãn lệnh trừng phạt gần đây.
Nguồn tin thân cận lập luận rằng một số nhân viên bộ phận này đã yêu cầu chuyển bộ phận, cho rằng việc hoãn trên báo hiệu các hành động với Trung Quốc không phải ưu tiên.