Vì sao Mỹ không đóng tàu sân bay nhỏ, tiết kiệm hơn?

Mỹ từng cân nhắc đóng các tàu sân bay cỡ trung để bổ sung vào hạm đội siêu tàu sân bay, nhưng cho đến này kế hoạch này vẫn 'nằm trên giấy'.

Theo tạp chí The National Interest, Mỹ sở hữu tàu sân bay nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới với 11 chiếc. Mỗi tàu sân bay của Mỹ đều là một “siêu tàu sân bay”.

Trong khi đó, các quốc gia khác đang triển khai nhiều tàu sân bay “cỡ trung” thông thường hơn. Đơn cử, tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp dài khoảng 261 m và nặng 42.500 tấn; tàu sân bay Vikrant của Ấn Độ dài khoảng 262 m và nặng 45.000 tấn; và tàu sân bay Cavour của Ý dài khoảng 243 m và nặng 27.100 tấn.

Còn với Mỹ, 10 tàu sân bay lớp Nimitz thì có kích cỡ lớn hơn rất nhiều, dài khoảng 332 m và nặng 100.020 tấn. Tàu sân bay Gerald R. Ford cũng sở hữu kích cỡ tương tự.

Vậy tại sao Mỹ chỉ đóng siêu tàu sân bay mà không bổ sung cho hạm đội tàu sân bay cỡ trung?

 Tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ. Ảnh: REUTERS

Tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ. Ảnh: REUTERS

Từng có kế hoạch đóng tàu sân bay cỡ trung

Trên thực tế, Mỹ đã từng cân nhắc việc chế tạo tàu sân bay cỡ trung. Theo chuyên gia quân sự Peter Suciu, vào những năm 1970 Hải quân Mỹ đã xem xét khả năng đóng tàu sân bay chạy bằng năng lượng thông thường nhỏ hơn và rẻ hơn so với tàu sân bay lớp Nimitz chạy bằng năng lượng hạt nhân.

“Từ đó, chương trình Tàu sân bay cỡ trung (CCV) ra đời” - ông Suciu cho hay.

Theo chuyên gia này, các tàu sân bay trong chương trình CCV nhằm mục đích bổ sung cho cho các siêu tàu sân bay hiện có của Hải quân Mỹ.

“[Tàu sân bay cỡ trung] có thể có khả năng vận hành các máy bay tác chiến với sàn đáp dài khoảng 270 m và chỉ có thể chở tối đa 60 máy bay” - ông Suciu nói.

Theo kế hoạch, tàu sân bay thuộc CVV sẽ nhỏ hơn đáng kể so với các siêu tàu sân bay lớp Nimitz và Ford và chỉ có 2 máy phóng hơi nước (thay vì 4). Điều này có nghĩa là các tàu sân bay cỡ trung sẽ chỉ có thể cho phép khoảng một nửa số máy bay cất cánh như siêu tàu sân bay.

CVV sẽ mang theo ít lực lượng phòng không và tác chiến chống tàu ngầm (ASW) hơn so với siêu tàu sân bay.

Điều quan trọng hơn có lẽ là CVV sẽ được cung cấp năng lượng thông thường thay vì chạy bằng năng lượng hạt nhân như các siêu tàu sân bay hiện đại của Mỹ.

Dù nhỏ hơn và có tầm hoạt động ngắn hơn, trọng tâm của CVV sẽ là sức mạnh tấn công của nó, theo ông Suciu.

Nhiều ý kiến trái chiều

Tất nhiên, Mỹ chưa bao giờ tiến hành kế hoạch CVV trên vì việc đóng siêu tàu sân bay có giá trị hơn nhiều, theo chuyên gia Suciu.

“Mỗi tàu sân bay cỡ trung sẽ có giá 1,5 tỉ USD so với 2,4 tỉ USD của chiếc tàu sân bay lớp Nimitz thứ tư. Bên cạnh đó, theo một tính toán, tàu sân bay USS John F. Kennedy - tàu sân bay lớn chạy bằng năng lượng thông thường cuối cùng - chỉ đắt hơn CVV khoảng 100 triệu USD và có nhiều năng lực hơn" - theo ông Suciu.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc không xúc tiến kế hoạch CVV là một quyết định đúng đắn.

“Các tàu sân bay cỡ trung vẫn sẽ cần hàng nghìn thủy thủ điều khiển một nhóm máy bay cỡ nhỏ hơn trên tàu. Sau đó là chi phí bảo trì. Tốt hơn là duy trì một con tàu lớn hơn là hai con tàu nhỏ. Chi phí cận biên sẽ rất cao” - TS Brent M. Eastwood, nhà nghiên cứu Công nghệ và Đổi mới tại Viện R Street (Mỹ).

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng Mỹ đã bỏ lỡ cơ hội tích hợp CVV vào hạm đội tàu sân bay của nước này. Cố Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain từng viết rằng siêu tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân truyền thống vẫn cần thiết để ngăn chặn và đánh bại các đối thủ cạnh tranh ngang hàng.

“Thế nhưng, các nhiệm vụ hàng ngày khác, chẳng hạn triển khai sức mạnh, kiểm soát đường biển, hỗ trợ trên không hoặc chống khủng bố, có thể hoàn thành với tàu sân bay nhỏ hơn, chi phí thấp hơn, sử dụng động cơ thông thường” - ông McCain từng nhận định.

Theo The National Interest, cho đến nay, Mỹ vẫn chưa có kế hoạch tích hợp CVV vào cơ cấu lực lượng hải quân.

VĨNH KHANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/vi-sao-my-khong-dong-tau-san-bay-nho-tiet-kiem-hon-post769539.html