Vì sao Mỹ muốn tái gia nhập UNESCO?

Mới đây, chính quyền của Tổng thống Joe Biden cho biết, Mỹ có kế hoạch tái gia nhập cơ quan văn hóa, giáo dục và khoa học của Liên Hợp Quốc (UNESCO) vào tháng tới, sau 5 năm vắng bóng. Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay mô tả, động thái này cho thấy 'hành động tin tưởng mạnh mẽ vào UNESCO và chủ nghĩa đa phương', trong khi nhiều nhà quan sát lại nhận định Mỹ đang muốn đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại cơ quan này khi Mỹ vắng bóng.

Theo DW, AP và AFP, kế hoạch trên của Mỹ sẽ phải trải qua một cuộc bỏ phiếu của 193 thành viên của UNESCO, dự kiến được tổ chức vào tháng 7 tới.

Vì sao Mỹ rút khỏi UNESCO

Từng là thành viên sáng lập UNESCO, song Mỹ bắt đầu bất đồng với cơ quan này vào năm 2011, khi UNESCO thừa nhận Palestine là quốc gia thành viên, khiến cả Mỹ và Israel tức giận. Palestine không được nhiều quốc gia phương Tây, bao gồm Mỹ, Anh, Đức và nhiều nước khác công nhận là một nhà nước, mặc dù giải pháp hai nhà nước được ủng hộ, họ lập luận rằng việc trở thành nhà nước đối với các vùng lãnh thổ của Palestine cần phải đạt được từ các cuộc đàm phán trực tiếp giữa hai bên, tức là chính quyền Palestine và Israel.

Nguồn: ITN

Nguồn: ITN

Động thái trên lần đầu tiên dẫn đến việc chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Obama chấm dứt các khoản đóng góp của Mỹ cho UNESCO, và cho đến thời điểm đó, xứ sở cờ hoa đã đóng góp khoảng 22% vào ngân sách của cơ quan này. Một luật quốc gia ở Mỹ đã yêu cầu Washington cắt ngân sách đối với các cơ quan của LHQ công nhận Palestine là thành viên đầy đủ. Israel cũng ngừng trả phí đóng góp. Đến năm 2017, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông Donald Trump tuyên bố Mỹ rút hoàn toàn khỏi cơ quan này cùng với Israel, viện dẫn những cân nhắc về tài chính, nhu cầu cải cách và “sự thiên vị đối với các hành động chống Israel tiếp tục” của UNESCO. Đến năm 2019, quá trình rút lui của Mỹ hoàn tất.

Lo ngại khoảng trống quyền lực để lại

Gần đây, các quan chức chính quyền Mỹ ngày càng trở nên không thoái mải khi khoảng trống mà họ để lại trong UNESCO đang bị Bắc Kinh lấp đầy. Thời gian qua, Trung Quốc đầu tư khoản tiền lớn vào các tổ chức của LHQ và hiện là nhà tài trợ chính cho UNESCO với mức đóng góp tới 65 triệu USD trong tổng ngân sách hơn 500 triệu USD hàng năm. Vào tháng 3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng, sự vắng mặt của Mỹ cho phép Trung Quốc viết các quy tắc về trí tuệ nhân tạo trong UNESCO. Khi trình bày về ngân sách với một Ủy ban tại Thượng viện Mỹ, ông Blinken nói: “Tôi rất tin rằng, chúng ta nên quay lại UNESCO một lần nữa, vì những gì đang diễn ra ở đây thực sự quan trọng”. Theo ông, Trung Quốc đang nghiên cứu các quy tắc, chuẩn mực và tiêu chuẩn cho trí tuệ nhân tạo nên Mỹ “cần có mặt ở đó”. Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách quản lý John Bass hồi tháng 3 cũng từng nhận định, sự vắng mặt của Mỹ đã giúp tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc; ông khẳng định, UNESCO là tổ chức chủ chốt trong việc thiết lập tiêu chuẩn cho giáo dục công nghệ và khoa học trên thế giới, nên nếu thật sự nghiêm túc trong việc cạnh tranh với Trung Quốc trong kỷ nguyên số, Washington không thể vắng mặt nữa. Được biết, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay đang kêu gọi tổ chức một cuộc họp đại hội đồng đặc biệt vào tháng 7 tới để thông qua kế hoạch tái gia nhập của Mỹ.

Hôm đầu tuần, 12.6, Đại sứ Trung Quốc tại UNESCO Dương Tiến cho biết, đất nước gấu trúc đánh giá cao nỗ lực của UNESCO trong việc khôi phục tư cách thành viên của Mỹ, vì sự vắng mặt của xứ sở cờ hoa có “tác động tiêu cực” đối với công việc của cơ quan này. “Trở thành thành viên của một tổ chức quốc tế là vấn đề nghiêm túc và chúng tôi hy vọng rằng sự trở lại của Mỹ lần này có nghĩa là họ thừa nhận sứ mệnh và mục tiêu của tổ chức”, ông nói. Thực tế, sự vắng mặt của Mỹ lâu nay khiến UNESCO rơi vào tình trạng bất ổn về tài chính, buộc phải “thắt lưng buộc bụng” trong các chương trình và xoay xở vận động các nguồn tài trợ tự nguyện từ các quốc gia khác để lấp đầy khoảng trống mà Washington bỏ lại. UNESCO hy vọng sự trở lại của Mỹ sẽ giúp họ xúc tiến nhiều kế hoạch tham vọng hơn, đồng thời tiếp thêm năng lượng cho các chương trình quản lý trí tuệ nhân tạo, giáo dục, nhân đạo...

Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ rời khỏi cơ quan của LHQ này. Năm 1983, Washington cũng từng rút lui dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, với lý do UNESCO quản lý yếu kém, tham nhũng và thúc đẩy lợi ích của Liên Xô. Sau đó, Mỹ tái gia nhập vào năm 2002, dưới thời chính quyền của Tổng thống George W. Bush để “nhấn mạnh thông điệp hợp tác quốc tế”, trong bối cảnh Mỹ phát động cuộc chiến tranh Iraq, và để sửa chữa hình ảnh toàn cầu của Washington bằng cách sử dụng các công cụ quyền lực mềm trong hệ thống của LHQ.

Washington dự kiến sẽ trả khoảng 500 triệu USD truy thu phí đóng góp để có đầy đủ quyền của thành viên và tranh cử một ghế trong Hội đồng chấp hành của UNESCO trong cuộc bỏ phiếu vào tháng 11 tới. Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật phân bổ khoản tiền nợ đóng góp này vào tháng 12 năm ngoái, trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Biden đặt việc tái gia nhập UNESCO là một trong những ưu tiên nhằm “chống lại những gì Mỹ coi là ảnh hưởng ngày càng tăng của Chính phủ Trung Quốc đối với chương trình nghị sự của cơ quan Liên Hợp Quốc này”, theo Axios. Thực tế, đây cũng là một trong những mục tiêu trong chính sách đối ngoại của chính quyền Washington đương nhiệm, trong đó củng cố vị thế cạnh tranh toàn cầu với Trung Quốc. Nó giúp cụ thể hóa chiến lược mở rộng hợp tác quốc tế vốn là ưu tiên trong chính sách kinh tế Bidenomics của Tổng thống Biden. Trước đó, Mỹ đã trở lại một số tổ chức mà nước này rút khỏi dưới thời Tổng thống Donald Trump, trong đó nổi bật là Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và Hội đồng Nhân quyền LHQ. Đáng chú ý là, luật phân bổ ngân sách đóng góp cho UNESCO được đề cập ở trên còn trao cho ông Biden quyền từ bỏ luật trước đó của Mỹ yêu cầu chấm dứt tài trợ của nước này cho bất kỳ tổ chức nào của LHQ công nhận Palestine là một quốc gia và bao gồm điều khoản sẽ ngừng tài trợ nếu điều đó xảy ra.

Theo kế hoạch, Mỹ sẽ trả khoản nợ tính đến năm 2023, cộng thêm 10 triệu USD đóng góp thêm trong năm nay cho việc giáo dục về nạn diệt chủng người Do Thái, gìn giữ di sản văn hóa tại Ukraine, bảo đảm an toàn cho nhà báo và việc giáo dục khoa học - công nghệ tại châu Phi. Chính quyền Mỹ đã đề nghị khoản tiền 150 triệu USD trong ngân sách năm 2024 để trả nợ cho UNESCO và sẽ đề nghị mức tương tự trong các năm tiếp theo cho đến khi trả hết số nợ 619 triệu USD.

Thái Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/vi-sao-my-muon-tai-gia-nhap-unesco-i332427/