Vì sao Mỹ phải chịu trách nhiệm về thảm kịch hai cha con chết đuối?

Bạn đọc Zing.vn khó hiểu và tranh luận, sau khi các ứng viên tổng thống từ đảng Dân chủ đổ lỗi Tổng thống Trump về hai cha con di dân chết trong tư thế úp mặt ở biên giới vào Mỹ.

Sau bức ảnh hai cha con gây rúng động dư luận thế giới, Thượng nghị sĩ Kamala Harris, bang California, gọi bức ảnh là “vết nhơ” và chính sách của ông Trump là “vô nhân đạo”. Thượng nghị sĩ New Jersey Cory Booker, trên Twitter, gọi chính sách của tổng thống là “vô đạo đức”.

“Những gia đình muốn tị nạn đang chạy trốn bạo lực kinh khủng. Và khi họ đến đây thì sao? Ông Trump nói: ‘Ở đâu đến thì về đấy đi’”, bà Harris nói.

"Trump phải chịu trách nhiệm về những cái chết này”, Beto O’Rourke, cựu nghị sĩ bang Texas, một trong số hơn 20 ứng viên tổng thống bên phía đảng Dân chủ viết trên Twitter.

Một số bạn đọc Zing.vn cảm thấy những lời lên án trên là khó hiểu và vội vàng. “Việc hai cha con đó chết chẳng liên quan gì đến tổng thống Mỹ cả, họ là những người di cư bất hợp pháp cũng bởi vì đất nước họ đã quá yếu kém trong các chính sách”, một bạn đọc nhận định.

“Ông này cao thượng quá, trước hết mở cửa nhà ông ra để cho người vô gia cư vào ở trước đi”, một bạn đọc phản bác ông Harris. Bản thân Tổng thống Trump phản ứng về bức ảnh trên với lời kêu gọi xây dựng tường biên giới. Trước đó, Tổng thống Trump từng đe dọa cắt viện trợ các nước Trung Mỹ do không chặn được dòng di dân.

Vậy Tổng thống Trump có phải chịu trách nhiệm cho những cái chết của người di cư bất hợp pháp không? Không hẳn vậy. Nhưng nói đúng hơn, nước Mỹ cũng có phần của họ trong việc tạo ra những dòng người từ Trung Mỹ vẫn hàng ngày tìm cách vượt biên giới để tìm đến "Giấc mơ Mỹ".

Hình ảnh cha con Óscar Alberto Martínez Ramírez và con gái Valeria, ông Rio Grande, bị nước cuốn đi ở sông Rio Grande và được tìm thấy vào sáng 24/6, gây sốc toàn thế giới. Ảnh: AP.

Hình ảnh cha con Óscar Alberto Martínez Ramírez và con gái Valeria, ông Rio Grande, bị nước cuốn đi ở sông Rio Grande và được tìm thấy vào sáng 24/6, gây sốc toàn thế giới. Ảnh: AP.

Nhiều thập kỷ Mỹ can thiệp khu vực

Các chuyên gia cho rằng góc nhìn đổ lỗi cho ông Trump, hay cho các nước Trung Mỹ, chỉ là phần ngọn khi tìm giải pháp ngăn chặn hàng trăm bi kịch mỗi năm dọc “cung đường chết chóc” - đường biên giới dài hơn 3.200 km đã có 283 người chết năm ngoái.

“Tranh luận hiện tại... chỉ xoay quanh việc xử lý di dân thế nào khi họ đến biên giới”, Jeff Faux, nhà nghiên cứu tại Viện Chính sách Kinh tế, nói với USA Today tháng 12/2018. “Điều thiếu vắng ở đây là chúng ta (Mỹ) đã làm gì khiến họ phải ồ ạt tới đây”.

“Dòng người tị nạn tới Mỹ thường bị cho là do bất ổn ở những nơi xa xôi”, Felipe Filomeno, giáo sư chính trị tại Đại học Maryland, viết về nghiên cứu của mình trên trang The Conversation. “Góc nhìn một phía như vậy về di dân bỏ qua các xu hướng toàn cầu liên kết mọi nơi trong thế giới của chúng ta”.

Đối với ông Faux, nguyên nhân sâu xa một phần là chính sách can thiệp của Mỹ ở Trung Mỹ nhiều thập kỷ trước. “Chúng ta đã cử lính đến đó, lật đổ các chính thể, và hậu thuẫn những kẻ cầm quyền sẵn sàng bảo hộ cho giới kinh doanh Mỹ”, ông nói với USA Today.

Chính sách ngoại giao đó, dưới thời những người tiền nhiệm của ông Trump, khiến các chính phủ trong khu vực yếu đi và lung lay. Các băng đảng ma túy và trùm kinh doanh trục lợi, dẫn đến tham nhũng trong chính quyền và nạn bạo lực băng nhóm buộc người dân phải bỏ đi nơi khác.

Mẹ của người cha chết đuối cùng con gái khóc khi cầm đồ chơi của cháu bé, trong căn nhà mà hai cha con từng sống ở San Martin, El Salvador ngày 25/6. Ảnh: AP.

Mẹ của người cha chết đuối cùng con gái khóc khi cầm đồ chơi của cháu bé, trong căn nhà mà hai cha con từng sống ở San Martin, El Salvador ngày 25/6. Ảnh: AP.

Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) có chiến dịch bí mật nhằm lật đổ tổng thống được bầu một cách dân chủ của Guatemala năm 1954. Mỹ can thiệp vào nội chiến ở El Salvador những năm 1980. Tổng thống Barack Obama năm 2009 từ chối lên án việc lật đổ tổng thống Honduras là “đảo chính”, dù các binh lính kéo ông ra khỏi giường trong đêm và ép ông chạy ra nước ngoài trong bộ quần áo ngủ.

Những năm 1980, Mỹ cấp tiền và vũ khí để các chính thể độc tài ở Trung Mỹ dập tắt các phong trào du kích cánh tả. Những nội chiến hàng thập kỷ giết chết hàng nghìn người, khiến hàng trăm nghìn người khác mất nhà cửa.

Hệ quả, thu nhập trung bình ở El Salvador, Guatemala, Honduras và Nicaragua đến năm 1990 còn thấp hơn năm 1980. Bất ổn gây ra làn sóng di dân. Từ 1981-1990, gần một triệu người El Salvador và Guatemala vượt biên vào Mỹ trái phép.

Nghiên cứu của ông Filomeno cho thấy làn sóng “di dân ngược” từ các nước nghèo sang các nước từng gây bất ổn cho họ, diễn ra ở nhiều nơi.

Pháp đô hộ Algeria từ năm 1830-1962. Ngày nay, nhóm dân nhập cư lớn nhất ở Pháp là người Algeria. Tương tự, người Ấn Độ và Pakistan là nhóm dân nhập cư lớn thứ hai và thứ ba ở Anh.

Nguyên nhân kinh tế

Nhiều ý kiến khác cho rằng đổ lỗi cho Mỹ là đơn giản hóa vấn đề quá mức.

“Can thiệp của Mỹ chắc chắn đã gây bất ổn” ở các nước Trung Mỹ, Stephanie Leutert, giám đốc Sáng kiến An ninh Mexico ở Đại học Texas-Austin, nói với USA Today.

“Nhưng đó chỉ là một yếu tố”, ngoài sự lớn mạnh của băng đảng MS-13 ở Los Angeles và giá cà phê giảm mạnh.

Nông dân Trung Mỹ đã không còn kiếm sống được nhờ cây cà phê. “Người dân chúng tôi đang chết đói... Ngày nào còn khủng hoảng giá cà phê, ngày đó lại có nhập cư bất hợp pháp đến Bắc Mỹ”, theo Ricardo Arenas Mendes, Chủ tịch Anacafe, một nhóm các nhà sản xuất ở Guatemala.

Maria Meza, bà mẹ 40 tuổi từ Honduras, chạy khỏi hơi cay cùng cặp bé gái song sinh Saira Mejia (trái) và Cheili Mejia Meza (phải), gần tường biên giới Mỹ - Mexico. Ảnh: Reuters.

Maria Meza, bà mẹ 40 tuổi từ Honduras, chạy khỏi hơi cay cùng cặp bé gái song sinh Saira Mejia (trái) và Cheili Mejia Meza (phải), gần tường biên giới Mỹ - Mexico. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Honduras Juan Orlando Hernandez nói cuộc khủng hoảng đã đẩy 90.000 người sản xuất vào cảnh đói nghèo. Một cốc cà phê có giá 5 USD ở New York, nhưng người Honduras chỉ nhận được 2 xu trong 5 USD đó (1 USD = 100 xu).

Thương mại tự do những thập kỷ qua đã mang lại việc làm và giúp nhiều nước giàu lên như Chile, Trung Quốc, Hàn Quốc, khiến người dân không phải di cư. Nhưng ở Mexico, Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) 1994 khiến hàng trăm nghìn nông dân nước này mất việc do không cạnh tranh được với nông sản được trợ giá của Mỹ, theo nghiên cứu của ông Filomeno.

Đến năm 2006, 2 triệu nông dân phải rời bỏ nhà cửa sang Mỹ kiếm sống, làm xây dựng, nông nghiệp, làm trong nhà hàng với lương rẻ mạt. Chính nhờ họ mà Mỹ mới giữ được một số ngành sản xuất bất chấp mặt bằng lương cao.

Ana Rosa Quintana, nhà phân tích chính sách Nam Mỹ ở tổ chức cánh hữu Heritage Foundation, cho rằng đổ lỗi cho Mỹ là “xá tội” cho phần trách nhiệm của các chính phủ.

“Đã gần 30 năm kể từ khi chấm dứt các cuộc nội chiến”, bà nói với USA Today. Nhưng các chính phủ “vẫn yếu và kém hiệu quả”. Bà cho biết các nước đã không phát triển được thành các nền dân chủ vững mạnh và các xã hội an toàn cho người dân.

Bà Quintana nói thêm buôn bán ma túy là căn nguyên của bất ổn và bạo lực. Guatemala, El Salvador và Honduras đều là những nước trung chuyển cocaine và các loại ma túy khác đến thị trường tiêu thụ nhiều nhất là Mỹ.

Cảnh sát Mexico tuần tra ở thành phố Xalapa, thủ phủ bang Veracruz, Mexico, một trong những nơi mà các băng đảng ma túy hoành hành nhất. Ảnh: New York Times.

Cảnh sát Mexico tuần tra ở thành phố Xalapa, thủ phủ bang Veracruz, Mexico, một trong những nơi mà các băng đảng ma túy hoành hành nhất. Ảnh: New York Times.

Tái thiết Trung Mỹ bằng kế hoạch Marshall?

Căn nguyên của làn sóng di dân tới Mỹ là bất ổn, nghèo đói, bạo lực, và chỉ có giải quyết được gốc rễ mới tránh được những cái chết đau thương dọc biên giới.

Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador cuối năm ngoái đã đề xuất Kế hoạch Marshall cho Trung Mỹ, kêu gọi đầu tư 30 tỷ USD trong 5 năm để thúc đẩy kinh tế và tạo việc làm trong khu vực. (Marshall cũng là tên kế hoạch khổng lồ của Mỹ tái thiết châu Âu sau Thế chiến II.)

Nhưng chính quyền Mỹ chưa cam kết viện trợ cho kế hoạch này, mà thay vào đó nhắc đến khả năng kêu gọi đầu tư của khối tư nhân. Thay vào đó, Nhà Trắng vẫn chỉ chú trọng trấn áp biên giới, giới hạn số người tị nạn và siết chặt luật nhập cư.

Việc hợp tác với Mexico, giúp Trung Mỹ an toàn và thoát nghèo “hiện chỉ được nói nhiều hơn làm”, theo ông Patrick Leahy, Phó chủ tịch Ủy ban Phân bổ Ngân sách Thượng viện. “Về số tiền thực, họ đang chi ít hơn trước”, thượng nghị sĩ đảng Dân chủ, bang Vermont, cho biết.

Trực thăng của quân đội Mỹ tuần tra trên bầu trời, trong khi di dân đang cố trèo tường biên giới từ Mexico vào Mỹ. Ảnh: Reuters.

Trực thăng của quân đội Mỹ tuần tra trên bầu trời, trong khi di dân đang cố trèo tường biên giới từ Mexico vào Mỹ. Ảnh: Reuters.

Chính quyền Mỹ cũng đang muốn chấm dứt chương trình tị nạn tạm thời TPS (Temporary Protected Status), được thiết lập từ năm 1990, dành cho di dân từ các nước Trung Mỹ bị chiến tranh hay thiên tai. Một thẩm phán liên bang đã phán quyết chống lại chính quyền, khiến kế hoạch đó bị trì hoãn.

Gần 200.000 người El Salvador, 57.000 người Honduras và hơn 2.500 người Nicaragua có thể bị buộc rời khỏi Mỹ nếu TPS mãn hạn. Bên kia biên giới, không biết bao nhiêu người số phận vẫn “lơ lửng” với những nguy hiểm chực chờ.

Chỉ biết rằng, lực lượng bảo vệ biên giới Mỹ bắt giữ 593.507 người ở phía tây nam kể từ tháng 10/2018 (tức khoảng 8 tháng). Năm tài khóa trước đó (tức 12 tháng), số người bị bắt giữ là 303.916, tức gần một nửa, theo BBC.

Tháng 12/2018, Hiệp ước Toàn cầu về Di cư được 164 nước ký kết là hiệp định quốc tế đầu tiên về vấn đề này, đặt mục tiêu giải quyết các căn nguyên và buộc các nước có di dân tìm đến như Mỹ phải bảo đảm quyền của di dân. Nhưng Mỹ lại không phải nước thành viên.

Đoàn người di dân đang di chuyển trong Mexico sau khi vượt biên giới Guatemala, ngày 21/10/2018. Họ thường đi thành đoàn để bảo vệ nhau trước các băng đảng bắt cóc. Ảnh: Getty.

Đoàn người di dân đang di chuyển trong Mexico sau khi vượt biên giới Guatemala, ngày 21/10/2018. Họ thường đi thành đoàn để bảo vệ nhau trước các băng đảng bắt cóc. Ảnh: Getty.

Trọng Thuấn

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/vi-sao-my-phai-chiu-trach-nhiem-ve-tham-kich-hai-cha-con-chet-duoi-post961423.html