Chuyên gia Sergei Marzhetsky của Tạp chí “Bình luận quân sự” Nga cho biết, khi Mỹ phát động tấn công Iraq năm 2003, nhờ ưu thế vượt trội đặc biệt là từ trên không, liên quân phương Tây đã dễ dàng đè bẹp Quân đội Iraq.
Theo thống kê, Mỹ đã huy động gần 160.000 quân, họ được hỗ trợ bởi 45.000 binh sĩ khác đến từ Anh. Kết quả là thủ đô Baghdad bị chiếm, quyền kiểm soát các thành phố lớn nhất ở Iraq được thiết lập chỉ trong vỏn vẹn có 3 tuần.
Tổng thống Saddam Hussein bị lật đổ và không ai tìm thấy bất kỳ vũ khí hủy diệt hàng loạt nào như cáo buộc, nhưng hậu quả để lại là một đất nước Iraq hoang tàn và hỗn loạn cho tới tận ngày nay.
Nhưng Mỹ cũng phải gánh chịu hậu quả trong đó lớn nhất là sự xuất hiện của nhóm khủng bố IS ở Iraq. Bản thân hành động quân sự đã làm mất ổn định Iraq, nhưng chính quyền mới càng làm trầm trọng thêm bằng cách giải tán Đảng Baath cầm quyền và quân đội trước đây.
Khoảng 90.000 binh sĩ Iraq đã phải giải ngũ, đi kèm những cựu quan chức của Đảng Baath. Chính họ đã trở thành trụ cột cho nhóm khủng bố IS, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Lavrov từng lưu ý:
"Giờ đây những tay súng hiệu quả nhất trong hàng ngũ IS là những cựu sĩ quan của quân đội Saddam Hussein, điều này được mọi người công nhận, họ chỉ đơn giản là bị ném ra đường và không còn gì để sống”.
“Tôi không bào chữa cho họ, nhưng họ gia nhập IS không phải theo tiếng gọi của trái tim mà chỉ đơn giản là vì nhu cầu tài chính", ông Lavrov nhấn mạnh.
Nhờ đội ngũ quân sự có chất lượng mà vào năm 2014, IS đã nhanh chóng giành quyền kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn ở Iraq và Syria với quy mô tương đương với một quốc gia trung bình ở châu Âu.
Điều này cũng dẫn đến lý do chính thức cho việc hiện diện tại Iraq và Syria đối với Mỹ và các đồng minh của họ là cuộc chiến chống IS.
Ngoài ra để tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo và một số nhóm khủng bố khác, Moskva đã triển khai quân đội của mình tới Syria vào năm 2015. Sau đó cả Mỹ và Nga đều tuyên bố một cách độc lập về sự thất bại của IS.
Rõ ràng dưới sức tấn công của liên quân phương Tây với người Kurd và liên minh Nga - Iran - Syria, IS đã bị đánh bại khi cả hai "thủ đô" được tuyên bố của họ ở Mosul và Raqqa đều thất thủ.
Nỗ lực tạo ra một quốc gia theo chủ nghĩa Hồi giáo đã phá sản, nhưng liệu thế giới đã tiêu diệt hoàn toàn tổ chức khủng bố này, hay chỉ đẩy nó quay trở lại một mạng lưới dưới dạng cấu trúc ngầm?
Trong thời kỳ trỗi dậy, IS đã trải rộng các “chi nhánh” của mình đến Libya và Afghanistan. Điều gì sẽ xảy ra trong tương lai khi Mỹ đã tuyên bố rút quân?
Đầu tiên, việc Mỹ quyết định rời Afghanistan trước thời hạn đã dẫn đến sự trỗi dậy của Taliban. Nhóm Hồi giáo cực đoan đã chiếm gần như toàn bộ đất nước và việc thủ đô Kabul thất thủ dường như chỉ là vấn đề thời gian.
Hiện vẫn chưa rõ "chi nhánh Afghanistan" của IS sẽ đóng vai trò gì trong việc tái phân phối quyền lực, điều này vẫn chưa được biết, nhưng chắc chắn sẽ xảy ra thứ gì đó tương tự như vậy.
Tiếp theo là Iraq, Quân đội Mỹ cũng đã cam kết sẽ rời khỏi đất nước vào tháng 12/2021. Số lượng của họ không quá lớn, khoảng 2.500 người: phi công, kỹ thuật viên, hướng dẫn viên, huấn luyện viên quân sự địa phương, lực lượng đặc biệt...
Theo ông Marzhetsky, sự hiện diện của Lầu Năm Góc khá mang tính biểu tượng, nhưng bây giờ nó phải kết thúc, vậy điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Nguy cơ lớn nhất được thấy rõ trong ví dụ về Afghanistan, nơi mà tất cả không gian sống sẽ bị chiếm bởi Taliban. Rất có thể một điều gì đó tương tự sẽ xảy ra ở Iraq, khi kinh tế - xã hội và các vấn đề tôn giáo dẫn đến sự xuất hiện của IS vẫn chưa biến mất.
Với sự ra đi của người Mỹ, chúng ta có thể mong đợi khởi đầu của một sự phân bổ lại các vùng ảnh hưởng mới ở Iraq, trong đó các cựu binh của những cuộc chiến trước đây sẽ tham gia.
IS có thể đi từ cấu trúc mạng tồn tại của nó sang một nỗ lực khác để tạo ra “trạng thái gần như ban đầu” và sẽ hoạt động dưới cùng một tên gọi?
Theo chuyên gia Marzhetsky, điều này rất khó xảy ra, bởi vì cái tên này đã người dân trên toàn thế giới sợ hãi, sự xuất hiện của các biểu ngữ màu đen sẽ kích động một chiến dịch can thiệp quân sự khác.
Việc "đổi thương hiệu" có vẻ thực tế hơn, khi tất cả những người giống nhau sẽ lại xuất hiện trên sân khấu nhưng dưới một cái tên mới, tự định vị mình là một “phong trào giải phóng dân tộc” chống lại chính quyền thân phương Tây.
Tại sao người Mỹ cần tất cả những điều này? Tại sao họ bắt đầu tất cả các quá trình trên trong một vòng tròn thứ hai? Đó là để tạo ra các vấn đề lớn cho những đối thủ cạnh tranh chính của họ.
Tại Afghanistan - nơi Taliban ngóc đầu dậy, sẽ là mối đe dọa đối với cả Trung Quốc và Nga, còn IS 2.0 ở Iraq và chi nhánh tại Afghanistan là cơn ác mộng kép đối với Iran từ cả phương Tây lẫn phương Đông, điều này rõ ràng nằm trong toan tính của Mỹ, chuyên gia Sergei Marzhetsky nhấn mạnh.
Việt Dũng