Vì sao Mỹ tiếp tục cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ về thương vụ S-400?

Mỹ tiếp tục cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ về những nguy cơ tiếp theo đối với quan hệ song phương nếu nước này mua thêm vũ khí do Nga sản xuất.

Theo AFP ngày 2-10, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman nêu rõ Washington đã yêu cầu Ankara “ở mọi cấp độ và mỗi khi có cơ hội” về việc không mua thêm hệ thống tên lửa phòng không S-400 cũng như bất kỳ thiết bị quân sự nào khác của Nga. Bà Sherman tái khẳng định hệ thống S-400 “không tương thích” với các hệ thống của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). “Chúng tôi tiếp tục nói rõ với Thổ Nhĩ Kỳ về những hậu quả nếu họ đi theo hướng đó. Đôi khi Thổ Nhĩ Kỳ là một thách thức và tôi chắc rằng cũng có lúc họ xem Mỹ là một thách thức. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một đồng minh NATO quan trọng của chúng tôi”, bà Sherman phát biểu với báo giới.

Lời cảnh báo của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ được đưa ra sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có cuộc gặp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại thành phố Sochi vào ngày 29-9 vừa qua. Theo AFP, hai bên đã thảo luận về khả năng tăng cường hợp tác quân sự, trong đó có các thương vụ mua bán máy bay chiến đấu và có thể là cả tàu ngầm.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại thành phố Sochi vào ngày 29-9 vừa qua. Ảnh: Reuters

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại thành phố Sochi vào ngày 29-9 vừa qua. Ảnh: Reuters

Việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống S-400 của Nga được xem là “nút thắt” lớn nhất khiến quan hệ giữa Ankara và Washington căng thẳng thời gian qua. Thương vụ S-400 là một bước đi chưa từng có tiền lệ bởi đây là lần đầu tiên một thành viên NATO mua hệ thống vũ khí tiên tiến của Nga. Đây cũng chính là lý do khiến Mỹ ngừng bán máy bay tiêm kích tàng hình F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời loại Ankara khỏi chương trình hợp tác sản xuất F-35. Mặc dù vậy, Tổng thống Erdogan vẫn cho rằng việc rạn nứt trong quan hệ với Mỹ vì thương vụ S-400 là “đáng giá”. Nhận định này được xem là cũng không có gì khó hiểu bởi S-400 lâu nay được đánh giá là có thể làm “thay đổi cuộc chơi” với sự vượt trội hơn hẳn về nhiều tham số so với các hệ thống tương tự của phương Tây. Theo Tạp chí National Interest, S-400 có thể phóng các loại tên lửa đánh chặn khác nhau, gồm tên lửa có tầm bắn rất xa 40N6E (400km), tầm xa 48N6 (250km) và 9M96E2 (120km), tầm ngắn 9M96E (40km). Trong khi đó, hệ thống tên lửa phòng không Patriot của Mỹ chỉ trang bị duy nhất một loại tên lửa đánh chặn có tầm bắn 96km. Ngoài khả năng đối phó với các máy bay tàng hình, S-400 còn có thể đe dọa những mục tiêu như máy bay cảnh báo sớm E-3 Sentry, vốn thường hoạt động ngoài tầm bắn của các hệ thống phòng không đối phương.

Mới đây, Tổng thống Erdogan cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mua hệ thống S-400 của Nga là do Washington từ chối chuyển giao hệ thống Patriot cho Ankara. Cả chính quyền Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đều xác nhận Ankara có quyền lựa chọn nhà cung cấp vũ khí cho mình. Tổng thống Erdogan khẳng định Mỹ cần phải hiểu rằng thương vụ S-400 đã xong và không thể đảo ngược. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đi “gõ những cửa khác” và mua những gì cần thiết cho mục đích quốc phòng của mình. Theo Tổng thống Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang có kế hoạch mua thêm hệ thống S-400 bất chấp sự phản đối của Mỹ. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ không ai có thể can thiệp vào việc mua các hệ thống phòng thủ của Ankara bởi “chúng tôi là bên duy nhất đưa ra quyết định”. Nhấn mạnh chiều hướng của mối quan hệ với Mỹ hiện nay không có nhiều triển vọng, Tổng thống Erdogan hy vọng rằng, với tư cách là hai nước thành viên NATO, Washington và Ankara sẽ đối xử với nhau “bằng sự thân thiện chứ không phải sự thù địch”.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/vi-sao-my-tiep-tuc-canh-bao-tho-nhi-ky-ve-thuong-vu-s-400-672996