Vì sao Mỹ trừng phạt 'trùm xã hội đen' Trung Quốc?
Chính phủ Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Doãn Quốc Câu (Wan Kuok-koi), trùm xã hội đen khét tiếng. Doãn còn có biệt hiệu là 'Băng Nha Câu' (Câu răng sứt).
Doãn được biết đến với tư cách là thủ lĩnh của băng đảng 14K, được Bộ Tài chính Mỹ mô tả là “một trong những tổ chức tội phạm có tổ chức lớn nhất của Trung Quốc trên thế giới”, tham gia “buôn bán ma túy, đánh bạc bất hợp pháp, lừa đảo, buôn người và một loạt các hoạt động tội phạm khác”, theo CNN.
Theo lệnh trừng phạt, bất kỳ tài sản nào mà Doãn nắm giữ ở Mỹ sẽ bị đóng băng và công dân Mỹ bị cấm kinh doanh với anh ta.
Sinh ra tại Macao, Doãn được nói là đã vượt qua nhiều trùm băng đảng của hội Tam hoàng (khái niệm chỉ các tổ chức tội phạm trong cộng đồng người Hoa trên khắp thế giới-PV) để trở thành một trong những tên tội phạm quyền lực nhất Trung Quốc. Anh ta được cho là đã tiến hành một cuộc chiến đẫm máu chống lại các băng nhóm đối thủ, với các vụ đánh bom, xả súng và đâm chém. Anh ta bị bỏ tù vào tháng 11/1999 với một loạt tội danh, ngay trước khi Macao được Bồ Đào Nha trao lại cho Trung Quốc.
Sau khi được trả tự do vào năm 2012, Doãn, người luôn nói mình vô tội, đã tìm cách làm lại cuộc đời - ít nhất là công khai - với tư cách là một doanh nhân hợp pháp. Anh ta được cho là đứng đằng sau các dự án kinh doanh ở Campuchia và Palau. Theo Bộ Tài chính Mỹ, Doãn Quốc Câu đã trở thành thành viên của Chính hiệp Trung Quốc, điều mà giới chức Trung Quốc bác bỏ.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, năm 2018, Doãn thành lập văn phòng của Hiệp hội Văn hóa và Lịch sử Hồng Môn Thế giới tại Campuchia. Còn được gọi là Thiên địa hội, Hồng Môn là một tổ chức huynh đệ có từ giữa thế kỷ 17, có chỗ đứng trên khắp thế giới.
Ở Hong Kong và Macao, nó có liên quan chặt chẽ đến hoạt động của hội Tam hoàng, và các lệnh trừng phạt của Mỹ cáo buộc 14K “sử dụng Hiệp hội Văn hóa và Lịch sử Hồng Môn Thế giới của Câu răng sứt như một nỗ lực để hợp pháp hóa chính nó”.
“Hiệp hội Lịch sử và Văn hóa Hồng Môn Thế giới đang lan rộng khắp Đông Nam Á, thiết lập một mạng lưới kinh doanh mạnh mẽ liên quan đến các hoạt động phát triển và tung ra các loại tiền điện tử, bất động sản và gần đây nhất là một công ty bảo mật chuyên bảo vệ các khoản đầu tư BRI (Sáng kiến Vành đai-Con đường của chính phủ Trung Quốc-PV)”, tuyên bố nói thêm.
CNN nói họ không thể liên hệ với Hiệp hội Lịch sử và Văn hóa Hồng Môn Thế giới để bình luận về các cáo buộc của Bộ Tài chính Mỹ.
“Các doanh nghiệp Trung Quốc đứng sau các dự án BRI có một số điểm chung: ban lãnh đạo của họ có mối liên hệ với các mạng lưới tội phạm hoặc các đối tượng tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp ở các khu vực khác của Đông Nam Á, Trung Quốc”, Bộ Tài chính Mỹ nói trong tuyên bố.
Ngoài việc đưa Doãn và Hiệp hội Văn hóa và Lịch sử Hồng Môn Thế giới vào danh sách đen, Mỹ cũng trừng phạt Hiệp hội Văn hóa Hung - Mun Trung Quốc Palau và Tập đoàn Dongmei có trụ sở tại Hong Kong, cả hai đều do Doãn “sở hữu hoặc kiểm soát”.
Doãn Quốc Câu không phải là đại biểu Chính Hiệp
Hôm qua, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh nói, Doãn Quốc Câu không phải là đại biểu Chính hiệp, theo tin của Reuters.
Bà Hoa cũng thông báo Trung Quốc sẽ chấm dứt miễn thị thực cho những người mang hộ chiếu ngoại giao Mỹ đến thăm Hong Kong và Macao sau khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt tài chính và lệnh cấm đi lại đối với hơn 10 quan chức Trung Quốc. Bắc Kinh cũng sẽ thực hiện các biện pháp trừng phạt có đi có lại đối với một số quan chức Mỹ, vì hành vi “hèn hạ” của họ đối với Hong Kong. Bà Hoa từ chối nêu tên những người bị trừng phạt hoặc cho biết khi nào các lệnh trừng phạt sẽ bắt đầu.