Theo Air Recognition, giới lãnh đạo Thủy quân Lục chiến Mỹ vừa đưa ra quyết định kéo dài thời gian phục vụ của phi đội máy bay tấn công AV-8B Harrier II thêm gần 10 năm nữa.
Được biết AV-8B Harrier II nổi tiếng là dòng máy bay có tỷ lệ tai nạn cao nhất nhất thế giới. Lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ đã mất đi 1/3 trong số 397 máy bay AV-8B do tai nạn trong 32 năm.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì phi đội chiến đấu cơ thế hệ 4 cùng với thế hệ 5 trong thành phần chiến đấu trên những tàu tấn công đổ bộ cỡ lớn. Chính vì vậy, AV-8B sẽ được kéo dài thời gian hoạt động và là đồng đội của F-35B trong gần 10 năm tới", một vị lãnh đạo của Thủy quân lục chiến Mỹ cho biết.
Thông tin kéo dài thời gian phục vụ của loại máy bay này khá bất ngờ bởi trước đó, Bộ Quốc phòng và cả thủy quân lục chiến Mỹ từng nhiều lần công bố kế hoạch loại biên dòng máy bay có thể cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng này.
Tỉ lệ tai nạn của AV-8B cao gấp 3 lần so với tiêm kích hạm F/A-18C và đứng top đầu thế giới. Chính vì vậy, Mỹ đã lên kế hoạch thay thế toàn bộ những chiếc AV-8B Harrier bằng tiêm kích F-35B. Tuy nhiên dường như F-35B vẫn chưa sẵn sàng cho việc thực chiến cường độ cao do việc tồn tại nhiều vấn đề kỹ thuật chưa giải quyết dứt điểm.
McDonnell Douglas AV-8B Harrier II là dòng máy bay cất cánh đường băng ngắn và có thể hạ cánh thẳng đứng nổi tiếng của Thủy quân lục chiến Mỹ.
Loại máy bay này được phát triển từ mẫu máy bay trước đó là Hawker Siddeley Harrier vốn được thiết kế chế tạo vào cuối thế kỷ 20.
Hãng British Aerospace đã nối lại dự án chế tạo nâng cấp loại máy bay V/STOL vào đầu những năm 1980, và nó được quản lý bởi Boeing/BAE Systems từ thập niên 1990.
Những phiên bản của loại máy bay này được sử dụng ở vài quốc gia thành viên NATO, bao gồm Vương quốc Anh, Tây Ban Nha, Italy. AV-8B Harrier II trải qua nhiều lần thực chiến và từng được triển khai trên tàu tấn công đổ bộ USS Kearsarge thuộc lớp Essex.
AV-8B Harrier II từng xếp hàng "độc nhất vô nhị" bởi tính năng hạ cánh thẳng đứng như trực thăng, và có thể cất cánh từ đường băng rất ngắn.
Để làm nên điều kỳ diệu đó, trên AV-8B được trang bị động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy Rolls-Roycer Pegasus với 4 vòi phun kiểm soát véc tơ (có thể quay đổi chiều) bố trí dọc 2 bên thân máy bay.
Sự sắp xếp này trái ngược hoàn toàn với các máy bay chiến đấu truyền thống với vòi phun thường nằm ở đuôi.
Ngoài 4 vòi phun chính, AV-8B còn được trang bị các vòi phun điều hướng cỡ nhỏ ở mũi, đuôi và đầu mút cánh để kiểm soát máy bay ở tốc độ thấp.
Tuy nhiên, lợi thế này lại khiến AV-8B Harrier II không thể đạt được tốc độ siêu âm khi không chiến. Do đó nó không thể hoạt động như một mẫu tiêm kích đánh chặn, mà đáp ứng vai trò máy bay cường kích tấn công mặt đất dù có thể được trang bị các loại tên lửa không đối không tầm ngắn hoặc tầm xa.
AV-8B Harrier II được trang bị hệ thống vũ khí khá đa dạng gồm một pháo GAU-12 Equalizer 25mmm, hệ thống rocket phóng loạt 70mm, các loại tên lửa không đối không hoặc không đối đất. Bên cạnh đó chúng mang được nhiều chủng loại bom, từ bom thông thường đến bom thông minh.
Với 6 giá treo vũ khí AV-8B Harrier II có thể mang theo tối đa 4,2 tấn vũ khí các loại.
Trọng lượng cất cánh tối đa khi cất cánh với đường băng thông thường của loại máy bay này là 14 tấn tuy nhiên con số này cất cánh thẳng đứng chỉ hơn 9,4 tấn. Để duy trì thời gian tham chiến, các máy bay AV-8B Harrier II được thiết kế để có thể tiếp nhiên liệu trên không.
Tốc độ bay tối đa của AV-8B Harrier II khoảng 1.083 km/h với tầm hoạt động 2.200km không cần tiếp nhiên liệu.
Khi những chiếc F-35B giải quyết hết những vấn đề kỹ thuật, những chiếc AV-8B Harrier II lúc đó mới được nghỉ hưu.
Việt Hùng