Vì sao New York ban bố tình trạng khẩn cấp?
Quyết định ban bố 'tình trạng khẩn cấp' giúp chính quyền Mỹ đẩy nhanh những biện pháp tức thời để bảo vệ người dân và giải quyết các vấn đề nghiêm trọng.
Hôm 6/7, Thống đốc Andrew Cuomo đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở bang New York, với khoản ngân sách gần 140 triệu USD, để đối phó với nạn bạo lực súng đạn gia tăng.
Tuyên bố của ông Cuomo được đưa ra trong bối cảnh tính đến hôm 4/7, hơn 800 người đã trở thành nạn nhân trong khoảng 760 vụ bạo lực súng đạn từ đầu năm.
Riêng tại thành phố New York, cảnh sát đã ghi nhận hơn 1.500 vụ việc tấn công bằng súng vào năm 2020, gần gấp đôi so với năm 2019, theo New York Times.
Với quyết định trên, chính quyền bang New York có thể nhanh chóng sử dụng các nguồn lực và huy động kinh phí dành cho các kế hoạch bảo vệ người dân và ổn định tình hình.
Bản kế hoạch cho phép các sở cảnh sát trên toàn bang chia sẻ dữ liệu về địa điểm các vụ tấn công, truy quét điểm bán súng bất hợp pháp, và cố gắng không để súng rơi vào tay những đối tượng nguy hiểm.
“Quyết định trên nhằm bảo vệ mạng sống con người. Và tương lai của New York phụ thuộc điều đó”, ông Cuomo khẳng định.
Không riêng gì nạn bạo lực súng đạn, việc ban bố tình trạng khẩn cấp có thể được áp dụng trong trường hợp xảy ra thiên tai, các vụ bạo loạn, khủng bố, nguy cơ về an toàn sinh học hay dịch bệnh nguy hiểm.
Trong quá khứ cựu Tổng thống Donald Trump từng 7 lần ban bố tình trạng khẩn cấp, trong khi cựu Tổng thống Barack Obama từng làm điều đó 12 lần, theo Mililary Benefits.
Quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp ở Mỹ
Tại Mỹ, việc ban bố tình trạng khẩn cấp giúp gia tăng quyền hành pháp của chính quyền, trong khi thực hiện các kế hoạch giải quyết mối đe dọa đối với công dân Mỹ.
Nỗ lực này giúp tăng tính hiệu quả của hoạt động hỗ trợ, cung cấp ngân sách hay áp dụng các hạn chế trong bối cảnh khẩn cấp.
Bằng cách đó, chính quyền có thể cắt giảm một số thủ tục thông thường để huy động lực lượng và kinh phí, nhằm sớm bảo vệ người dân và ổn định tình hình.
Trong thời gian ban bố tình trạng khẩn cấp, một số quyền lợi của công dân có thể bị thu hẹp trên phạm vi cả nước hay ở từng địa phương. Tuy nhiên, các quy trong thời gian này không được vi phạm Công ước quốc tế về Quyền dân sự và Chính trị (ICCPR), cũng như các cam kết khác của Liên Hợp Quốc về quyền con người.
Trên thực tế, quy mô áp dụng tình trạng khẩn cấp tùy thuộc vào từng vấn đề và kế hoạch cụ thể để ngăn ngừa rủi ro.
Tại Mỹ, tình trạng khẩn cấp có thể được tuyên bố ở cấp địa phương, cấp tiểu bang và cấp quốc gia (hay liên bang) với mức độ quyền hạn khác nhau.
Tại địa phương, thị trưởng có thể tuyên bố trường hợp khẩn cấp khi gặp thiên tai nhằm huy động nguồn lực tại chỗ.
Trong trường hợp các vấn đề nghiêm trọng xảy ra tại nhiều nơi, trách nhiệm ban bố tình trạng khẩn cấp thuộc về thống đốc từng bang. Khi đó, Vệ binh Quốc gia và các cơ quan thực thi pháp luật khác có thể hỗ trợ theo Thỏa thuận Hỗ trợ Quản lý Khẩn cấp (EMAC).
Trung bình, Lực lượng Vệ binh Quốc gia chiếm khoảng 42% nguồn lực được triển khai thông qua EMAC.
Khi tình trạng khẩn cấp được tuyên bố ở cấp toàn quốc, chính phủ có thể áp dụng các biện pháp hạn chế trên diện rộng, yêu cầu sơ tán, phân bổ mức lương thực và tài nguyên, trang thiết bị phục vụ cứu trợ, hoặc thậm chí tuyên bố thiết quân luật nếu cần thiết.
"Công cụ" giải quyết các vấn đề nghiêm trọng
Từ năm 1976, Đạo luật Tình trạng Khẩn cấp Quốc gia (NEA), được quốc hội Mỹ thông qua và cựu Tổng thống Gerald Ford phê duyệt, đã chính thức công nhận và xác định các quy trình áp dụng quyền hạn khẩn cấp của tổng thống.
Tháng 3/2020, cựu Tổng thống Donald Trump đã "tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia do bệnh truyền nhiễm" và áp dụng Đạo luật Stafford để đối phó với sự bùng phát của virus SARS-CoV-2 tại Mỹ.
Đạo luật Hỗ trợ Khẩn cấp và Cứu trợ Thảm họa Robert Stafford cho phép cơ quan Quản lý Khẩn cấp liên bang (FEMA) cung cấp khoản ngân sách lên đến 40 tỷ USD, cho chính quyền các bang và địa phương, để đối phó với Covid-19.
Đồng thời, quyết định này giúp FEMA tạm dỡ bỏ một số thủ tục pháp lý nhằm thúc đẩy quá trình hỗ trợ của chính phủ Mỹ đến các bang nhanh chóng hơn.
Hồi tháng 1, thủ đô Washington và bang Marryland cũng từng tuyên bố tình trạng khẩn cấp do lo ngại về nguy cơ an ninh trong lễ nhậm chức của Tổng thống Joe Biden.
Đến tháng 2, FEMA cũng cho biết Tổng thống Biden đã tuyên bố tình trạng thảm họa nghiêm trọng tại bang Texas, khi khu vực này bị mất điện và thiếu nước nhiều ngày do băng tuyết.
Ngay trong tuần trước, ông Biden tiếp tục ban bố tình trạng khẩn cấp tại Florida để thúc đẩy công tác hỗ trợ người dân đối phó với cơn bão Elsa.
Theo thông tin từ Nhà Trắng, quyết định này cho phép các cơ quan chính phủ trực tiếp thực hiện các nỗ lực cứu trợ thảm họa tại Florida, đồng thời cung cấp 75% kinh phí tiến hành các biện pháp bảo vệ khẩn cấp cho bang này.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-new-york-ban-bo-tinh-trang-khan-cap-post1235803.html