Vì sao Nga muốn châu Âu thanh toán khí đốt bằng đồng ruble?
Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn buộc các công ty châu Âu phải giao dịch với ngân hàng trung ương của nước này, vốn đang chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, theo Financial Times.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra tối hậu thư với châu Âu: không thanh toán bằng ruble thì không có khí đốt.
Sắc lệnh được Tổng thống Putin ký ngày 31/3 nêu rõ, các quốc gia “không thân thiện” phải thanh toán khí đốt giao hàng từ tháng 4 trở đi bằng đồng ruble, thiết lập tài khoản đồng ruble tại ngân hàng Gazbrombank hoặc Nga sẽ dừng cung cấp khí đốt.
Ông Putin nhấn mạnh, nếu các khoản thanh toán như vậy không được thực hiện, Nga sẽ coi đây là việc không hoàn thành nghĩa vụ từ phía người mua, với tất cả các hậu quả sau đó.
“Không ai bán miễn phí cho chúng tôi bất cứ thứ gì, và chúng tôi cũng sẽ không làm từ thiện. Có nghĩa là các hợp đồng hiện tại sẽ bị dừng lại”, Tổng thống Nga khẳng định.
Theo Financial Times, đây là động thái đáp trả các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, buộc các nước phương Tây phải phá vỡ quy tắc của chính mình bằng việc phải giao dịch với ngân hàng trung ương Nga và hệ thống ngân hàng Nga.
Vì sao Nga muốn thu tiền bán khí đốt bằng đồng ruble?
Về mặt thực tế, điều này không tạo khác biệt nào đối với Nga. Doanh số bán khí đốt của Nga sang châu Âu - ước tính ở mức 350 triệu USD/ngày theo công ty tư vấn năng lượng ICIS, là đủ để làm suy yếu các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, cho dù việc mua bán được thực hiện ở bất cứ hình thức nào.
Cho dù phương Tây thanh toán tiền mua khí đốt của Nga bằng đồng euro hay đồng ruble, Moscow vẫn thu được một lượng ngoại tệ tích trữ, rất hữu ích cho việc mua hàng nhập khẩu hoặc để nâng cao giá trị của đồng ruble. Hoặc các công ty châu Âu mua khí đốt trực tiếp bằng đồng euro và các nhà xuất khẩu sẽ chuyển 80% doanh thu sang đồng ruble, hoặc tất cả số tiền sẽ phải được đổi trước, chủ yếu thông qua ngân hàng trung ương Nga, vốn đang bị trừng phạt.
Tác động chủ yếu là về mặt chính trị.
Ông Bas van Geffen, nhà chiến lược vĩ mô cấp cao tại Rabobank, nhận định: “Để thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine, các nước phương Tây đã tăng cường các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. Đáp trả, Nga sẽ chỉ chấp nhận tiền thanh toán khí đốt tự nhiên bằng đồng ruble, điều chỉ có thể thực hiện thông qua ngân hàng trung ương Nga vốn đã bị các nước phương Tây trừng phạt. Điều này buộc phương Tây sẽ phải xóa bỏ lệnh trừng phạt mà chính họ đã áp đặt hoặc sẽ là dấu chấm hết cho nguồn cung khí đốt từ Nga sang châu Âu”.
Việc làm này bỗng dưng lại khiến Nga có nhiều lợi thế. Moscow đã thành công trong việc khai thác kẽ hở của các lệnh trừng phạt đối với ngân hàng trung ương nhờ việc miễn trừ lĩnh vực năng lượng.
“Đây là một câu hỏi chính trị, chứ không phải thương mại và dường như được thiết kế nhằm ‘trả lại’ sự khó chịu mà ngân hàng trung ương Nga phải hứng chịu cho chính các công ty châu Âu, đồng thời phần nào phá vỡ các hạn chế đó”, ông Ron Smith nhà phân tích cấp cao về dầu mỏ và khí đốt của BCS tại Moscow.
Tác động đối với đồng USD và euro trong thương mại toàn cầu
Một trong những lý do các quốc gia trên thế giới (bao gồm cả Nga) đều nắm giữ hàng trăm tỷ USD trong quỹ dự trữ của ngân hàng trung ương hoặc quỹ tài sản của họ là vì đồng USD là tiền tệ mặc định trên thị trường và thương mại toàn cầu. Trong một cuộc khủng hoảng, khi các chính phủ cần hỗ trợ đồng nội tệ hoặc trả nợ, điều quan trọng đối với các quốc gia, thường ở các thị trường mới nổi, là phải nắm giữ khối lượng đáng kể đồng USD, euro và một số tiền tệ toàn cầu khác.
Tuy nhiên, như Goldman Sachs đã nhận định: “Nếu các nhà đầu tư nước ngoài trở nên miễn cưỡng hơn trong việc nắm giữ các khoản nợ của Mỹ - ví dụ, do những thay đổi cơ cấu trong thương mại hàng hóa thế giới - thì kết quả có thể là đồng USD giảm giá và/hoặc lãi suất thực tế sẽ cao hơn ở để ngăn chặn hoặc làm chậm sự mất giá của đồng USD”.
Đồng euro cũng tương tự như vậy.
Nga muốn chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây đã loại nước này ra khỏi hệ thống tài chính giao dịch bằng đồng USD và đồng euro.
Các quốc gia không thân thiện hoặc thù địch với Mỹ hoặc EU có thể cảm thấy bị thôi thúc làm theo Nga, đa dạng hóa nguồn dự trữ bằng các loại tiền tệ của các nước có liên kết địa chính trị nhiều hơn.
“Tần suất sử dụng các biện pháp trừng phạt tài chính của Mỹ như một công cụ chính sách đối ngoại ngày càng tăng tạo ra động cơ thúc đẩy các nước thứ ba đa dạng hóa nguồn dự trữ và thoát khỏi sự phụ thuộc quá mức vào thương mại bằng đồng USD”, Goldman Sachs phân tích.
Việc thanh toán bằng đồng ruble được thực hiện như thế nào?
Trong sắc lệnh mới, Điện Kremlin cho biết, khách hàng ở các nước bị đưa vào danh sách không thân thiện với Nga sẽ được yêu cầu mở tài khoản bằng cả đồng ruble và ngoại tệ tại Gazprombank - ngân hàng đã bị Anh trừng phạt nhưng vẫn nằm ngoài danh sách của Mỹ và EU do có vai trò lớn trong thương mại khí đốt. Ngân hàng trung ương Nga, cơ quan hải quan và chính phủ Nga có 10 ngày để triển khai cơ chế thanh toán mới.
Việc chuyển đổi thanh toán tương tự với nhiều mặt hàng khác, như dầu mỏ, kim loại và phân bón, cũng đang được xem xét. Các nhà phân tích cho rằng châu Âu vẫn có thể thanh toán bằng đồng euro trong một tháng nữa vì hầu hết các đợt giao hàng trong tháng 4 phải đến tháng 5 mới đến hạn thanh toán.
Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết các hợp đồng giao hàng được lập hóa đơn bằng đồng euro và USD sẽ “vẫn được giữ nguyên”.
Theo các nhà phân tích, Gazprom thường có quyền thương lượng lại các điều khoản hợp đồng 3 năm một lần. Nhưng việc thay đổi tiền tệ mới trên các hợp đồng hiện tại là điều gây tranh cãi. Nếu hai bên không thể đi đến thống nhất, vấn đề sẽ được đưa ra Tòa Trọng tài Stockholm. Gazprom có hàng chục hợp đồng khác nhau mà công ty này sẽ cần phải thương lượng lại, vì vậy việc sửa đổi sẽ là một quá trình lâu dài.
“Dựa trên nguyên tắc tôn nghiêm của hợp đồng, nếu có tranh chấp lớn trong hợp đồng xuất khẩu khí đốt của Gazprom, khí đốt sẽ tiếp tục chảy cho đến khi vấn đề được giải quyết theo phân xử của trọng tài ở Stockholm”, ông Morten Frisch, một nhà đàm phán hợp đồng khí đốt cho biết.
Liệu Nga có đóng van khí đốt?
Việc Nga dừng cung cấp khí đốt cũng đồng nghĩa với việc Gazprom mất doanh thu. Tuy nhiên, trên lý thuyết, nhà xuất khẩu khí đốt có thể dừng cung cấp tới châu Âu gần như ngay lập tức mà không gặp phải khó khăn đáng kể nào.
“Không giống như các giếng dầu, các mỏ khí đốt nhìn chung tương đối dễ dàng đóng, mở van mà không gây tổn hại nào”, ông Smith tại BCS nói.
Một lượng khí đốt nhất định có thể chuyển hướng sang các nơi khác như Trung Á hay Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Nga có thể sẽ đưa một phần khí đốt vào các kho lưu trữ. Nga cũng có thể giữ khí đốt trong hệ thống đường ống hàng nghìn km của nước này./.