Theo đánh giá của chuyên gia phân tích tình hình địa chính trị nổi tiếng của tạp chí Bình luận quân sự Sergey Marzhetsky, trước sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế khu vực, nhu cầu khí hóa lỏng đang tăng lên ở cả Pakistan lẫn nước láng giềng Ấn Độ.
Tuy nhiên với tài nguyên có hạn, Pakistan chỉ sản xuất được khoảng 41 tỷ m3 khí mỗi năm, trong khi 1/3 tổng sản lượng điện phát ra từ khí đốt, điều này sẽ dẫn đến thiếu hụt nghiêm trọng.
Giới chức quốc gia Nam Á ban đầu xác định giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn năng lượng theo cách xây dựng các kho lưu trữ cỡ lớn
Nhưng để nhận "nhiên liệu xanh" cần có cơ sở hạ tầng thích hợp. Từ đó nảy sinh nhu cầu về một đường ống dẫn khí nối cảng Karachi và Gwadar trên bờ biển phía Nam với thành phố Lahore ở phía Bắc, nơi có các nhà máy điện và những cơ sở công nghiệp lớn.
Ban đầu đường ống này có tên North - South (Bắc - Nam), sau đó được đổi tên thành Pakistan Stream (Dòng chảy Pakistan) với năng lực thông qua vào khoảng 12,4 tỷ m3 mỗi năm, chiều dài đường ống lên tới 1.100 km và chi phí ước tính 2 - 2,5 tỷ USD.
Công trình ban đầu được giao cho một đơn vị thành viên của Tập đoàn Rostec, công ty RT - Global Resources thi công, phía Nga chịu trách nhiệm cho 86% dự án, nhưng sau đó một rào cản xuất hiện.
Do nguy cơ chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ, nhà thầu Nga đã được thay thế bởi một liên doanh, cổ phần của Nga cũng giảm từ 86% xuống còn 26% và chỉ chịu trách nhiệm chính về thiết kế kỹ thuật.
Hướng thứ hai mà Islamabad đầu tư là đường ống dẫn khí TAPI, bắt nguồn từ cánh đồng Galkynysh ở Turkmenistan, đi qua Afghanistan, Pakistan và Ấn Độ, kết thúc ở phía Tây của đất nước, năng lực thông qua của TAPI là 33 tỷ m3 mỗi năm.
Hiện tại New Delhi đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ cần thiết, Islamabad thực hiện công việc chuẩn bị, Ashgabat thực tế đã hoàn thành việc đặt đường ống, thực hiện một liên kết mang tính biểu tượng ở biên giới Afghanistan.
Nhưng hiện Afghanistan vẫn đang là điểm nghẽn trong việc triển khai dự án, bất chấp sự ủng hộ từ các nước láng giềng coi TAPI là một trong những bước đi kinh tế quan trọng nhằm khôi phục hòa bình và thịnh vượng ở đất nước này.
Vậy tại sao hai dự án nói trên lại quan trọng đối với Nga, điều này đã được chuyên gia Sergey Marzhetsky giải thích như sau:
Thứ nhất, Pakistan Stream sẽ kết nối với TAPI trong tương lai, một cơ sở hạ tầng vận chuyển khí đốt thống nhất sẽ được tạo ra, đồng chủ sở hữu chính là Nga. Mặc dù 26% cổ phần nhỏ hơn đáng kể so với 86%, nhưng vẫn tốt hơn 0%.
Thứ hai, Moskva kỳ vọng rằng các nhà cung cấp của mình sẽ có được chỗ đứng trên thị trường năng lượng Pakistan đang bị thống trị bởi Oman và Qatar. Điều này đã được Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov tuyên bố gần đây:
"Cách đây một thời gian, đã có lợi ích chung trong việc cung cấp khí hóa lỏng của Nga thông qua các công ty Gazprom, Rosneft và Novatek. Những đề xuất liên quan đã được đưa ra và chúng tôi đang chờ phản hồi từ phía Pakistan".
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu khí hóa lỏng Nga, đây là một nỗ lực nhằm xâm nhập thị trường Pakistan đầy hứa hẹn.
Mặc dù nhiên liệu từ Trung Đông có lợi thế cạnh tranh rõ rệt do chi phí hậu cần của họ nhỏ hơn so với các nhà máy của Nga ở Sakhalin và Yamal, nhưng Moskva vẫn sẽ có thị phần của mình.
Thứ ba, sự gia tăng tiêu thụ ở các nước láng giềng Pakistan, Ấn Độ và Bangladesh cuối cùng sẽ kéo khí gas Qatar và Oman khỏi thị trường châu Âu. Điều này ở một mức độ nào đó sẽ cải thiện vị thế của Nga trên Cựu lục địa.
Như vậy, mặc dù dự án Pakistan Stream không mang lại siêu lợi nhuận, nhưng đây là một bước tiến để củng cố vị thế kinh tế của Moskva tại khu vực Nam Á.
Việt Dũng