Vì sao Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen và động thái tiếp theo?

Vì sao Nga quyết định rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen và liệu các bên sẽ có động thái gì tiếp theo nhằm đảm bảo vai trò thiết yếu của thỏa thuận gắn với sự ổn định nguồn cung lương thực toàn cầu này?

Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen Nga - Ukraine có vai trò quan trọng trong việc duy trì ổn định giá lương thực toàn cầu và ngăn chặn nạn đói ở nhiều nơi. Ngày 17/7/2023, Nga tuyên bố rút khỏi thỏa thuận này, vốn cho phép các tàu vận chuyển ngũ cốc và lương thực đi qua khu vực bị phong tỏa trên Biển Đen. Ngay sau đó, giá lương thực đã tăng vọt, đặc biệt là giá lúa mì, ngô và đậu nành ở châu Âu, Trung Đông cũng như các khu vực khác.

Vậy thỏa thuận ngũ cốc là gì và vì sao nó lại quan trọng đến vậy với chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu?

Tàu thuyền đi qua Eo biển Bosphorus ngày 31/10/2022. Ảnh: Reuters

Tàu thuyền đi qua Eo biển Bosphorus ngày 31/10/2022. Ảnh: Reuters

Vai trò của Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen

Ukraine được gọi là "giỏ bánh mì của châu Âu" khi nước này chiếm 10% thị phần xuất khẩu lúa mì toàn cầu và gần một nửa dầu hướng dương của thế giới. Hơn 400 triệu người dựa vào nông sản từ Ukraine trước khi xung đột nổ ra vào cuối tháng 2/2022. Gần 90% xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine là qua các cảng Biển Đen.

Một lý do quan trọng nữa là Ukraine sở hữu khoảng 1/3 đất màu mỡ nhất thế giới, còn được biết tới là đất đen. Trước xung đột, Ukraine có thể tiếp cận quanh năm các cảng không đóng băng ở Biển Đen để vận chuyển ngũ cốc tới các thị trường xung quanh. Tuy nhiên, từ tháng 2 - 6/2022, ít nhất 25 triệu tấn ngũ cốc Ukraine chưa thể xuất ra thị trường toàn cầu khiến cho giá lương thực tăng vọt.

Xung đột ở Ukraine không phải lý do duy nhất gia tăng sức ép lên nguồn cung toàn cầu. Hạn hán ở nhiều nơi và sự gián đoạn do đại dịch Covid-19 cũng là một phần nguyên nhân. Một số quốc gia bắt đầu hạn chế xuất khẩu lương thực và phân bón do lo ngại thiếu hụt trong nước, trong khi nhiều nước nghèo gặp khó khăn trong việc mua lương thực. Điều đó đe dọa làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng nạn đói trên thế giới.

Trước thực tế này, ngày 22/7/2022, Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian hòa giải cho Sáng kiến Ngũ cốc Biến Đen Nga – Ukraine. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres gọi thỏa thuận là "hải đăng hy vọng", giúp chuyển hướng kịch bản tồi tệ nhất.

Thỏa thuận này cho phép xuất khẩu lương thực và phân bón từ 3 cảng biển của Ukraine ở Biển Đen gồm Odesa, Chornomorsk và Pivdennyi. Đội ngũ đại diện cho các bên trong thỏa thuận (Ukraine, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc) sẽ kiểm tra các con tàu ra vào các cảng này và khi hàng hóa được chất lên, tàu sẽ đi theo một con đường đã được thiết lập để tránh các khu vực cài mìn. Trong khi thỏa thuận ban đầu chỉ kéo dài 120 ngày thì sau đó nó đã được gia hạn một số lần.

Là một bên trong thỏa thuận, Nga nhận được một số đảm bảo để các sản phẩm nông nghiệp và phân bón không nằm trong lệnh trừng phạt. Thỏa thuận cũng giúp làm ổn định giá lương thực toàn cầu và ngăn chặn tình trạng mất an ninh lương thực. Nó còn đóng vai trò như phao cứu sinh cho nền kinh tế Ukraine, vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi xung đột.

Ukraine đã xuất khẩu hơn 32 triệu tấn lương thực qua Biển Đen từ tháng 8/2022. Chương trình Lương thực Thế giới đã mua 80% lúa mì từ Ukraine. Ethiopia, Yemen, Afghanistan và Thổ Nhĩ Kỳ là những nước nhận hỗ trợ lớn nhất từ các đợt vận chuyển cứu trợ nhân đạo trên.

Liên Hợp Quốc ước tính, thỏa thuận ngũ cốc đã làm giảm giá lương thực hơn 23% kể từ tháng 3/2022. Giới chuyên gia đánh giá, các cảng Biển Đen có vai trò vô cùng quan trọng để đảm bảo ngũ cốc Ukraine xuất ra thế giới. Mặc dù Ukraine cũng vận chuyển ngũ cốc bằng đường bộ qua châu Âu thì việc này mất nhiều chi phí và thời gian hơn so với đường biển. Ngoài ra, chi phí vận chuyển trên đất liền có thể tăng cao do tác động của xung đột như rủi ro bom mìn, các cơ sở hạ tầng nông nghiệp bị phá hủy và nhiều thách thức khác.

Vì sao Nga rút khỏi thỏa thuận?

Ngày 17/7/2023, Nga tuyên bố không muốn duy trì thỏa thuận ngũ cốc trừ khi các yêu cầu của nước này được đáp ứng. Trong 2 ngày tiếp theo, Moscow tiến hành cuộc tấn công tên lửa và UAV lớn nhất từ trước đến nay vào cảng Odesa, sau khi cầu Crimea bị tấn công khiến 2 người thiệt mạng. Điện Kremlin phủ nhận việc rút khỏi thỏa thuận có liên quan đến sự việc cầu Crimea.

Trên thực tế, thỏa thuận bị đe dọa thậm chí trước khi Nga tuyên bố rút khỏi. Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen được gia hạn 3 lần, gần đây nhất là vào tháng 5. Điện Kremlin chỉ nhất trí mở rộng thỏa thuận thêm 60 ngày nên cứ sau 2 tháng, số phận của thỏa thuận này lại trở nên không chắc chắn. Moscow từng rút khỏi thỏa thuận một lần trước đó vào tháng 10/2022, không lâu sau khi Ukraine bị cáo buộc tấn công một căn cứ hải quân Nga. Trong thời gian đó, Ukraine, Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục vận chuyển ngũ cốc qua các tuyến đường biển. Nga đã tham gia lại một vài ngày sau đó, cho biết Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc đã nhận được đảm bảo từ Kiev rằng sẽ không sử dụng các hành lang trên biển vì mục đích quân sự.

Mới đây, Moscow tuyên bố bất kỳ tàu nào đi qua Biển Đen để tới các cảng của Ukraine đều sẽ bị coi là mục tiêu quân sự hợp pháp. Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh, các tàu đến Ukraine thời điểm này đều có khả năng chở theo hàng hóa quân sự, và tàu chở hàng treo cờ nước nào sẽ đều bị coi là quốc gia bên trong cuộc xung đột. Tuy nhiên, Bộ này không nêu chi tiết các hành động phản ứng cụ thể, chỉ nhận định hiện các khu vực phía Đông Nam và Tây Bắc vùng biển quốc tế ở Biển Đen tạm thời không an toàn cho hàng hải.

Nếu như trước đây, mặc dù không ít lần đưa ra cảnh báo đe dọa nhưng sau đó Nga vẫn gia hạn thỏa thuận thì lần này tình hình có lẽ đã khác. Các cuộc tấn công tên lửa của Nga gây ra tổn thất lớn cho thành phố Odesa, hạn chế nghiêm trọng khả năng xuất khẩu của Ukraine qua cảng biển này trong tương lai dù có hay không thỏa thuận trên.

Phương Tây cáo buộc Nga biến việc tham gia vào thỏa thuận này như một quân bài mặc cả để được giảm nhẹ trừng phạt. Điện Kremlin cho biết, thậm chí các sản phẩm nông nghiệp của nước này không bị trừng phạt thì sự cô lập của các hệ thống thanh toán và ngân hàng quốc tế đã khiến việc làm ăn trở nên khó khăn hơn.

Tổng thư ký Antonio Guterres đã gửi một bức thư cho Tổng thống Vladimir Putin đề xuất một giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga, đồng thời đảm bảo các chuyến hàng ngũ cốc của Ukraine tiếp tục được vận chuyển qua Biển Đen. Theo đó, Nga sẽ gia hạn thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen thêm vài tháng để Liên minh châu Âu có thời gian khôi phục kết nối của Ngân hàng Nông nghiệp Nga với hệ thống thanh toán SWIFT. Dù vậy, giới quan sát cho rằng điều kiện này không mấy thu hút bởi Nga nhận thấy họ có nhiều lợi ích hơn khi ở ngoài thỏa thuận, vị thế giúp họ thúc đẩy các yêu cầu và gia tăng sức ép lên Ukraine.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Hiện nay, cuộc phản công của Ukraine đang chậm dần nhưng nước này vẫn đang cố gắng kéo căng các lực lượng của Nga và giành lại lãnh thổ. Tuy nhiên, trong một cuộc xung đột tiêu hao, Moscow dường như vẫn có lợi thế lớn hơn. Giới quan sát phương Tây cho rằng điều này khiến việc dự đoán Nga sẽ làm gì tiếp theo trở nên khó khăn hơn dù Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đang hối thúc Moscow quay lại thỏa thuận. Tuần này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết ông tin rằng "Người bạn Putin của tôi muốn tiếp tục cây cầu nhân đạo này". Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng nên khó có thể biết được liệu mối quan hệ này thể tác động gì đến thỏa thuận ngũ cốc.

Một câu hỏi lớn hơn được đặt ra là điều gì sẽ xảy ra nếu Nga tiếp tục ở ngoài thỏa thuận vô thời hạn. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi thỏa thuận nên tiếp tục dù có hay không có Nga.

"Chúng tôi đang cân nhắc những lựa chọn cho các hành động và thỏa thuận để đảm bảo vị trí của Ukraine trên toàn cầu như một bên đảm bảo an ninh nương thực, khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu bằng đường biển và các công việc cho người dân Ukraine trong ngành xuất khẩu và nông nghiệp. Chúng tôi đang đấu tranh cho an ninh toàn cầu và nông dân Ukraine", ông Zelensky nói.

Tuy vậy, thậm chí cả khi Nga tái gia nhập thỏa thuận thì đó vẫn không phải là một giải pháp hoàn hảo cho kinh tế Ukraine và chấm dứt sức ép giá cả trên toàn cầu. Cuộc xung đột ở Ukraine đi cùng với những điều khó dự đoán và không chắc chắn. Theo Phó Chủ tịch chính sách toàn cầu tại Mercy Corps, Kate Phillips-Barrasso, những gì đang diễn ra Ukraine "giống như đổ thêm dầu vào đống lửa vốn đã đang cháy to".

Kiều Anh/VOV.VN (Tổng hợp) Theo: Vox News, The Conversation

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/vi-sao-nga-rut-khoi-thoa-thuan-ngu-coc-bien-den-va-dong-thai-tiep-theo-post1033956.vov